Đà Nẵng phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn - Bài cuối: Hiện thực hóa nghị quyết phát triển Đà Nẵng

Cơ chế, chính sách là sự bứt phá để Đà Nẵng có tên trong hệ sinh thái công nghiệp vi mạch, bán dẫn. 

Sớm xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực

Đối với Đà Nẵng, đây là cơ hội để địa phương tìm hướng đi và động lực mới để phát triển. Bởi thực tế về diện tích, dân số, đất đai của Đà Nẵng không bằng nhiều địa phương khác. Trong việc phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, yếu tố nhân lực có vai trò quan trọng. Hiện nguồn nhân lực công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng đang đứng thứ 3 cả nước, sau TPHCM và Hà Nội. Việc tăng nguồn nhân lực ngay thời điểm này là điều cần thiết.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nêu kiến nghị. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nêu kiến nghị. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Sở TT-TT TP Đà Nẵng nhanh chóng triển khai xây dựng “Đề án phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn” của TP Đà Nẵng. Trước mắt, cần thành lập tổ công tác và tư vấn liên ngành với sự tham gia của các sở, ngành và một số chuyên gia. Có thể mời chuyên gia nước ngoài để tham mưu xây dựng đề án và tham mưu cho lãnh đạo thành phố chỉ đạo triển khai kịp thời, hiệu quả.

UBND đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể để thúc đẩy công nghiệp vi mạch bán dẫn trên địa bàn để trình HĐND TP Đà Nẵng trong kỳ họp tới. Trong đó, nghiên cứu cơ chế thu hút chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về Đà Nẵng làm việc để chuyển giao tri thức, kinh nghiệm với các hình thức thu hút làm việc ngắn hạn, dài hạn, liên kết trong đào tạo, nghiên cứu khoa học hoặc tham gia sự kiện, hội nghị, hội thảo tại thành phố…; đề xuất chính sách hỗ trợ ban đầu để thu hút phát triển và lan tỏa việc nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực cho thiết kế chip bán dẫn và đóng gói, kiểm thử; nghiên cứu, bổ sung thêm lĩnh vực vi mạch, bán dẫn vào lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ Đầu tư phát triển thành phố để có nguồn lực cho đào tạo nhân lực và đầu tư phát triển lĩnh vực này.

Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng rà soát quy hoạch, phát huy tối đa các chức năng của Khu công nghệ cao. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng rà soát quy hoạch, phát huy tối đa các chức năng của Khu công nghệ cao. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Đưa nội dung vi mạch, bán dẫn vào chương trình xúc tiến, kêu gọi đầu tư, hợp tác quốc tế năm 2024; tập trung thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và bán dẫn, đóng gói và kiểm thử khi đầu tư vào Đà Nẵng.

Trước mắt, Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng rà soát quy hoạch, phát huy tối đa các chức năng của Khu công nghệ cao để triển khai thu hút đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch và bán dẫn; tạo các điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đóng gói, kiểm thử như hình thành kho ngoại quan.

“Cần phát huy và tăng cường liên kết giữa Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp - Nhà khoa học, đặc biệt là sự liên kết giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực và tham mưu đề xuất các chính sách đối với ngành công nghiệp vi mạch, bán dẫn. UBND thành phố sớm ký kết hợp tác với doanh nghiệp để cụ thể hóa cam kết đồng hành của doanh nghiệp và thành phố trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và phát triển nguồn nhân lực”, ông Quảng nói.

Tạo cơ chế “hút” tập đoàn lớn

Theo đánh giá của TS Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin - Truyền thông (Bộ TT&TT), TP Đà Nẵng có môi trường tuyệt vời để thu hút nhân tài thế giới, ngoài ra có thể xây dựng địa phương này trở thành một trung tâm nguồn nhân lực và thiết kế vi mạch bán dẫn toàn cầu. Để thu hút đội ngũ kỹ sư CNTT nước ngoài đến Đà Nẵng làm việc, Đà Nẵng cần định hướng trở thành trung tâm thiết kế vi mạch về bán dẫn của khu vực; nơi hấp dẫn các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào trung tâm thiết kế vi mạch; thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học của các nước tiên tiến đến, đặc biệt là Mỹ.

Đại học Đà Nẵng ký kết với các tập đoàn lớn trong đào tạo nghiên cứu khoa học, mở thêm cơ hội để sinh viên thực hành, hỗ trợ học bổng

Đại học Đà Nẵng ký kết với các tập đoàn lớn trong đào tạo nghiên cứu khoa học, mở thêm cơ hội để sinh viên thực hành, hỗ trợ học bổng

Theo PGS.TS. Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn (Đại học Đà Nẵng), cần có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn, điển hình như xây dựng đề án tài trợ học phí cho sinh viên có hộ khẩu TP Đà Nẵng, hỗ trợ chi phí chỗ ở cho sinh viên theo học các ngành thuộc lĩnh vực CNTT, công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ vi mạch, bán dẫn; xây dựng quỹ học bổng, quỹ hỗ trợ khoa học, quỹ khởi nghiệp về vi mạch từ nguồn đóng góp, tài trợ của các doanh nghiệp và thành phố về các lĩnh vực này.

Ngoài ra, thường xuyên tạo diễn đàn hỗ trợ kết nối nhà trường – doanh nghiệp, hỗ trợ đưa doanh nghiệp đến gần hơn với công tác đào tạo của các trường; tạo điều kiện cho các trường đại học tham gia sâu hơn, thường xuyên hơn trong các diễn đàn có liên quan của TP Đà Nẵng.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT nêu ý kiến. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT nêu ý kiến. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho rằng, Đà Nẵng có nhiều cơ hội trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn của Việt Nam và thế giới. Bằng mọi cách, phải xây dựng Đà Nẵng có tên trong hệ sinh thái vi mạch bán dẫn thế giới. Để làm được điều đó, cần có nhân lực, thu hút đầu tư và có cơ chế chính sách tạo sức hút để đón doanh nghiệp. Sức hút của Đà Nẵng lúc bấy giờ là khung pháp lý thuận lợi, cơ chế, đào tạo, kết nối quốc tế và tâm huyết của lãnh đạo và nhân dân Đà Nẵng.

“Bên cạnh nhân lực, thu hút đầu tư, việc quan trọng Đà Nẵng cần phải có nhân vật danh vọng trong ngành này có mặt tại Đà Nẵng, hợp tác với những công ty lớn trên thế giới. Kêu gọi những tập đoàn lớn nhất vào Đà Nẵng. Đây là khởi đầu vô cùng quan trọng. Để kêu gọi, Đà Nẵng cần một khung pháp lý có sức hút về phát triển lĩnh vực này", ông Bình nêu.

Tin cùng chuyên mục