Đà Lạt hướng đến tương lai

Đà Lạt, thành phố ngàn hoa, nằm trên cao nguyên Lang-Bian được phát hiện bởi bác sĩ Yersin ngày 21-6-1893 và đến nay Đà Lạt vừa tròn 115 tuổi. Với sự ưu đãi của thiên nhiên, ngoài lợi thế về du lịch, Đà Lạt còn là một vùng đất tiềm năng cho phát triển giáo dục.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của tiềm năng trên trong chiến lược phát triển giáo dục tại Đà Lạt nói riêng và Việt Nam nói chung, ngay từ năm 2006, UBND tỉnh Lâm Đồng đã trình Chính phủ về việc quy hoạch tại Đà Lạt một “Làng đại học quốc tế” và chủ trương này đã được Chính phủ phê duyệt trong công văn số 2779/VPCP-ĐH ngày 25-6-2006.

* Tổng diện tích đất dự án: 676,3ha được chia thành 7 campus, trong đó có 1 campus 155,5ha do các doanh nghiệp tham gia đề án và các đối tác đầu tư.

Theo các nhà nghiên cứu, trước đây đã có kế hoạch xây dựng ở Đà Lạt một campus đại học rất lớn để đào tạo nhân lực cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sở dĩ trong toàn khu vực Đông Nam Á, Đà Lạt được ưu tiên chọn lựa vì lợi thế khí hậu ở đây rất thích hợp.

Chính vì thế nhiều giáo sư đã nghiên cứu, đề xuất xây dựng tại Đà Lạt một “Khu đô thị đại học quốc tế”. Đề án “Khu đô thị đại học quốc tế Đà Lạt” được ra đời với sự tham gia của các nhà khoa học – doanh nhân tâm huyết trong và ngoài nước.

Đề án “Khu đô thị đại học quốc tế Đà Lạt” được phát triển trên cơ sở quy hoạch “Làng đại học quốc tế” theo chủ trương của UBND tỉnh Lâm Đồng. Mô hình của đề án đã giải quyết một số vấn đề cốt lõi để có thể chủ động đón hai làn sóng về giáo dục đại học trong bối cảnh toàn cầu hóa sắp tới, đó là: Liên doanh liên kết đào tạo (Joint/twinning programs) và mở chi nhánh các trường đại học nước ngoài (Branch campus).

Khi được thực hiện, đề án tạo ra hiệu quả cao về kinh tế - xã hội: Có hơn 50.000 chỗ học mới cho sinh viên; bổ sung 5.000 chỗ làm cấp cao và 3.000 việc làm khác; bổ sung cơ cấu kinh tế, dịch vụ mới cho địa phương; góp thêm một trong những trung tâm, đầu mối văn hóa – giáo dục lớn trong điều kiện hòa nhập, toàn cầu hóa…

Theo ý kiến của nhiều nhà giáo dục, mô hình của đề án mang tính “mở” trong cả quy hoạch và quản lý nên tạo điều kiện huy động nguồn lực đầu tư về tài chính và khoa học ở trong và ngoài nước. Trong mô hình này mối quan hệ giữa nhà khoa học – doanh nghiệp được thiết lập chặt chẽ theo cơ chế quản lý: Hội đồng trường – Ban giám hiệu – Hội đồng khoa học. Mô hình mới tạo ra một cơ chế tự chủ nhưng lại kiểm soát được các mục tiêu chiến lược phát triển. 

VĂN TRỌNG

Tin cùng chuyên mục