Đà Nẵng: Bảo tồn và phát triển văn hóa vùng biển

Dọc bờ biển tại TP Đà Nẵng, những ngôi miếu thờ thần biển, thần làng, tục thờ cá Ông… vẫn tồn tại, được gìn giữ kỹ lưỡng. Bởi lẽ, nhiều ngư dân tin rằng, lễ Cầu ngư không chỉ được xem là sự tôn kính thần linh mà còn gắn liền với sự hưng thịnh của cả làng, giúp vượt qua tai nạn khi lênh đênh trên biển cả.

 

Đoàn rước trong trang phục áo dài, khăn đóng cùng kiệu rước, đội dâng hoa quả tiến về lễ đài chính thực hiện nghi thức cầu an, cầu ngư
Đoàn rước trong trang phục áo dài, khăn đóng cùng kiệu rước, đội dâng hoa quả tiến về lễ đài chính thực hiện nghi thức cầu an, cầu ngư

Độc đáo của lễ Cầu Ngư 

Những ngày cuối tháng 2-2022, từ sáng sớm, nhiều người dân đã tập trung tại Lăng Ông Tân Thái (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) để chứng kiến lễ rước Cá Ông, vị thần biển cả trong văn hóa tín ngưỡng dân gian của làng chài ven biển…

Lần đầu thưởng thức lễ Cầu Ngư, chị Bùi Thị Ngọc Huyền (28 tuổi, du khách từ Gia Lai) cho biết, hình thức thờ cúng trên biển có nhiều điểm tương đồng với nghi lễ cầu mưa của người Jrai (tỉnh Gia Lai) trước một vụ gieo trồng mới. Đích đến của tục thờ cúng là cầu mưa thuận gió hòa, gặt hái mùa vàng và thể hiện lòng biết ơn đối với các thế lực siêu nhiên (các vị thần trong vũ trụ) đã che chở họ suốt những năm tháng hành nghề.

“Ngoài những độc đáo về bộ trang phục, trong lễ hội nhiều trò chơi ở vùng biển như hát bài chòi hay đua thúng, gánh cá,... khiến tôi cảm thấy khá là mới mẻ đối với người dân vốn sinh sống ở vùng núi”, chị Huyền nói.

Nhiều năm tham gia lễ cầu ngư, ông Lê Xuân Lộc (68 tuổi, trú quận Sơn Trà) cho biết, Lăng Ông vừa được sửa sang, trùng tu vào đầu năm nên lễ hội tổ chức khá hoành tráng. Nghi thức lần này được phục dựng theo phong tục tập quán của cha ông để lại, gồm lễ Nghinh Thần, lễ tế Âm Linh, lễ tế kính Cầu Ngư mang bản sắc văn hóa địa phương. Phần hội là các hoạt động như đua thúng, gánh cá, đan lưới và hát bài chòi,.. mang tính chất cộng đồng dân gian phù hợp với cư dân vùng biển.

Nghi thức lễ Cầu Ngư

Mọi người dân sinh sống dựa vào biển đều quan niệm rằng lễ Cầu Ngư như là một niềm tin, một sự động viên giúp họ vững vàng bám biển. Vì vậy, hầu hết ngư dân luôn muốn giữ gìn nét đẹp văn hóa này như một sự biết ơn, tin tưởng vào cá Ông, vào thần Nam Hải đã phù hộ bình an, thuận lợi cho những chuyến ra khơi của họ. Bởi vậy, lễ hội được truyền từ đời này sang đời khác, nét đẹp của một nền văn hóa vùng biển cần được bảo tồn.

Gắn bảo tồn với phát triển du lịch

Sau lễ cầu ngư, lễ ra quân đánh bắt hải sản đầu năm cũng được tiến hành. Ông Nguyễn Lâm Hà, Chủ tịch UBND phường Mân Thái cho rằng, những năm gần đây, tình hình dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, các hoạt động khai thác hải sản bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, với tinh thần chịu khó, tương trợ lẫn nhau trong lao động sản xuất, bà con ngư dân đã cùng nhau vượt khó, nhất là trong những mùa bão lũ.

Cuộc đua gánh cá của những ngư dân 

Không những thế, trong năm 2021, người dân phường Mân Thái chung tay, đóng góp công sức, tiền của để sưu tầm, phục dựng thành công nhiều hoạt động đời sống của làng chài địa phương. Các hoạt động của dân làng chài ngày trước như: cột dây kình, gọt phao gỗ, giã vỏ thông… dần bị mai một nên phần đông thế hệ trẻ không hiểu về nghề truyền thống của cha ông. Tham gia vào quá trình phục dựng đều là các lão làng người Mân Thái, có kinh nghiệm và kinh qua nghề biển. Do đó, những công việc này được các cụ tái hiện nhuần nhuyễn, chính xác và sinh động.

Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, ngoài việc tranh thủ các chính sách hỗ trợ đầu tư nâng cấp các di tích, hạ tầng về du lịch, đơn vị tiến hành vận động người dân tạo dựng hình ảnh thân thiện, mến khách, hướng đến “mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”. UBND quận giao các đơn vị, lực lượng triển khai tốt công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và chuẩn bị đầy đủ phương tiện, thiết bị y tế để sẵn sàng ứng phó các tình huống có thể xảy ra.

Lãnh đạo địa phương cắt băng khai mạc 

Trong đó, trách nhiệm bảo tồn, phát huy di sản phải được gắn với quyền lợi hưởng thụ các giá trị di sản. Bởi, chỉ khi người dân là chủ thể nắm giữ di sản thì việc trải nghiệm sẽ giúp họ hiểu rõ, quý trọng, từ đó mới bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng triển khai lắp đặt một số tiểu cảnh trên biển như: logo chữ Sơn Trà tại bãi biển Mân Thái được thiết kế cách điệu với hình ảnh voọc chà vá chân nâu, bãi biển xanh mát, bán đảo Sơn Trà; các tiểu cảnh trên biển với thuyền, thúng, ván... để tạo ấn tượng sâu sắc với du khách.

Tin cùng chuyên mục