Dù Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên nhưng chỉ sau thời gian ngắn, liên tiếp có các vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra. Điển hình là vụ gỗ Pơ Mu ở Quảng Nam, vụ lòng hồ Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 5 (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng), rồi gần nhất là vụ chuyển rừng nghèo thành dự án chăn nuôi ở huyện Bù Đăng (Bình Phước) với 575ha rừng đã và sắp bị đốn hạ…
Điều đó nói lên rằng, chuyện tàn phá tài nguyên rừng âm ỉ và dai dẳng bởi nhiều nguyên nhân. Ngoài việc phá rừng để lấy đất sản xuất ở các tỉnh miền núi, phá rừng lấy gỗ mua bán lâm sản trái phép; còn có nguyên nhân từ chính chủ trương chuyển rừng nghèo thành rừng sản xuất, từ rừng tự nhiên thành rừng cao su. Đây là kiểu “phá rừng có phép”.
Chưa ai thống kê từ khi Chính phủ cho phép chuyển đổi rừng nghèo thành “rừng cao su” để nhiều địa phương coi việc phát triển diện tích cao su, cà phê như hình thức nâng độ che phủ của rừng, đến nay đã có bao nhiêu diện tích rừng tự nhiên bị “phù phép” thành rừng nghèo, để rồi trở thành nguồn lợi béo bở cho không ít quan chức, đơn vị tận thu gỗ, thu lợi từ việc chuyển nhượng đất rừng?
Chỉ biết rằng, cái giá phải trả vô cùng lớn. Hậu quả trước mắt có thể thấy, đó là biến đổi khí hậu, mất đi khả năng đa dạng sinh học, làm hủy hại tầng nước ngầm, đảo lộn hệ sinh thái, bức tử nhiều sông, suối…
Ngay từ đầu, nhiều nhà khoa học đã kịch liệt phản đối quan điểm lấy đất rừng để trồng cao su vì giá trị của cao su thì tính được, còn giá trị của rừng tự nhiên là vô giá đối với môi trường và sự phát triển bền vững của con người. Thêm vào đó, rất khó để đánh giá tiểu khu nào hoàn toàn rừng nghèo; khi chỉ có rừng nghèo đan xen với rừng giàu, cây bụi xen lẫn cây gỗ quý. Do đó rất dễ bị lợi dụng chủ trương để tàn phá rừng. Việc trước mắt nên làm là Bộ NN-PTNT chủ động đánh giá tiến độ thực hiện các dự án chuyển đổi rừng nghèo thành rừng sản xuất, rừng cao su; thống kê cụ thể số diện tích rừng trong kế hoạch chuyển đổi nhưng chưa kịp chuyển đổi để giữ lại những diện tích rừng này và phục hồi tính đa dạng sinh học để làm vốn quý cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững…
Đồng thời, Chính phủ cũng cần chỉ đạo các địa phương tạm dừng chủ trương kế hoạch chuyển đổi rừng nghèo thành đất trồng cây công nghiệp lâu năm, thành dự án nông lâm kết hợp trên phạm vi cả nước để rút ra bài học chung từ đó có kế hoạch phát triển rừng theo hướng bền vững mà người dân địa phương có thể làm giàu từ rừng nhưng vẫn bảo vệ được môi trường sinh thái và tài nguyên rừng.
Văn Phong