“Cưỡi mây” lên đỉnh Cấm Sơn

Có ngồi cáp treo mới cảm nhận hết cảnh sắc chập chùng, hữu tình phong thủy; xanh ngắt của núi, mây, trời, nước… nơi vùng đất cận biên nắng gió phương Nam này.
“Cưỡi mây” lên đỉnh Cấm Sơn

Có ngồi cáp treo mới cảm nhận hết cảnh sắc chập chùng, hữu tình phong thủy; xanh ngắt của núi, mây, trời, nước… nơi vùng đất cận biên nắng gió phương Nam này.

Nơi mây vờn núi

Muốn lên đỉnh núi Cấm (tức Thiên Cấm Sơn, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang) cao hơn 710m, không kể phương cách lội bộ “xưa thật là xưa”, du khách phải ôm eo, siết cứng mấy bác chạy xe ôm. Kiểu này hoang dã, có lúc đứng tim khi bác tài ôm cua “đánh võng”. Bù lại có cái thú “ngọa sơn” đúng chất cùng người bản địa. Thủng thẳng mà chắc ăn thì ngồi ô tô chuyên dụng. Cách nữa, mới có từ Tết Ất Mùi (2-2015), chui tọt vô cáp treo “rung đùi” mà ngắm cảnh. Cách này vừa sạch sẽ, an toàn, có góc nhìn mới vừa không rêm mình lại chỉ mất hơn 10 phút, rút ngắn hơn nửa thời gian men núi cheo leo thuở trước.

Với chiều dài toàn tuyến trên 3.500m, 16 trụ, cabin cáp đôi (8 khách/cabin); điểm đầu tại khu vực Lâm Viên, điểm cuối tại khu vực Tà Lọt - Vồ Ông Bướm (phía sau lưng núi Cấm), cáp treo cho du khách cơ hội ngắm toàn cảnh “nóc nhà miền Tây”. Cáp treo hoạt động từ 7 giờ đến 17 giờ mỗi ngày nhưng “huyền ảo” nhất là đi vào đầu giờ sáng hoặc khi ráng chiều buông xuống. Giấc đó lãng đãng sương tan, khói nhà lan tỏa. Ở mỗi độ cao khác nhau, núi Cấm lại mang một vẻ đẹp khác. Càng lên cao, không khí càng mát lạnh, xua tan mọi ngột ngạt nắng nóng vùng biên.

Cáp treo, dịch vụ mới của núi Cấm

Cây rừng núi Cấm không lớn, không cao như ở Bà Nà ngoài miền Trung nhưng ken san sát. Cũng nhờ vị thế này, trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, nơi đây trở thành căn cứ quan trọng của cách mạng. Bây giờ, hiện rõ một vùng biên giới nên thơ, thanh bình. Bồng bềnh trong mây là hồ Thủy Liêm êm ả nước biếc nghiêng mình trước chùa Phật Lớn; bảo tháp 9 tầng, cao 35m của chùa Vạn Linh có tượng Phật Di Lặc cao hơn 33m. Lọt giữa vách núi và đập chắn là hồ Thanh Long, một thung lũng lớn gấp 3 lần hồ Thủy Liêm, suối róc rách bắt đầu tích nước. Phóng rộng tầm mắt bao quanh núi Cấm là tỉnh lộ 948 và núi Bà Đội Om, những cánh đồng lúa mênh mang đa sắc được chia ô bên những con rạch uốn lượn dẫn nước, những bóng người cặm cụi men ngược triền núi…

Cung bậc Cấm Sơn

Núi Cấm đã khác thật nhiều. Người ta bạt núi làm bãi xe rộng thênh thang. Đường nội bộ được mở rộng, trải nhựa, sạch như lau. Khu vực nhà ga cáp treo mang dáng dấp hiện đại, có cả nhà chờ, khu bán hàng lưu niệm, dịch vụ chiếu phim 5D, khu ẩm thực, thức ăn nhanh, cà phê Napoli… “Nhưng ấn tượng, đáng mừng nhất chính là một lớp nhân lực mới, tươi trẻ, chuyên nghiệp hơn. Trong bộ đồng phục, họ được đào tạo từ cái chìa tay mời khách đến kỹ thuật vận hành hệ thống, vệ sinh môi trường, tiếp thị…”, anh bạn mấy năm vừa quay lại nơi này nhận xét.

Một không gian mới, sinh khí mới được mở ra nơi vùng biên giới cực Nam này. “Mừng chớ. Tụi tui cũng đỡ hơn. Vô mùa kiếm được 200.000 - 300.000/ngày là chuyện nhỏ. Có người vừa chạy xe ôm vừa chụp ảnh. Cả trăm thợ chụp trên đây đó anh”, ông Nguyễn Thành Công, 51 tuổi, thâm niên 25 năm chụp ảnh trên núi Cấm chia sẻ. Hai chị em ruột Hồng Tiểu Loan - Hồng Tiểu Lý bán nước sâm núi, đồ lưu niệm cho biết, người buôn bán lẻ được sắp xếp vào các dãy ki ốt sát ga đến, quanh hồ Thanh Long, Thủy Liêm… “Xây nhiều lắm rồi chú ơi, dân bàn chuyện làm ăn ì xèo trước cả khi công trình khởi công”, Tiểu Loan nói. Anh Tư Thịnh chạy xe dưới chân núi cười hềnh hệch: “Dân xe ôm lúc đầu cũng run, sợ thất nghiệp. Vào hội cũng tròm trèm cả 2.000 xe tụ về đón khách”. Cáp treo núi Cấm kích thích mạng lưới dịch vụ tăng rất nhanh suốt trục đường từ Châu Đốc về núi Cấm qua ngả Tịnh Biên. Những chuyến xe ngựa chở hàng, những quán bán rau rừng, măng núi, nước thốt nốt, trái thiên tuế… trải dài dọc đường vô núi Cấm.

