Cuồng vì hội những người… phát cuồng

Sự xuất hiện của Facebook khiến giới trẻ có khả năng thể hiện yêu, ghét với bất cứ ai một cách dễ dàng. Không mất quá 2 phút để thành lập một hội, nhóm (group) để chia sẻ thông tin, làm quen, bàn luận về các vấn đề xoay quanh thần tượng, một nhân vật, một sự kiện nào đó hoặc chỉ đơn giản là chỉ chia sẻ thông tin về một vấn đề riêng nào đó và cùng nhau comment (bình luận).

Các diễn đàn, mạng xã hội trên internet ngày càng có sức hút lớn và trở thành một phần trong cuộc sống thường nhật và là nơi khá lý tưởng để nhiều người bày tỏ quan điểm của mình. Trước đây, một nickname có tên Kẹo mút chơi bời khoe trên Facebook về “chiến tích” tông chết người vào đêm 1-11-2011. Những phản ứng quyết liệt của cộng đồng mạng đã khiến cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ trách nhiệm của đối tượng này trong vụ tai nạn làm chết người cũng như những hành vi sau đó trên Facebook. Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan chức năng vào cuộc điều tra những sự việc được phản ánh từ thế giới ảo.

Gần đây cộng đồng mạng lại dậy sóng vì chuyện cô bé 15 tuổi Q.A. và chương trình Vietnam’s Got Talent. Đoạn clip này đã được lan truyền trên khắp các diễn đàn. Riêng trên Youtube có đến hàng trăm ngàn lượt xem, kèm theo hàng ngàn lời bình phẩm. Thậm chí, cư dân mạng còn lập trang Facebook có tên gọi Hội những người phát cuồng vì Quỳnh Anh Got Talent để... “ném đá” thí sinh 15 tuổi này.

Thời gian qua, Hội những cuồng vì Lê Văn Luyện, vì “thím” Hà, vì Giáo sư Xoay… xuất hiện dày đặc và rải khắp từ các trang mạng xã hội đến forum (diễn đàn). Dễ dàng nhận thấy một điều, những lời bình phẩm luôn đi kèm là thái độ khinh miệt, kích động, bôi nhọ danh dự người khác. Bên cạnh những thảo luận, góp ý đánh giá của cộng đồng mạng có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội, những hành vi bức xúc quá đà đã và đang tồn tại như một “mốt” thời thượng của giới trẻ trên thế giới ảo hiện nay.

Ai cũng có lúc cảm thấy khó chịu hay bất bình vì những hành động chướng tai gai mắt nào đó. Nhưng việc chọn cách thể hiện sự bất bình sẽ ảnh hưởng tới ấn tượng của người khác đối với bản thân mình. Mỗi bạn trẻ đều có quyền thể hiện thái độ, ý kiến riêng về một vấn đề, nhân vật nào đó phê phán, góp ý, chỉ trích những điều gì không tốt, chưa tốt ở những người xung quanh.

Thế nhưng, sẽ là vô cùng quá quắt nếu lôi tự trọng của những người xung quanh ra làm trò đùa cho số đông. Việc bàn luận, soi mói với những từ ngữ khiếm nhã không phải là một hành động đáng được hưởng ứng. Từ ngữ là vô tội, nhưng cách bạn sử dụng chúng sẽ quyết định rất nhiều điều. Đôi khi, chính cách dùng từ ngữ cũng phản ánh nhân cách của chính người sử dụng. Hãy dùng từ ngữ sao cho có lợi cho mình và gây ấn tượng tốt đẹp với mọi người.

SƠN TRÀ

Tin cùng chuyên mục