Cuộc đối đầu mới giữa Iran và phương Tây

Những diễn biến mới ở Iran cho thấy chính quyền Tehran đang củng cố vị thế của mình sau cuộc bầu cử tổng thống gây náo động. Cùng với việc xử lý những vấn đề đối nội theo hướng kiên quyết lập lại trật tự và an ninh xã hội, về đối ngoại, Iran cũng đã khẳng định quan điểm cứng rắn của mình.

Những diễn biến mới ở Iran cho thấy chính quyền Tehran đang củng cố vị thế của mình sau cuộc bầu cử tổng thống gây náo động. Cùng với việc xử lý những vấn đề đối nội theo hướng kiên quyết lập lại trật tự và an ninh xã hội, về đối ngoại, Iran cũng đã khẳng định quan điểm cứng rắn của mình.

Trước đó, dư luận quốc tế đã tưởng sẽ có sự thay đổi đáng kể trong quan hệ giữa Iran và phương Tây. Trong quá trình vận động tranh cử cũng như tuyên bố khi làm lễ nhậm chức nhiệm kỳ hai, Tổng thống tái đắc cử Mahmoud Ahmadinejad đã bộc lộ một số nét được cho là có thể làm thay đổi cục diện quan hệ vốn căng thẳng giữa Iran và phương Tây. Người ta nhớ trong bài phát biểu đầu tiên sau khi nhậm chức, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad nói rằng, cuộc bầu cử tổng thống ngày 12-6 đánh dấu “bước khởi đầu của sự thay đổi lớn ở Iran và trên thế giới”.

Mặc dù vậy, mới đây, theo tin TTXVN tại Cairo dẫn Đài Truyền hình Al-Arabiya sáng 11-8 cho biết, Chính phủ Iran vừa bác bỏ đề nghị của Mỹ kêu gọi Tehran ấn định thời điểm nối lại cuộc thương lượng với Nhóm “P5+1” (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và Đức) về vấn đề hạt nhân của nước này.

Tuyên bố trên được đưa ra nhằm bác lại đề nghị trước đó của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton kêu gọi Iran đồng ý nối lại đối thoại trước tháng 9 tới nếu không thì Mỹ sẽ “thay đổi chính sách”, áp dụng những biện pháp mạnh mẽ hơn với nước Cộng hòa Hồi giáo này để giải tỏa vấn đề hạt nhân gây tranh cãi lâu nay. Một quan chức ngoại giao cấp cao Iran nói rằng, Tehran không phản đối thương lượng, nhưng “không cho phép bất cứ quốc gia nào ra lệnh cho mình, vì như vậy là can thiệp vào công việc nội bộ của Iran”.

Cũng cách đây không lâu, Iran đã đưa một số nhân viên người Iran làm việc cho các sứ quán Pháp và Anh, cùng một người Pháp ra tòa án xét xử về tội bạo loạn, làm gián điệp và âm mưu lật đổ chống chính quyền. Hossein Rassam, nhân viên cao cấp nhất trong giới nhân viên bản địa tại Sứ quán Anh, bị buộc tội “làm gián điệp cho nước ngoài”. Báo chí Iran cho biết họ đã nhận tội và xin lỗi về hành động của mình.

Những làn sóng bạo động sau bầu cử tổng thống được dư luận phương Tây cổ vũ nhiệt tình. Người ta đã ví đó sẽ là “cuộc cách mạng nhung” ở Đông Âu tái hiện tại nước Cộng hòa Hồi giáo Iran. Nhưng chính quyền Iran đã kiên quyết ra tay dập tắt cuộc bạo loạn này. Iran chỉ đích danh phương Tây đứng đằng sau vụ bạo động. Và các vụ xét xử những người tham gia cuộc bạo động vừa qua ở Iran được coi như là minh chứng.

Và cũng có thể hiểu được vì sao các nước châu Âu đang kịch liệt chỉ trích Iran về các vụ xử mới nhất liên quan tới làn sóng bạo động sau kỳ bầu cử tổng thống. Mỹ, Pháp, Italia và Đức đã không gửi điện mừng ông Mahmoud Ahmadinejad tái đắc cử tổng thống mà còn có những động thái khác không tôn trọng chính quyền Iran. Mặc dù trong thời gian gần đây, khi phát biểu công khai, ông Ahmadinejad không dùng những lời lẽ chống phương Tây như thường thấy, nhưng những diễn biến mới cho thấy quan hệ giữa phương Tây và Iran vẫn tiếp tục căng thẳng.

NGUYỄN KHẮC ĐỨC

Tin cùng chuyên mục