Cút kít… phận người

Cút kít… phận người

(SGGP-12G).- Bên những con đường lớn ở TP Hà Tĩnh thường bắt gặp hình ảnh những chiếc xe đạp “cõng” thêm chiếc xe cút kít được dựng trên vỉa hè. Cạnh những chiếc xe cũ kỹ còn dính đầy bụi đường, những người phụ nữ cố kéo chiếc nón rách bươm để che hẳn mặt, kiếm một giấc ngủ trưa mặc cho trời mưa lất phất.

Lam lũ

Đi dọc những con đường lớn của thành phố Hà Tĩnh như Trần Phú, Hà Huy Tập, Phan Đình Phùng…, chúng tôi luôn thấy bóng dáng của những người phụ nữ ngồi bên những chiếc xe đạp, trên đó chở những chiếc xe cút kít.

Có khi họ tụm ba tụm năm dựa vào bờ tường trò chuyện, có khi họ nằm vật vạ dưới cột đèn… và đợi chờ những người khách tạt vào, đợi chờ những tiếng thắng xe. Chẳng biết tự bao giờ ở Hà Tĩnh lại có cái nghề này.

Họ cũng chẳng khác các anh cửu vạn là bao nhưng đây chỉ toàn là phụ nữ, những người lấy cái “sức đàn bà” ra để đập đá, chở đất… kiếm dăm ba chục đồng.

Họ chỉ biết bán sức lao động, bán giọt mồ hôi để nuôi con

Họ chỉ biết bán sức lao động, bán giọt mồ hôi để nuôi con

Có chị đã than thở: Đời phụ nữ mà làm nghề đẩy xe cút kít thì kể như “xong”: Da dẻ đen sạm, chân tay chai sần… mà còn cực trăm bề. Chính vì thế mà mấy cô, mấy chị làm nghề này ai cũng hao hao giống nhau, cũng cũng gầy gầy, đen đen, nói năng bỗ bã, chất phác đến lạ.

Ngồi trò chuyện nhưng chẳng ai chịu cởi nón, tháo khẩu trang, chỉ để lộ những đôi mắt hằn sâu những vết chân chim… Chị Lê Thị Hoa, 36 tuổi, quê ở Cẩm Lộc, Cẩm Xuyên than thở: “Chiều ni mưa lâm thâm, e không có ai thuê, rứa là chị em tui treo niêu rồi…”. Nói là nói thế, nhưng mắt ai cũng nhìn ra đường, như cố trông một điều gì đó!

Chợt chiếc xe máy thắng lại bên lề: “Tui cần 5 người đi siêng (gánh) đất. 20.000đ/người…”. Người đàn ông nói như ra lệnh,  cả đám người nhao nhao ùa đến. Nhìn một lượt xem “sức vóc”,  người đàn ông đưa tay chỉ: “O này, o này…”. 

Những chị được gọi vội vàng lấy xe, cầm xẻng đạp theo người đàn ông, những người còn lại buồn bã quay về chỗ cũ, ngồi bệt xuống đất, cất lên vài tiếng xì xào rồi lại như cũ, lại ngóng đợi.

Nơi các chị vừa được gọi đến làm việc sát ngay bên đường quốc lộ, cách ngã tư các chị vừa ngồi không xa. Đống đất rất lớn, chắc chắn đám thanh niên phải lắc đầu lè lưỡi, nhưng các chị lại mừng thấy rõ, nhanh chóng vào công việc.

Chị Tâm, quê tận Hương Trà, Hương Khê thật thà bảo: “Đất nhiều, mình làm nhiều, chắc người ta thương rồi cũng cho thêm tiền”.

Vòng xe, tình người

Chúng tôi quay trở lại góc ngã tư khi trời đã nhá nhem tối. Đèn đường chưa lên nên chỉ thấy lờ mờ bóng các chị đứng ngồi trò chuyện bên những chiếc xe cút kít. Họ đang đếm những đồng tiền kiếm được sau cả một ngày đánh vật với đất với đá. Chị Hoa được 50.000đ, chị Tâm được 60.000đ …

Chỉ có chị Mai - người cùng quê với chị Tâm - ngồi ủ rũ, buồn xo. Cả ngày hôm nay chẳng có một ai thuê chị, và hình như từ trưa đến giờ chị cũng chưa có gì bỏ vào bụng. Biết vậy, chị Hoa an ủi và đưa cho chị chiếc bánh nếp. Vừa cắn được miếng đầu tiên, nước mắt chị đã trào ra. Nước mắt chảy cả vào miếng bánh đã nguội ngắt…

Theo những vòng xe của những người phụ nữ lam lũ, chúng tôi đến xóm trọ của họ nằm sâu trong một con hẻm của đường Vũ Quang. Nói là xóm chứ thật ra chỉ có 1 phòng nhưng chứa cả gần chục người ở thuê.

Ngay từ đầu cổng, chúng tôi đã thấy những chiếc xe cút kít để ngổn ngang. Chị Hoa cảm động nói: “Cùng là dân quê, lao động chân tay, nên chúng tôi thương nhau, đùm bọc nhau… chẳng ai giành miếng ăn của nhau bao giờ”.

Phòng có 8 người cả thảy, gìa nhất là chị Mai (49 tuổi), trẻ nhất là cô Lài thì cũng đã ngót nghét 30 tuổi. Họ cùng sống, cùng đi làm và ăn chung với nhau chẳng khác gì một gia đình. Cô Lài vừa về quê ngày hôm qua vì con ốm, thương cháu mỗi người trong phòng góp dăm mười ngàn đồng dúi vào tay Lài để mua sữa cho cháu.

Trên đường trở về, chúng tôi vẫn còn bắt gặp một vài tốp phụ nữ đạp xe lầm lũi trong đêm. Chắc là họ cũng đang trên đường về chỗ trọ sau một ngày làm việc cực nhọc. Trong màn đêm, người thì đi đã xa rồi, nhưng tiếng xe kèn kẹt thì vẫn vang da diết mãi bên tai...

Chiếc bánh xe cút kít làm bằng gỗ nhưng cũng muốn oằn xuống vì phải chở những chuyến đất khá nặng.

Mặc cho mồ hôi ướt đẫm cả mặt mũi, quần áo, những phụ nữ chất phác nơi miền quê nghèo này chỉ biết bán sức lao động, bán cả những giọt mồ hôi mặn chát để nuôi con, lo cho mái ấm gia đình của mình…

NGUYỄN PHÚC-NGUYỄN THÀNH

Tin cùng chuyên mục