Cuộc đua công nghệ 6G nóng dần

Khi công nghệ 5G vẫn đang được triển khai tại nhiều quốc gia, cuộc đua thiết lập mạng 6G đã bắt đầu.

Đây không chỉ là cuộc cạnh tranh về công nghệ mà còn về ảnh hưởng địa chính trị. Liệu các công ty và chính phủ có thể gạt bỏ mâu thuẫn để cùng nhau hướng tới một giải pháp hợp tác cùng có lợi hay không?

Trung Quốc đã tăng đáng kể sức mạnh kinh tế và chính trị kể từ khi tạo ra mạng 3G và 4G. Công ty viễn thông hàng đầu của họ - Huawei hiện đang có kế hoạch tạo ra công nghệ 6G hàng đầu thế giới. Công nghệ căn bản để phát triển mạng 6G chính là Visible light communication (VLC - tạm dịch là giao tiếp ánh sáng nhìn thấy), là một phương pháp không dây cho phép truyền dữ liệu tốc độ cao bằng ánh sáng nhìn thấy. VLC hoạt động trên băng thông lớn ở tần số terahertz với tốc độ dữ liệu cao hơn nhiều so với nền tảng 5G hiện tại. Nguồn phát wifi 6G đơn giản có thể từ ánh sáng đèn LED.

Điều này đặt phương Tây vào thế khó: hoặc chạy đua cạnh tranh công nghệ 6G hoặc cùng hợp tác với Trung Quốc vì lợi ích chung. Các trận chiến về việc triển khai 5G cho thấy cả phương Tây và Trung Quốc đều có phần thiệt hại.

Ban đầu, hầu hết các chính phủ phương Tây nghiêng về việc cho phép Huawei cạnh tranh để giành được các hợp đồng. Nhưng sau đó, những lo ngại về tác động an ninh quốc gia, dẫn đầu là Mỹ, đã khiến các quốc gia như Anh, Pháp và Canada cấm hoặc loại bỏ dần thiết bị Huawei khỏi cơ sở hạ tầng 5G của họ.

Có vẻ như cuộc chiến về 5G là tiền đề cho cuộc chiến về 6G sắp diễn ra. Huawei tự tin tuyên bố rằng 6G của họ sẽ tiếp tục quá trình chuyển đổi từ kết nối internet vạn vật sang kết nối thông minh nhân tạo (AI).

Trung Quốc và phương Tây lại nóng với cuộc đua công nghệ 6G
Trung Quốc và phương Tây lại nóng với cuộc đua công nghệ 6G

Nokia, Samsung và Ericsson từ lâu đã được coi là nhà đổi mới cơ sở hạ tầng di động tiên tiến nhất thế giới, cũng là những người chơi chính trong cuộc đua 6G. Tuần trước, Ericsson đã khởi động sáng kiến nghiên cứu 6G tại Anh, tập hợp các học giả và đối tác trong ngành để xây dựng khả năng phục hồi và bảo mật cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật số trong tương lai. Nhưng trong khi Phó Chủ tịch Huawei Eric Xu kêu gọi Đông và Tây “cùng nhau hợp tác 6G”, thì chưa chắc tầm nhìn của Huawei sẽ hội tụ với tầm nhìn của Ericsson, Nokia, Samsung và các công ty phương Tây nhỏ hơn. Thay vào đó, thế giới phải đối mặt với 2 phiên bản của công nghệ 6G trên các thiết bị di động, một của phương Tây và một của Trung Quốc.

Bất chấp những thất bại 5G của Huawei ở các nước phương Tây, công ty này vẫn là gã khổng lồ thống trị vô số thị trường các nước đang phát triển, chưa kể thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, nghiên cứu của Ericsson và các đối thủ cạnh tranh phương Tây khác chắc chắn sẽ bị hạn chế hơn và bị phân tán do sự cạnh tranh trên thị trường.

Không giống như thời Chiến tranh Lạnh khi các đối thủ tranh giành lãnh thổ, cuộc cạnh tranh 6G thiên về kinh tế, lợi ích ngoại giao và công nghệ. Tuy nhiên, nếu các nước phương Tây không hợp tác, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ rất thực tế là phải chấp nhận 6G của Huawei.

Sự đồng thuận toàn cầu về 6G cũng chính là điều mà nhiều thành viên của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đang mong đợi. ITU đã và sẽ có nhiều cuộc thảo luận về mục tiêu chung của truyền thông di động toàn cầu trong tương lai đến năm 2030 và xa hơn. ITU được thành lập từ 20 chính phủ châu Âu tại Paris 57 năm trước, là cơ quan lâu đời nhất của Liên hiệp quốc nên có nhiều kinh nghiệm tìm kiếm cơ hội hợp tác về 6G.

Tin cùng chuyên mục