
Hôm nay 22-8, cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ năm 2009” do Đài Truyền hình TPHCM tổ chức, sẽ chính thức khởi động vòng thi sơ tuyển, tại tỉnh Cà Mau. Sau đó, cuộc thi lần lượt diễn ra ở các địa điểm: An Giang, Bến Tre, Tây Ninh, Hà Nội và TPHCM.
Nhạc sĩ Kiều Tấn, Trưởng ban Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình TPHCM, cho biết: “Nét mới của cuộc thi năm nay là mở rộng địa bàn tuyển chọn giọng ca ra tận Hà Nội. Điều này đã được chúng tôi chuẩn bị rất kỹ từ cuộc thi năm trước, đó là việc mời NSƯT Thanh Thanh Hiền làm thành viên ban giám khảo. Việc mở rộng địa bàn tuyển chọn, chúng tôi muốn tìm kiếm những giọng ca vọng cổ trẻ ở phía Bắc, đồng thời qua đó khơi gợi sự yêu thích của giới trẻ nơi đây đối với loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Nam bộ”.

Võ Thành Phê (trái) được phát hiện từ cuộc thi năm 2008.
Từ việc mở rộng địa bàn, cuộc thi sẽ có một số thay đổi, số lượng thí sinh vào bán kết cũng nhiều hơn, năm nay sẽ là 40, thay vì chỉ 30 thí sinh như các năm trước. Với các thí sinh vào bán kết, nếu nhà xa, BTC sẽ lo việc ăn ở, đi lại, đặc biệt với các thí sinh ở phía Bắc còn được lo cả vé máy bay khứ hồi.
Bên cạnh đó, cách thức thi năm nay cũng sẽ có một chút thay đổi để thêm phong phú, hấp dẫn. Ở cuộc thi của những năm trước, từ vòng chung kết một đến chung kết năm, các thí sinh phải chọn lựa những bài hát, trích đoạn BTC đưa ra theo từng chủ đề xuân - hạ - thu - đông, kim - mộc - thủy - hỏa - thổ… thì lần này, ở vòng chung kết một, thí sinh có thể chọn bài hát sở trường của mình, vòng chung kết hai cũng có thể chọn ca trích một vở cải lương nào đó. Tuy nhiên, từ vòng chung kết ba, yêu cầu đặt ra hơi khó hơn một chút.
Năm nay kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, BTC có thể yêu cầu các thí sinh hát một số bài về Bác hoặc ca vọng cổ hài, hay là ca trích vai độc, lẳng… Riêng đêm chung kết xếp hạng, việc bốc thăm chọn bài ca cổ để thể hiện vẫn được giữ nguyên.
Nhiều người cho rằng, vọng cổ cải lương là đặc sản của Nam bộ nên các thí sinh của phía Nam sẽ có lợi thế hơn khu vực phía Bắc, đặc biệt là cách phát âm từ ngữ, chất giọng. Vậy khi chấm điểm, cách thức có gì khác? Nhạc sĩ Kiều Tấn cho biết, cách phát âm, chất giọng của từng vùng miền sẽ không ảnh hưởng gì đến kết quả. Cách thức chấm điểm cũng không có gì thay đổi, vẫn dựa vào những yếu tố thanh sắc, nhịp nhàng… Nếu như một thí sinh của khu vực phía Bắc mà có thanh sắc và khi thi, chọn đúng những bài ca, ca trích phù hợp với mình, ca nhịp nhàng vững chắc… vẫn đạt kết quả tốt.
Cũng theo nhạc sĩ Kiều Tấn, khi 10 thí sinh được chọn vào vòng chung kết, BTC cũng dành thời gian một tuần để nhờ các thầy cô, nghệ sĩ có nhiều kinh nghiệm chỉ dạy cho các em từ cách ca, cách diễn, đến cách chọn những tiết mục nào cho phù hợp với chính mình. Cho nên qua một tuần được bồi dưỡng kiến thức như thế, các thí sinh sẽ cùng những người thầy của mình sẽ chọn được những tiết mục hay nhất.
Riêng đêm chung kết xếp hạng (15 – 10), các thí sinh sẽ phải bốc thăm chọn một bài ca ngẫu nhiên mà BTC đưa ra để thi ca, là một phép thử bản lĩnh thí sinh. Tuy nhiên, ở cuộc thi các năm trước đây, đã có những trường hợp tréo ngoe, thí sinh nam lại chọn bài ca dành cho nữ hoặc ngược lại nên khó lòng thả hồn mình vào câu ca, tiếng nhạc.
Cho nên, nếu một thí sinh nữ (nam) khi bốc thăm trúng bài ca dành cho nữ (nam) mà thể hiện tốt, là lẽ đương nhiên, nhưng nếu ngược lại, cũng vẫn thể hiện hay, lại càng đáng quý hơn!
Được biết, sau mùa thi, BTC thường tổ chức những đêm diễn ở các tỉnh thành, vừa nhằm giới thiệu giọng ca mới, vừa phục vụ rộng khắp khán giả. Lúc đầu, BTC dự kiến sẽ đưa ra Hà Nội. Tuy nhiên, về kinh phí có những hạn chế nên chưa thể thực hiện được. Năm nay, sau cuộc thi chỉ có thể tổ chức ở một điểm duy nhất là Bình Dương, điểm diễn này vừa tiện lợi nhờ có sẵn cơ sở vật chất, khán giả và gần thành phố, ít tốn kém chi phí.
ĐỖ HẠNH