Đã có giải pháp xử lý ô nhiễm từ mụn dừa

Đã có giải pháp xử lý ô nhiễm từ mụn dừa

Vài năm trở lại đây, khi ngành chế biến chỉ xơ dừa xuất khẩu lên ngôi, mang về cho tỉnh Bến Tre nguồn ngoại tệ rất lớn, thì lại đẻ ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do lượng phế phẩm mụn dừa gây ra.

Theo Sở Khoa học - Công nghệ Bến Tre, mỗi ngày có hơn 1.000 tấn mụn dừa thải ra từ các cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa, nhiều nhất tập trung ở làng nghề An Thạnh - Khánh Thạnh Tân (huyện Mỏ Cày). Tại đây có hơn 200 cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa.

Đã có giải pháp xử lý ô nhiễm từ mụn dừa ảnh 1

Những đống mụn dừa chất cao thường được đổ xuống sông. Ảnh: D.T.

Do không có kho, bãi chứa, các chủ hộ sản xuất chỉ xơ dừa lén đổ mụn xuống sông và họ sẵn sàng nộp phạt vì không biết đổ đi đâu cho hết. Lượng mụn dừa đổ xuống sông nhiều đến nỗi không trôi hết, nước lên, nước xuống gì cũng thấy nổi lềnh bềnh hai bên bờ sông, còn dòng nước thì có màu đen, biến con sông Thơm thành thối vào mùa khô nước kiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt của nhân dân các xã An Thạnh, Khánh Thạnh Tân và Thành Thới B.

Chỉ mới vài năm, lòng sông bị cạn dần, luồng lạch bị phá vỡ, trở thành “dòng sông đen” gây nhiều hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và sản xuất nông nghiệp.

Để giải quyết “vấn nạn” mụn dừa, các ngành hữu quan và các nhà khoa học đã bắt tay vào cuộc. Mới đây, mụn dừa được nén thành kiện xuất khẩu sang châu Âu để tái chế thành phụ phẩm dùng trong sản xuất nông nghiệp. Tiếp theo là những hợp đồng lớn với Đài Loan, Thụy Điển, Hà Lan trong việc nhập đất sạch từ mụn dừa phục vụ cho ngành công nghiệp hoa kiểng.

Một số công ty chuyên ngành dừa ở Bến Tre nhảy vào sản xuất đất sạch. Mụn dừa sau khi khử hết các tạp chất, gia tăng các chất dinh dưỡng thành đất sạch giàu hữu cơ, xuất khẩu với số lượng lớn, giải quyết một phần mụn dừa ứ đọng. Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ tỉnh Bến Tre cũng đã thử nghiệm thành công phương pháp trồng nấm rơm và nấm bào ngư trên cơ chất mụn dừa.

Hiện nay, trung tâm đã đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu trồng nấm và đang phối hợp với Công ty Chế biến sau thu hoạch Quang Minh Anh (TPHCM) đưa dây chuyền công nghệ hiện đại vào sản xuất nấm đóng hộp xuất khẩu sang Mỹ. Theo kế hoạch, Bến Tre sẽ kêu gọi đầu tư dự án xây dựng nhà máy sản xuất phân vi sinh từ mụn dừa với công suất lớn.

Đồng thời, qui hoạch lại các khu sản xuất chỉ xơ dừa xuất khẩu và trang bị hệ thống xử lý chất thải mụn dừa. Như vậy, bài toán hóc búa đang từng bước được giải, hy vọng sẽ giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do phế phẩm tai hại này gây ra. 

T.M.T – D.C.

Tin cùng chuyên mục