Cùng hội, liệu có cùng thuyền?

Thủ tướng Luxembourg kiêm Chủ tịch Khối sử dụng đồng EUR Jean Claude Juncker ngày 16-2 đã khẳng định Hy Lạp phải nỗ lực nhiều hơn nữa để cắt giảm khoản thâm hụt ngân sách của mình và nước này cần hiểu rõ là không một người dân nào của Đức, Bỉ, Phần Lan hay Luxembourg đồng ý sử dụng khoản tiền thuế mình tích cóp hàng năm để chi trả cho những sai lầm mà Hy Lạp đã mắc phải. Lời tuyên bố này chẳng khác nào lời từ chối giúp đỡ Hy Lạp vượt qua cơn khủng hoảng.

Thủ tướng Luxembourg kiêm Chủ tịch Khối sử dụng đồng EUR Jean Claude Juncker ngày 16-2 đã khẳng định Hy Lạp phải nỗ lực nhiều hơn nữa để cắt giảm khoản thâm hụt ngân sách của mình và nước này cần hiểu rõ là không một người dân nào của Đức, Bỉ, Phần Lan hay Luxembourg đồng ý sử dụng khoản tiền thuế mình tích cóp hàng năm để chi trả cho những sai lầm mà Hy Lạp đã mắc phải. Lời tuyên bố này chẳng khác nào lời từ chối giúp đỡ Hy Lạp vượt qua cơn khủng hoảng.

Thế nhưng, ngược với quan điểm này, nhà kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là ông Otmar Issing cho rằng khó khăn của Hy Lạp cũng là khó khăn chung mà các nước cần xắn tay áo cùng hỗ trợ, nếu muốn thoát khỏi “áng mây u ám” của khủng hoảng kinh tế - tài chính. Theo ông Otmar Issing, trong trường hợp Hy Lạp lún sâu vào khủng hoảng tài chính, các nước thành viên của khối sử dụng đồng tiền EUR cũng sẽ gặp khốn khó bởi cơn địa chấn này có thể làm chao đảo đơn vị tiền tệ chung của khu vực.

Nhưng Chính phủ Hy Lạp đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Trong lúc cam kết thực hiện cắt giảm chi tiêu ngân sách nhằm giảm thâm hụt theo yêu cầu của các nước trong khu vực đồng EUR, chính phủ phải đối mặt với làn sóng phản đối từ trong nước, đặc biệt là những người ăn lương nhà nước vì giảm chi tiêu ngân sách là ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ. Còn các nước như Đức và Pháp, hai nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng tiền chung này, cho rằng bản thân Hy Lạp phải có trách nhiệm với chính những sai lầm của mình.

Thái độ phản đối của người dân trong khu vực cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính sách của khối đối với Hy Lạp. Và tình trạng tiến thoái lưỡng nan cũng đang là vấn đề mà các nước này phải đối mặt. Một số chính phủ nhận thấy được cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp có thể sẽ gây ra hiệu ứng domino đối với các nước còn lại, mà hiện nay đang trên bờ vực khủng hoảng như Ireland, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và đồng ý tìm biện pháp cứu trợ. Nhưng một số nước khác thì không và người dân trong khu vực cũng nói không. Vì vậy nếu không cứu Hy Lạp hôm nay có thể khủng hoảng sẽ đến với mình ngày mai, nhưng nếu cứu Hy lạp ngay bây giờ thì các chính phủ cũng phải đương đầu với làn sóng phản đối trong nước ngay chính hôm nay. Xem ra vấn đề đã trở nên nghiêm trọng hơn so với những gì mà các nhà lãnh đạo EU dự báo khi họ ngồi lại với nhau hồi hai tuần trước với tuyên bố khá lạc quan là sẽ tìm ra biện pháp giúp đỡ người cùng thuyền với mình.

Vấn đề của Hy lạp gợi nhớ đến cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 - 1999. Lúc đó Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã ép Indonesia thắt lưng buộc bụng mới cho vay cứu trợ và Chính phủ Indonesia lúc bấy giờ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Shuharto đã thực hiện những gì IMF yêu cầu. Hậu quả là sự phản đối của người dân dẫn đến bạo loạn xã hội, nền kinh tế sụp đổ hoàn toàn, chính trị bất ổn và cuối cùng ông Shuharto phải ra đi.

Cứu Hy Lạp hay không cứu Hy Lạp, con thuyền EU cũng đương đầu với khó khăn. Hy Lạp có làm theo yêu cầu của EU hay không cũng gặp sóng to gió lớn. Hẳn dư luận còn nhớ bài học vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 2007 - 2009, ở đó Malaysia đã cương quyết không thực hiện các yêu cầu của IMF và đã thành công khi tự mình tìm con đường cứu lấy mình, còn Indonesia thì rơi vào khủng hoảng kinh tế lẫn chính trị. Vì vậy, EU muốn giúp Hy Lạp thì phải hiểu tình hình nội bộ nước này, chứ không thể giận dữ rồi áp đặt các biện pháp không phù hợp tình hình thực tế của Hy Lạp. Còn Hy Lạp có lẽ cũng cần nhớ lại bài học của Malaysia và Indonesia.

THIÊN NHƯ

Tin cùng chuyên mục