Ít nhất 1 người chết, 3 người bị thương trong các cuộc đụng độ của phe biểu tình phản đối chính phủ và phe áo đỏ. Phe đối lập ở Thái Lan liên tục đưa ra lời cảnh báo sẽ có một cuối tuần đầy khó khăn, bất ngờ cho chính quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra, thậm chí còn kêu gọi đình công diện rộng vào đầu tuần tới.
Không bầu cử sớm
Chiều tối 30-11, những người biểu tình của phe đối lập đã đụng độ bạo lực, tấn công những người áo đỏ xuống đường tuần hành ủng hộ chính phủ của bà Yingluck. Một số người thuộc phe đối lập đã dùng gậy đập cửa kính xe buýt, xe taxi chở những người áo đỏ khiến nhiều người bị thương. Tình hình ngày càng trở nên hỗ loạn ở nhiều nơi. Phía đối lập thì chỉ trích rằng chính những người áo đỏ đã khiêu khích dẫn đến bạo lực. Đại diện phe áo đỏ cho biết, nếu cảnh sát không thể bảo vệ các tòa nhà khỏi sự bao vây của phe đối lập thì lực lượng áo đỏ sẽ hành động.
Theo Bangkok Post, trong một tuyên bố đầy thách thức, Suthep Thaugsuban, nguyên phó thủ tướng, đồng thời là lãnh đạo lực lượng biểu tình đối lập, cho biết lực lượng này sẽ bao vây và chiếm đóng tất cả các cơ quan hành chính cũng như trụ sở doanh nghiệp nhà nước. Tuyên bố càng làm căng thẳng leo thang. Trưa 30-11, người biểu tình đối lập Thái Lan đã tuần hành đến trụ sở của các tập đoàn truyền thông nhà nước sau khi cắm lều tại chỗ, án ngữ một số trụ sở cơ quan nhà nước. Hiện các văn phòng của Cơ quan điện thoại Thái Lan (TOT) và Cơ quan truyền thông Thái Lan (CAT) đã bị bao vây. Dự kiến, số người biểu tình sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những nỗ lực cuối cùng của phe đối lập để đạt được mục đích trước sinh nhật của nhà vua Bhumibol Adulyadej (ngày 5-12).
Theo Bangkok Post, từ đầu giờ chiều 30-11, hàng ngàn người biểu tình áo đỏ đã lần lượt đổ về sân vận động quốc gia Rajamangala ở thủ đô Bangkok để biểu tình ủng hộ chính quyền. Thủ lĩnh Mặt trận dân chủ chống độc tài (UDD) ở Nakhon Ratchasima cho biết, có khoảng 70.000 người ở đây đã đón xe buýt để đến sân vận động Rajamangala. Có 50 chiếc xe buýt được dành riêng để chở người tuần hành phe áo đỏ trong điều kiện ôn hòa. Trong chương trình “Chính phủ Thủ tướng Yingluck đối thoại với người dân” trên kênh truyền hình NBT ngày 30-11, Phó Thủ tướng Thái Lan Pongthep khẳng định, yêu cầu lật đổ chính quyền, thiết lập hội đồng nhân dân là trái với quy định của Hiến pháp Thái Lan năm 2007. Theo văn bản này, Thái Lan không cho phép thành lập hội đồng nhân dân, chính phủ nhân dân hay tòa tư pháp nhân dân. Thủ tướng Thái Lan Yingluck trả lời phỏng vấn BBC và khẳng định sẽ không có cuộc bầu cử sớm nào. Bà cũng tái khẳng định sẽ không dùng bạo lực để đối phó với người biểu tình.
Vì lợi ích kinh tế đất nước
Phòng Thương mại Thái Lan (TCC) đã đề xuất có thể đứng ra tổ chức diễn đàn để chính quyền và phe biểu tình đàm phán trực tiếp. Mục đích là tìm ra giải pháp hợp lý, chấm dứt khủng hoảng chính trị của Thái Lan. Chủ tịch TCC Isara Vongkusolkit cho rằng ở thời điểm này, việc đạt được một thỏa thuận chính trị giữa các bên là vô cùng quan trọng. Chỉ có một tổ chức được các bên công nhận mới có thể giữ vai trò trung gian này. Theo ông Isara, đề xuất này sẽ được thảo luận gấp rút với Liên đoàn công nghiệp Thái Lan và Hiệp hội ngân hàng Thái Lan. Ông Isara cũng nhấn mạnh, nếu TCC chủ trì diễn đàn hòa giải này, họ sẽ tập trung xem xét khách quan, ưu tiên lợi ích quốc gia chứ không ưu tiên bất cứ điều kiện nào khác từ các bên.
Tư lệnh lục quân Thái Lan Gen Prayuth Chan ngày 30-11 khẳng định lần nữa sẽ không đứng về bất cứ phía nào trong cuộc khủng hoảng này vì quân đội chỉ phục vụ nhà vua.
NHƯ QUỲNH
>> Thái Lan: Thủ tướng thoát hiểm, biểu tình vẫn lan rộng