Cấm Sơn đã mang cung bậc mới. Cáp treo ra đời, chỉ 6 tháng đầu năm 2015 đã đón đưa trên 1 triệu lượt khách. Trong khi suốt từ năm 2007 đến cuối năm 2014, năm “cực thịnh” (2011) của du lịch núi Cấm cũng chỉ khoảng 1,1 triệu lượt khách (thu vé qua cổng). “Dự án cáp treo sẽ làm thay đổi diện mạo núi Cấm theo hướng tích cực. Hàng trăm lao động địa phương sẽ được tuyển dụng, đào tạo; chưa kể việc phát triển dịch vụ, tạo việc làm cho cộng đồng cư dân xã An Hảo (huyện Tịnh Biên), đóng góp đáng kể cho ngân sách của tỉnh”, lời khẳng định của ông Lê Minh Hưng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển du lịch An Giang, chủ đầu tư dự án đã dần hiện rõ.

Bền vững một mô hình

“An Giang đã tạo ra sản phẩm mới cho du lịch đồng bằng”, một lãnh đạo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL kết luận. Cáp treo núi Cấm cheo leo trên ngọn núi đẹp nhất trong số 7 ngọn núi của dãy Thất Sơn, là công trình “độc nhất vô nhị” ở châu thổ Cửu Long. Càng ý nghĩa hơn khi loại hình này ra đời trong bối cảnh sản phẩm du lịch miền Tây sông nước suốt nhiều năm qua luôn trùng lắp. Khu du lịch núi Cấm luôn có tên trong danh sách “Điểm du lịch tiêu biểu vùng ĐBSCL”, từ khi Hiệp hội Du lịch ĐBSCL tổ chức bình chọn (2009) đến nay.

“Đây là công trình tâm huyết của đơn vị và lãnh đạo tỉnh An Giang”, ông Lê Minh Hưng tâm sự. Mấy năm trước khi giao cho Công ty Poma (Cộng hòa Pháp), một trong hai đơn vị hàng đầu của thế giới về xây dựng hệ thống cáp treo, đã có một số nhà đầu tư tham gia dự án. “Họ lỗi hẹn nhưng núi Cấm phải có dịch vụ mới. Làm việc với Poma, thấy đủ điều kiện là siết tới luôn. Và công trình thành “dự án siêu tốc”, chỉ khoảng 1 năm từ khi thi công đến lúc đưa vào sử dụng”, ông Hưng nhớ lại.

Tuy nhiên, để du lịch nơi này phát triển hiệu quả, bền vững vẫn còn nhiều việc phải làm. Lời giải nào cho bài toán cân bằng “thu chi”, nhất là vào mùa thấp điểm, khi mỗi tháng riêng chi phí tiền điện đã là 500 - 600 triệu đồng; lượng khách sử dụng dịch vụ cáp treo chỉ đạt 27,6% so với 39,47% từ “đội quân xe ôm”; mức giá đi cáp treo so mặt bằng thu nhập dân cư trong vùng liệu có còn cao (155.000 đồng/người)... Rồi cả chuyện quản lý, quy hoạch, bảo tồn... sao cho theo kịp sự phát triển của du lịch - thương mại nữa. Mở đến đâu, giữ lại cái gì cũng là bài toán văn hóa - xã hội trước áp lực của công nghệ và hội nhập. Đã có nỗi âu lo việc giá đất trên núi biến động, hiện tượng làm ăn tự phát, phá quy hoạch… Bà Ba bán bánh xèo ngay chân tượng Phật lớn than thở, món rau rừng “hương đồng gió núi” khách khoái nhất nhưng ngày một khan hiếm. Lại chợt nhớ cả nhiều năm trước, ông Ba Lưới, vị đạo sĩ cuối cùng của đất Cấm Sơn đã từng phải bùi ngùi về những mất mát khó kiểm soát của kho dược liệu vô giá trên đỉnh Cấm Sơn và cả vùng Bảy Núi: Bây giờ, mất bảy còn ba. Ngày xưa khi hái lá cũng phải cúng vái, trân trọng “lộc núi” lắm, chớ đâu mới nhú lá đã vặt tràn lan như bây giờ…

Sắp tới, “đệ nhất danh sơn miền Tây” còn có khu biệt thự sinh thái, khu hội nghị, khu nghỉ dưỡng, khu trung tâm điều hành, dịch vụ hành hương… với tổng diện tích trên 70ha. Riêng khu nghỉ dưỡng được xây trên diện tích 8,4ha thiết kế dạng resort, tạo thành quần thể công trình cao cấp, mang đậm bản sắc dân tộc. “Sẽ có khu nghỉ dưỡng, trị bệnh bằng khai thác hợp lý dược liệu tại chỗ cùng những cây thuốc có giá trị khác. Và còn có cả tháp Dược sư tôn vinh những danh y dân tộc như Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác…”, ông Lê Minh Hưng nói vậy.

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục