Trước đó, Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK phổ thông đã đặt ra lộ trình từ năm học 2018-2019 sẽ bắt đầu triển khai áp dụng chương trình phổ thông và SGK mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, THCS và THPT. Như vậy, với việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý lùi tiến độ thực hiện một năm so với kế hoạch ban đầu thì chương trình, SGK mới sẽ được thực hiện từ năm học 2019-2020, nếu Quốc hội tới đây đồng ý với đề xuất của Chính phủ.
Không phải đến bây giờ Bộ GD-ĐT mới quyết định báo cáo Chính phủ cho lùi thực hiện chương trình, SGK mới. Trước đó khá lâu, nhiều chuyên gia giáo dục, nhiều địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và cả Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đã nêu ý kiến nên lùi thời gian thực hiện chương trình mới. Mục đích là để việc chuẩn bị thực hiện được kỹ lưỡng hơn, bao gồm cả việc xây dựng, biên soạn, thẩm định, thực nghiệm chương trình, SGK mới cũng như các điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất. Thực tế, đến nay việc chuẩn bị để triển khai chương trình, SGK mới vẫn bộn bề mối lo. Đến mức có ý kiến còn đề xuất không những chỉ lùi thời gian thực hiện một năm mà còn nên lùi việc triển khai đại trà chương trình, nên triển khai theo lộ trình từng trường, trường phổ thông nào đủ điều kiện thì triển khai trước, trường nào chưa đủ thì triển khai sau chứ không nhất thiết triển khai đại trà trong cả nước. Điều đó cho thấy, nhiều người, nhiều nơi vẫn chưa đủ yên tâm để bắt tay vào thực hiện chương trình, SGK mới.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình phổ thông mới, khi đề xuất lùi thời gian thực hiện lại một năm, lộ trình áp dụng chương trình mới cho các cấp học cũng được kiến nghị điều chỉnh. Thay vì triển khai cho cả ba cấp (lớp 1, 6, 10) ngay năm đầu tiên, năm học 2019-2020 chỉ học sinh lớp 1 học chương trình mới. Năm thứ hai sẽ thêm lớp 2 và lớp 6; năm thứ ba là lớp 3,7, 10; năm thứ tư là lớp 4, lớp 8 lớp 11; cuối cùng là ba lớp cuối cấp 5, 9, 12. Hai cấp học THCS, THPT cần có thời gian để chuẩn bị kỹ hơn nên triển khai sau một bước. Lộ trình này cũng sẽ hợp lý hơn để các địa phương có thêm thời gian tập huấn giáo viên, chuẩn bị cơ sở vật chất.
Cho đến nay, mới chỉ có Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được thông qua và công bố. Chương trình môn học và hoạt động giáo dục còn chưa được công bố để lấy ý kiến xã hội. Khi chốt chương trình môn học thì mới tiến hành làm SGK. GS Nguyễn Minh Thuyết cũng thừa nhận rằng, giãn tiến độ triển khai trước hết là để các chương trình môn học được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, tham vấn được nhiều ý kiến hơn và được thực nghiệm kỹ hơn. Đồng thời tạo điều kiện cho nhiều tổ chức, cá nhân có thể tham gia làm SGK, đảm bảo việc cạnh tranh công bằng giữa các bộ sách.
Để triển khai chương trình, SGK mới còn quá nhiều việc phải làm. Từ thực nghiệm chương trình môn học đến lựa chọn, thẩm định SGK; rồi vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên; bổ sung thêm cơ sở vật chất. Đơn cử như đề án kiên cố hóa trường lớp cho giáo dục mầm non và phổ thông hiện vẫn chưa được phê duyệt. Cả nước có gần 30% trường lớp còn bán kiên cố, tranh tre nứa lá; tại nhiều nơi ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, điều kiện cơ sở vật chất còn rất khó khăn, thiếu thốn. Nhiều công trình trường học không được duy tu, bảo dưỡng đã xuống cấp. Bộ GD-ĐT đã rà soát và trình Chính phủ Đề án kiên cố hóa trường học, lớp học cho giáo dục mầm non và phổ thông, các bộ ngành cũng nhất trí. Tuy nhiên việc cân đối ngân sách còn gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ khi đề án được phê duyệt, có kinh phí thì Bộ GD-ĐT mới có thể làm việc với các địa phương để triển khai, khắc phục tình trạng khó khăn cơ sở vật chất trường lớp học. Hay vấn đề Bộ GD-ĐT giao quyền cho các trường lựa chọn SGK phù hợp để giảng dạy, nhưng để lựa chọn, thẩm định được những bộ SGK tốt đâu phải chuyện ngày một ngày hai. Để các trường lựa chọn được SGK phù hợp, sách cần phải ra sớm, ít nhất phải trước năm học vài tháng để giáo viên, phụ huynh, học sinh có điều kiện nghiên cứu, trao đổi.
Tại hội thảo giáo dục quốc gia 2017 về chất lượng giáo dục phổ thông do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức mới đây, rất nhiều chuyên gia giáo dục, các nhà quản lý giáo dục ở địa phương cũng như chính bản thân các thầy cô giáo đều chung nỗi lo đối với đổi mới chương trình, SGK phổ thông lần này. Nỗi lo đó trước hết bắt đầu từ yếu tố con người - vai trò quyết định thành bại của cuộc đổi mới. Họ lo vì với 1,4 triệu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp hiện nay, một bộ phận không nhỏ “lười đổi mới”, ngại sáng tạo, chỉ muốn làm cho xong nhiệm vụ. Đổi mới giáo dục phổ thông lần này là hướng đến sự phát triển năng lực học sinh, tức là phải thay đổi cách dạy, cách học. Nếu thầy cô giáo không tâm huyết, chủ động, sáng tạo thì chương trình, SGK mới dù có hay ho đến mấy cũng khó đạt tới hiệu quả cao nhất. Bài học về việc thực hiện mô hình trường học mới (VNEN) những năm qua có lẽ là bài học đắt giá để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Để đổi mới thành công, không phải chỉ cần có một chương trình tốt, các bộ SGK hay, có những trường lớp đầy đủ trang thiết bị mà quan trọng hơn phải là sự đổi mới ngay chính đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, đổi mới cung cách quản lý, chỉ đạo của lãnh đạo ngành giáo dục.
Nhìn lại lịch sử đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông có thể thấy điểm chung là chậm thời gian so với yêu cầu của Nghị quyết Quốc hội. Đơn cử, thực hiện Nghị quyết 40 năm 2000 của Quốc hội, chương trình phổ thông chu kỳ trước được thực hiện từ năm học 2002-2003 ở lớp 1 và lớp 6; đến năm học 2008-2009 thì bắt đầu triển khai đại trà ở tất cả các lớp học (chậm 2 năm so với yêu cầu của nghị quyết). Tuy nhiên, ngay trong báo cáo năm 2008 về kết quả đánh giá chương trình giáo dục và SGK phổ thông theo Nghị quyết 40, Bộ GD-ĐT đã lên kế hoạch nghiên cứu để xây dựng một chương trình phổ thông mới để triển khai sau năm 2010, trong khi SGK lớp 12 lúc bấy giờ vẫn chưa được áp dụng đại trà. Bởi vậy, Bộ GD-ĐT cần hết sức thận trọng trong việc sửa đổi chương trình, SGK phổ thông lần này. Đã chậm rồi thì phải chắc, không thể đã chậm còn hời hợt.