Trao đổi về nội dung này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết, sở dĩ nhiều quận huyện chưa tổ chức đấu thầu là do có các khó khăn, vướng mắc như bất cập về việc ủy quyền cho các quận huyện trong việc xây dựng đơn giá quét dọn, thu gom, vận chuyển rác; trong các gói thầu về quét dọn thu gom rác, tiền lương và phụ cấp cho công nhân làm việc này chưa có khoản phụ cấp nặng nhọc và độc hại; thiếu chi phí quản lý giám sát, định mức lợi nhuận định mức trong lĩnh vực này, thiếu đơn giá khi lượng rác phát sinh…
Tuy nhiên, theo lộ trình đến hết tháng 6-2018, các quận huyện trên phải hoàn tất đề án này để trình UBND TP. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức kiểm tra (định kỳ, đột xuất) chất lượng vệ sinh trên địa bàn đấu thầu, quá trình cung ứng dịch vụ vệ sinh của chủ đầu tư và đơn vị trúng thầu liên quan đến việc thực hiện các quy định quản lý của ngành gồm quy trình, cự ly, định mức, phương tiện vận chuyển, điều phối khối lượng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt…
Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn UBND các quận huyện về vấn đề liên quan đến thực hiện cung ứng dịch vụ quét dọn, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố gồm mẫu hợp đồng, các vấn đề kiểm tra, giám sát và nghiệm thu.
Từ các số liệu do các cơ quan quản lý môi trường cung cấp, có thể thấy việc đấu thầu chọn đơn vị quét, vận chuyển, thu gom rác sẽ giúp đề án này được công bằng, minh bạch hơn. Đồng thời giúp thành phố tiết kiệm được khoản ngân sách không nhỏ. Bên cạnh đó, để đủ điều kiện tham gia và trúng thầu, các nhà cung cấp dịch vụ thu gom rác phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh của mình thông qua việc đầu tư cho nhân sự, trang thiết bị, phương tiện.
Nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các quận huyện, thành phố đã đồng ý việc ủy quyền cho chủ tịch 24 quận huyện quyết định đơn giá thu gom, vận chuyển rác và được quyết định kết quả đấu thầu với sự hỗ trợ, hướng dẫn của các sở ngành liên quan.