
Tại buổi làm việc, đồng chí Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao Đại học Đà Nẵng trong việc chủ động, sáng tạo tiếp cận, triển khai tích cực các chủ trương, Nghị quyết về phát triển đội ngũ trí thức, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hoàn thiện cơ chế chính sách và đổi mới hệ thống quản trị đại học tiên tiến.
Đồng chí Huỳnh Thành Đạt gợi mở một số định hướng để Đại học Đà Nẵng triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, môi trường và công tác tri thức.
Đại học Đà Nẵng cần tiếp tục triển khai, cụ thể hóa tầm nhìn, chiến lược phát triển thành Đại học Quốc gia, trong đó chú trọng phát triển đội ngũ trí thức, các nhóm nghiên cứu mạnh; bồi dưỡng nhân tài thông qua các chương trình liên kết đào tạo, nghiên cứu trong và ngoài nước; có cơ chế thu hút, giữ chân các nhà khoa học, chuyên gia; huy động các nguồn lực trong nước, quốc tế.

Vận hành Quỹ Phát triển khoa học công nghệ của Đại học Đà Nẵng, chú trọng phát triển các doanh nghiệp spin-off để thương mại hóa sản phẩm, kết quả nghiên cứu; khuyến khích đăng ký sở hữu trí tuệ; tăng cường đầu tư vào các ngành, lĩnh vực chiến lược như danh mục của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, trong đó có AI, chip bán dẫn, dữ liệu lớn, năng lượng tái tạo…
Không chỉ vậy, Đại học Đà Nẵng cần xây dựng chiến lược, mô hình chuyển đổi số hướng tới đại học thông minh kết nối với Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Ngoài ra, cần đẩy mạnh liên kết vùng, gắn với phát triển vùng, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển Đại học Đà Nẵng thành trung tâm tri thức của khu vực miền Trung và cả nước.
Trước đó, báo cáo kết quả triển khai các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, đã thông tin việc cụ thể hóa Nghị quyết số 45/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ trí thức và Nghị quyết số 57/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Theo đó, hoạt động công bố quốc tế được đẩy mạnh. Giai đoạn 2020–2024, số bài báo trên các tạp chí uy tín (WoS/Scopus) tăng gần gấp đôi so với giai đoạn 2016–2020, đạt hơn 2.600 bài, tăng trung bình 10% mỗi năm. Năng suất khoa học của đội ngũ tiến sĩ tăng mạnh, từ 0,18 bài/người (2015) lên 0,74 bài/người (2024). Tỷ lệ bài báo Q1/Q2 trong tổng số WoS/Scopus tăng từ 58% (2020) lên 83% (2024).
Năm 2024, Đại học Đà Nẵng triển khai 242 đề tài các cấp với tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng. Đồng thời, trở thành điểm đến học thuật với hơn 25 hội thảo quốc tế uy tín như: IEEE ICCE, ICOAF, ATiGB, CITA...
Thực hiện Nghị quyết 57, các đơn vị thành viên đã xây dựng kế hoạch hành động, chủ động đề xuất hơn 100 nhiệm vụ cụ thể, chia thành 4 nhóm: Đột phá khoa học công nghệ; Đổi mới sáng tạo; Chuyển đổi số; các nhiệm vụ liên quan khác.
Về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Đại học Đà Nẵng yêu cầu giảng viên trẻ cam kết đào tạo ở nước ngoài qua các đề án Chính phủ hoặc học bổng quốc tế. Nhờ đó, mỗi năm có thêm 60–100 tân tiến sĩ, phần lớn được đào tạo tại các quốc gia phát triển, có năng lực ngoại ngữ và chuyên môn cao. Giảng viên được tạo điều kiện tự chủ học thuật, tham gia giảng dạy, nghiên cứu và trao đổi quốc tế.
Đại học Đà Nẵng đón đầu xu hướng thị trường lao động, mở các ngành mới như: Vi mạch bán dẫn, Trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu, Công nghệ tài chính, Logistics...

Từ thực tiễn triển khai các chủ trương lớn, Đại học Đà Nẵng kiến nghị Trung ương xem xét ban hành cơ chế đặc thù cho đại học vùng, trong đó được tự chủ sâu rộng về tài chính, tổ chức bộ máy, chính sách nhân sự và sử dụng Quỹ Phát triển khoa học công nghệ theo mô hình Đại học Quốc gia; cho phép triển khai thí điểm mô hình Trung tâm Xuất sắc, Quỹ đầu tư khoa học công nghệ cấp đại học với cơ chế bảo lãnh công nghệ cho các công ty khởi nguồn, cơ chế tài chính linh hoạt, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.
Ngoài ra, Đại học Đà Nẵng đề nghị Trung ương ưu tiên phân bổ nguồn vốn đầu tư trung hạn cho các dự án trọng điểm trong lĩnh vực công nghệ lõi như: AI, chip bán dẫn, năng lượng xanh, thiết kế vi mạch, công nghệ tài chính và kinh tế số, công nghệ sinh học và nông nghiệp - thủy sản công nghệ cao.