Cuộc thi Chuông vàng vọng cổ năm 2018: Tươi mới sân chơi truyền thống

Năm nay, cuộc thi có nhiều khởi sắc khi có 330 thí sinh tham gia, tăng so với năm 2017 (có 252 thí sinh). Thí sinh có độ tuổi trung bình 16 - 22, có sắc vóc, chất giọng tốt.
Hai thí sinh Nam Thanh Phong (diễn viên Đoàn văn công Đồng Tháp) và thí sinh Trần Thị Mỹ Dung (18 tuổi) tham gia vòng thi tuyển chọn
Hai thí sinh Nam Thanh Phong (diễn viên Đoàn văn công Đồng Tháp) và thí sinh Trần Thị Mỹ Dung (18 tuổi) tham gia vòng thi tuyển chọn

Vòng tuyển chọn cuộc thi Chuông vàng vọng cổ vừa diễn ra hấp dẫn với phần tranh tài của 36 thí sinh đến từ nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam. Tham gia cuộc thi năm nay có nhiều gương mặt nổi trội về thanh sắc, tạo được ấn tượng với ban giám khảo và khán giả bằng tài năng, giọng ca tốt và tình yêu dành cho loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương.

36 thí sinh tiềm năng của cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2018 vừa vượt qua vòng tuyển chọn, thi triển tài năng trong cách ca diễn, xử lý kỹ thuật với phần thi 3 câu vọng cổ tự chọn. Tuy nhiên, ở vòng thi này, ban giám khảo và nhiều khán giả không khỏi tiếc nuối, vì có không ít thí sinh có chất giọng tốt, âm vực rộng, có nội lực, nhưng còn thiếu kinh nghiệm nên sai sót trong thể hiện phần thi của mình.

Kết thúc vòng tuyển chọn, 9 thí sinh xuất sắc vượt qua sự quan sát, lắng nghe và soi xét rất tỉ mỉ, có nghề của ban giám khảo chuyên môn (gồm: NSƯT Phượng Loan, NSƯT Hữu Quốc, NSƯT Quế Trân và giám khảo khách mời - NSƯT Kim Tử Long) để có được chiếc vé bước vào vòng chung kết xếp hạng. Trước khi bước vào vòng chung kết xếp hạng, các thí sinh sẽ có 1 tháng  để chọn vai diễn, tác phẩm tập luyện cùng ban huấn luyện.

Ông Nguyễn Minh Hải, trưởng ban tổ chức cuộc thi, cho biết: “Năm nay, cuộc thi có nhiều khởi sắc khi có 330 thí sinh tham gia, tăng so với năm 2017 (có 252 thí sinh). Thí sinh có độ tuổi trung bình 16 - 22, có sắc vóc, chất giọng tốt. Việc ghi hình vòng tuyển chọn vào cuối tháng 7, sẽ phát sóng vào các ngày chủ nhật trong tháng 8. Ban tổ chức muốn dành một khoảng thời gian dài để thí sinh có nhiều thời gian tập luyện, giúp thí sinh đầu tư xây dựng hoàn chỉnh vai diễn, đạt được chiều sâu về nội dung và hình thức trình diễn”.

Để sân chơi nghệ thuật truyền thống hấp dẫn, đa dạng, ban tổ chức cuộc thi năm nay đã nỗ lực đầu tư xây dựng một không gian sân khấu đa sắc, thể hiện đậm chất văn hóa nghệ thuật miền Nam, gần gũi với khán giả.

NSƯT Đinh Thanh Sơn chia sẻ: “Khi bắt tay dàn dựng chương trình, chúng tôi nghĩ đây không đơn thuần là một cuộc thi mà còn hướng đến ý nghĩa kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương. Vì thế, chúng tôi sẽ thực hiện một sân khấu mang đậm bản sắc văn hóa nghệ thuật đặc trưng của miền Nam, thể hiện hài hòa sự kết hợp, lan tỏa và hội tụ chất hiện đại - dân tộc, tất cả sẽ cùng hòa quyện trong suốt các đêm thi. Đặc biệt, chúng tôi sẽ chú trọng nhiều hơn chất chân phương của các thí sinh trong từng buổi thi tài bằng cách tăng cường các trang thiết bị ghi hình ở nhiều góc độ sao cho thật đẹp”. 

Cuộc thi năm nay còn có sự tham gia của đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ trong vai trò ban giám khảo vòng chung kết xếp hạng, bên cạnh 2 nghệ sĩ quen thuộc là NSƯT Minh Vương và NSƯT Thanh Tuấn.

Đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ chia sẻ: “Tôi rất vui khi được trở lại với cuộc thi. Năm nay, cuộc thi chào đón nhiều thí sinh trẻ, có chất giọng tốt, nên tôi rất mong các em sẽ có nhiều nỗ lực để phát huy hết khả năng. Tôi cũng mừng vì ban tổ chức rất lưu ý đến chất lượng của từng đêm thi tài của các thí sinh và đã dành cả tháng để các em luyện rèn với ban huấn luyện”.

Sau 13 năm tổ chức cuộc thi Chuông vàng vọng cổ cho thấy hiệu quả của cuộc thi ngày càng được khẳng định, đó là tìm kiếm được những viên ngọc quý cho sân khấu đờn ca tài tử, cải lương, đóng góp cho sân khấu đờn ca tài tử, cải lương TPHCM và các tỉnh, thành những nghệ sĩ trẻ yêu nghề, nỗ lực giữ nghề, phát huy những giá trị của nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương trong đời sống xã hội. Những năm qua, lực lượng trẻ này đã và đang tiếp tục có những nỗ lực góp sức, kế thừa và mở rộng phong trào ca vọng cổ, phong trào đờn ca tài tử, để loại hình nghệ thuật đặc sắc này được bảo tồn và phát triển.

Trong vòng chung kết xếp hạng, 9 thí sinh sẽ được ban huấn luyện bồi dưỡng, hướng dẫn thêm chuyên môn về giọng ca, cách phát âm, nhả chữ, sắp nhịp, phân câu; kỹ thuật biểu diễn, vũ đạo, hình thể…

Ở vòng chung kết xếp hạng 1, 2 và 3, các thí sinh sẽ ca trích một lớp diễn cải lương, ca một bài vọng cổ (4 câu) cùng một nghệ sĩ khách mời, diễn một trích đoạn cải lương. 3 thí sinh có số điểm cao nhất sẽ cùng bước vào đêm chung kết xếp hạng và trao giải (tối 30-9, ca diễn một trích đoạn cải lương và ca một bài vọng cổ). Các đêm chung kết xếp hạng diễn ra vào 4 chủ nhật của tháng 9-2018, được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV9. 

Tin cùng chuyên mục