Những năm qua, TP Đà Nẵng đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh tình trạng xe dù, bến cóc xảy ra tại các điểm “nóng” như Bến xe Trung tâm TP Đà Nẵng, ngã ba Huế, cầu vượt Hòa Cầm… và lắp đặt hệ thống camera tại trước bến xe, dựng chốt và tuần tra kiểm soát tại các khu vực này. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, tình trạng xe dù, bến cóc vẫn tái diễn.
Loạn bến cóc
8 giờ 30 phút ngày 26-12, trên đường Tôn Đức Thắng đoạn trước Bến xe Trung tâm TP Đà Nẵng, xe khách 43S-9971 loại 29 chỗ, trên xe có dán chữ DANATRANCO chạy tuyến Đà Nẵng - Huế ngang nhiên đứng giữa đường chờ đón khách. Để né lực lượng chức năng, lái xe bấm đèn báo sự cố (4 đèn xi nhan chớp nháy liên tục), phụ xe chạy trên đường đón khách. Khoảng 5 phút sau, một xe máy chở nhiều thùng hàng đến. Giữa chằng chịt xe cộ, phụ xe mở cốp bỏ hàng thản nhiên như trong bến bãi. Sau khi bỏ hàng xong, xe này vẫn chưa chịu chạy mà bật đèn báo sự cố và tiếp tục đứng giữa đường.
Đến 8 giờ 43 phút, xe 43S-9971 vẫn cứ để nguyên đèn báo sự cố, lúc đứng giữa đường, lúc lăn bánh chậm như rùa bò giữa đường đông xe cộ chờ đón thêm khách và trong nỗi sốt ruột của hành khách. Đến 8 giờ 50 phút, khi xe khách 43H-4611 cũng chạy tuyến Đà Nẵng – Huế của DANATRANCO trờ tới, xe 43S-9971 mới nhích thêm vài trăm mét nhường chỗ chờ khách rồi tiếp tục đợi đón khách.
Trong khi đó, xe khách 43S-2739 loại 16 chỗ ngồi trước đầu xe dán chữ “L.C.”, trên thùng xe dán tuyến Đà Nẵng - Đông Hà nhưng khi vừa rời cổng bến xe vài mươi mét, lái xe đã vội lật bảng mica (đặt trước mặt tài xế) dán chữ Đông Hà thành chữ Ba Đồn để bắt khách đi… Quảng Bình, mặc dù xe chỉ được phép chạy đến Quảng Trị. Sau khi xuất bến, để né lực lượng kiểm tra (cách đó chừng 100m), chiếc xe này chạy với tốc độ… đi bộ trước khu vực Bến xe Trung tâm TP Đà Nẵng chờ xe thồ chở khách đến.
Khó xử lý
Trước đây, khái niệm xe dù chỉ những xe không đăng ký phiên, tuyến đội lốt để đón khách, hiện nay khái niệm này được dùng cho cả những xe khách có phiên, có tuyến hẳn hoi. Hầu hết những xe khách loại 16 chỗ và 29 chỗ chạy tuyến ngắn: Đà Nẵng - Huế, Đà Nẵng - Quảng Trị, Đà Nẵng - Quảng Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Đà Nẵng - Quy Nhơn… hiện nay đều là xe đều đăng ký phiên, tuyến cố định. Thế nhưng, vì áp lực thu nhập, lái xe và nhà xe đã lách luật ra đường bắt khách, biến lòng đường thành những bến cóc, gây mất trật tự và đe dọa sự an toàn của người đi đường.
Một lái xe khách tuyến ngắn tâm sự: “Thời buổi khó khăn, khách ít, xe đông như… ruồi nên để bắt được một khách cũng rất mất sức, nhiều lúc bị phạt tiền, giam bằng lái. Khi xe xuất bến, có khách hay không đều phải đổ dầu, phải chi tiền bến bãi cố định”. Trong khi đó, bà Phan Thị Ngọc Lan, Giám đốc Xí nghiệp Bến xe Đà Nẵng, cho biết, xí nghiệp chỉ quản lý xe trong bến, còn khi xe ra khỏi bến không quản lý được.
NGUYÊN KHÔI
Bình Định: “Bó tay” với xe dù Do quốc lộ 1A chạy qua tỉnh Bình Định khá dài (khoảng 100km) nên địa bàn này có rất nhiều bến cóc, chủ yếu tập trung tại Quy Nhơn và các thị trấn. Đặc biệt, trên địa bàn TP Quy Nhơn, khu vực ngã năm Hồ Le (gần Bến xe trung tâm Quy Nhơn), ngã ba Phú Tài và khu vực cầu Gành luôn là điểm “nóng” về tình trạng bến cóc, xe dù,... Nhiều lần các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định ra quân lập lại trật tự tại những khu vực này nhưng đâu lại vào đấy. Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó trưởng Bến xe khách Trung tâm Quy Nhơn, các xe chạy tuyến nội tỉnh, từ Quy Nhơn đi các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung rất lộn xộn. Mỗi ngày có 10-20 xe chạy các tuyến này (chủ yếu là xe dù, không đăng ký hoạt động với Bến xe khách Trung tâm Quy Nhơn) bắt khách ngoài bến. Các xe này vi phạm ở ngoài bến nên các lực lượng bảo vệ trật tự bến xe không thể xử lý được vì không có thẩm quyền. H.TRỌNG |