Báo SGGP tròn 37 tuổi. Nếu ngợi ca một tờ báo có “nguồn gốc xuất thân” từ kháng chiến, từ trong điều kiện làm báo hết sức khắc nghiệt dù chẳng thừa nhưng dễ trở nên sáo mòn, sao chép. Bây giờ có lẽ nên mạnh dạn và chân tình góp ý, hiến kế để tờ báo của chúng ta ngày càng phát triển hơn, xứng đáng với xuất thân oanh liệt và cao quý của nó. Là một độc giả thường xuyên và một cộng tác viên gắn bó gần 20 năm qua, tôi mạnh dạn đề xuất với báo 3 vấn đề nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng tờ báo của Đảng bộ và nhân dân TPHCM.
- Gắn Đảng với dân
Có một thực tế không vui hiện nay là nhiều tờ báo Đảng quá kén bạn đọc, chỉ đến được với cán bộ, đảng viên ở các cơ quan, đơn vị, ít ra đến dân. Riêng tờ Báo SGGP tuy không mắc vào hạn chế chung này nhưng nếu nói đã “tròn vai” là cơ quan của Đảng bộ và là tiếng nói của Đảng bộ và nhân dân TPHCM thì chắc có người còn băn khoăn. Cá nhân tôi cho rằng tờ báo đã làm rất tốt vế đầu, nhưng vế sau cần tiếp tục đổi mới.
Đôi khi, một vài tờ báo Đảng vô tình đã tạo ra làn ranh giữa Đảng và dân về mặt thông tin. Cách làm báo cứng nhắc đó đã tạo ra một tờ báo mà “Đảng một bên, dân một bên” trong đó phần Đảng đậm, phần dân nhạt nên người dân không có gì để đọc, thậm chí không muốn đọc. Đã vậy, đảng viên cũng không hứng thú đọc bởi thuần túy ghi chép các hoạt động của Đảng tại địa phương chứ ít phân tích, đánh giá, càng ít phản biện, góp ý.
Trên thực tế, từ ngày Đảng ra đời, bao giờ cũng có sự đan xen tuyệt đối: trong Đảng có dân, trong dân có Đảng. Điều đó cũng phải được thể hiện đầy đủ trên báo chí. Hơn ai hết, báo Đảng phải gắn chặt ý Đảng lòng dân. Tức là, tờ báo phải thể hiện vai trò lãnh đạo, định hướng của tổ chức Đảng tại địa phương thông qua các chủ trương, chính sách, việc thực hiện và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách đó cũng như vai trò tiên phong, gương mẫu của các cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo các cấp. Đồng thời, tờ báo phải phản ánh chân thực đời sống, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, làm cầu nối giữa Đảng và dân. Báo Đảng cũng phải làm cho rõ tính thực tế, thiết yếu và “hợp lòng dân” của chủ trương đó.
Thời gian qua, nhìn chung, Báo SGGP đã làm tốt các vai trò này nhưng cần tiếp tục phát huy, cải tiến để Đảng thực sự gần dân hơn, thấm vào dân, lan tỏa trong dân, còn dân thì hiểu Đảng hơn, xem Đảng như là người của mình mà mạnh dạn phê bình, góp ý, hiến kế. Chẳng hạn, với một chủ trương của Đảng, không đơn thuần là thông tin đến bạn đọc tinh thần chủ trương đó, mà còn cần thông tin các tổ chức Đảng và đảng viên đã thực hiện chủ trương đó như thế nào, thái độ, sự hưởng ứng của người dân ra sao, dân có ý kiến thế nào, kết quả thực tế ra sao... Có như vậy, vai trò cầu nối mới được thể hiện rõ.
Nâng chất các ấn phẩm
Ngoài nhật báo SGGP, một số ấn phẩm của SGGP đã trở thành “thương hiệu”: SGGP Hoa văn, SGGP Thể thao, SGGP Thứ bảy... Những ấn phẩm này đã góp phần làm cho đời sống báo chí của TPHCM và cả nước thêm sinh động, phong phú.
Khách quan mà nói, vị trí của một số ẩn phẩm của SGGP đã không còn như trước đây và ít nhiều mất tính đi đầu so với mặt bằng báo chí chung. Tôi nhớ 15 - 20 năm trước, ra sạp báo, nếu chọn tờ thể thao thì ưu tiên số một của người đọc luôn là SGGP Thể thao (sau đó là Thể thao TPHCM). Bây giờ cạnh tranh báo chí khốc liệt, báo chí bị tác động không nhỏ, tôi nghĩ rằng SGGP Thể thao cũng không nằm ngoài cuộc cạnh tranh đó. Còn tờ Tuần san SGGP Thứ bảy mất dần tính “san” vốn có của nó mà dường như là một tuần báo, tuần tin. Bởi gần đây nó vắng dần những đúc kết, tổng hợp, phân tích, bình luận, tư liệu về các mặt của đời sống. Sự chuyển hướng này có mặt phù hợp với cuộc sống sôi động hiện nay nhưng làm nhạt dần bản sắc, có lẽ vì báo chọn đối tượng độc giả mới mà tôi không nằm trong số đó nên khó cảm nhận được chăng?
Cần tổ chức các cuộc thi
Các cuộc thi thường tạo ra sự gắn kết giữa bạn đọc và tờ báo. Sự gắn kết đó có thể tạo ra một tình cảm, một ấn tượng đậm nét hơn của tờ báo trong lòng bạn đọc nếu cuộc thi thực sự ý nghĩa, có sức lan tỏa. Tôi vẫn nhớ hơn 10 năm trước, 2 cuộc thi trên Tuần san SGGP Thứ bảy là Lời ca trong ký ức và Sách trong đời tôi, thực sự đã tạo ra một sân chơi bổ ích, lành mạnh, giàu tính giáo dục cho các thế hệ bạn đọc, cả người trẻ lẫn người có tuổi.
Vì vậy, báo nên nghiên cứu tổ chức các cuộc thi phù hợp với từng đối tượng bạn đọc trên từng ấn phẩm. Chẳng hạn, trên báo ngày SGGP, có thể tổ chức cuộc thi viết người dân hiến kế thực hiện các nghị quyết, các cuộc vận động, gương đảng viên, tổ chức đảng tiêu biểu... Trên tuần san SGGP Thứ bảy, có thể là viết về Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, viết về tình cảm gia đình, tình thầy trò..., về bình chọn sách, bình chọn mặt hàng Việt Nam chất lượng cao... Trên SGGP Thể thao, có thể viết về các giải đấu (đặc biệt là các giải bóng đá lớn có nhiều tác động đến Việt Nam), về các gương vận động viên, về hiến kế phát triển thể thao thành phố... Có thể có những cuộc thi ngắn hạn gắn với một sự kiện, một hoạt động cụ thể nào đó nhưng cũng cần có những cuộc thi dài hơi (kiểu thi truyện ngắn hoặc viết phóng sự đang diễn ra).
Quý báo cần liên kết giữa báo in và trang online trong việc tổ chức các cuộc thi, nhất là các cuộc thi liên quan đến bình chọn.
3 đề xuất trên là 3 mong mỏi của một người đọc, chưa hẳn mang tính phổ biến của tất cả các bạn đọc. Nhưng trong bối cảnh thông tin phổ biến như hiện nay, Báo SGGP cần đa dạng thông tin và đa dạng hình thức thể hiện. Có như vậy, báo mới tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong đời sống của TPHCM và cả nước.
NGUYỄN MINH HẢI
(Thủ Đức, TPHCM)