
(SGGPO).- Sáng nay, 26-3, tại Hội trường Thành Đoàn Đà Nẵng, Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng phối hợp với Ban Thường vụ Thành Đoàn tổ chức chương trình “Đối thoại tháng Ba: Vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội”.
Chương trình đối thoại được chủ trì bởi ông Trần Thọ - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng; ông Võ Công Trí - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; ông Văn Hữu Chiến - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; ông Nguyễn Bá Cảnh - Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng và sự tham gia của lãnh đạo các ban thuộc Thành ủy, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố, đại diện lãnh đạo các quận, huyện ủy, Đảng ủy trực thuộc Thành ủy và 83 đại biểu thanh niên đến từ tổ chức Đoàn các cấp, các cơ quan tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh niên và các tổ chức thanh niên trên địa bàn thành phố.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đối thoại với thanh niên. Ảnh: Nguyên Khôi
Ông Lê Phú Nguyện, Trưởng phòng Công tác Thanh niên (Sở Nội vụ), cho biết: Chương trình được tổ chức nhằm mục đích làm cầu nối để lãnh đạo thành phố và các cơ quan chức năng chia sẻ, lắng nghe, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng và những kiến nghị, phản ánh của thanh niên trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; truyền thông điệp kêu gọi thanh niên tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của thành phố về phát triển kinh tế - xã hội.
Nội dung đối thoại xoay quanh những vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố mà thanh niên quan tâm như phát triển kinh tế, an sinh xã hội, xây dựng chính quyền, các chính sách liên quan trực tiếp đến phát triển thanh niên như lao động, việc làm, phát triển nguồn nhân lực,…
Tại diễn đàn, lãnh đạo thành phố đối thoại trên tinh thần cởi mở, gần gũi, chia sẻ tình cảm và trách nhiệm với thanh niên, góp phần xây dựng niềm tin và khơi dậy ý thức trách nhiệm, khả năng đóng góp của thanh niên đối với sự phát triển của thành phố.
Tại buổi đối thoại, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã thẳng thắn đặt vấn đề với thanh niên làm sao để xây dựng Đà Nẵng trở thành một “thành phố đáng sống” trong tương lai? Làm sao để có những ý tưởng kinh doanh, biến những ý tưởng đó thành hiện thực? Thanh niên đã đóng góp như thế nào đối với sự phát triển chung của thành phố,…

Ông Nguyễn Xuân Anh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng Công tác Thanh niên thành phố Đà Nẵng chia sẻ với các bạn trẻ. Ảnh: Nguyên Khôi
Bên cạnh đó, thanh niên cũng đặt nhiều câu hỏi đối với lãnh đạo thành phố, như: thành phố có những chính sách như thế nào để phát huy được sức mạnh thanh niên trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố? Có chính sách hỗ trợ như thế nào để thu hút thanh niên đóng góp cho thành phố? Đà Nẵng có những chính sách hỗ trợ gì cho doanh nghiệp trẻ cũng như tạo điều kiện để biến ý tưởng kinh doanh trở thành hiện thực? Đà Nẵng phát động xây dựng Đà Nẵng trở thành “thành phố đáng sống” thì đây là khẩu hiệu hay mục tiêu phấn đấu?
Trả lời các vấn đề nói trên, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng, Hội doanh nghiệp trẻ tổ chức thi và có nhiều giải thưởng, trong đó có nhiều ý tưởng sáng tạo, táo bạo nhưng không phải ý tưởng nào cũng ứng dụng ngay và có hiệu quả được. Có những ý tưởng hay thành phố ghi nhận. Tuy nhiên, để ý tưởng trở thành hiện thực thì ý tưởng phải đi song song với giải pháp để ứng dụng hiệu quả, thiết thực.
Về vấn đề này, ông Võ Công Trí, Phó Bí thư thưởng trực Thành ủy Đà Nẵng cho biết thành phố hiện có Quỹ đầu tư phát triển thành phố với số tiền 120 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả vay lãi suất thấp hoặc không lãi suất. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đã lập Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp biến ý tưởng thành hiện thực.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu thanh niên cũng đề xuất những ý tưởng để xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố thân thiện, văn minh cũng như chuẩn bị nhân sự cho tương lai…
Có bạn trẻ cũng thẳng thắn với lãnh đạo thành phố: Xây dựng “thành phố đáng sống” vậy “đáng sống” và “khởi nghiệp” cái nào quan trọng hơn, trong khi hiện nay phần lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường vào TPHCM và Bình Dương làm việc, vậy đáng sống là phải tạo cơ hội việc làm, phải tạo điều kiện để bạn trẻ bộc lộ tài năng. Vậy cơ chế, chính sách nào cho thế hệ trẻ?

Thanh niên đặt câu hỏi và đề xuất những ý tưởng cho lãnh đạo thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Nguyên Khôi
Về vấn đề này, ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng: Tôi vẫn thích là “thành phố sống tốt”, xây dựng thành phố có thương hiệu. Ông Thọ đặt câu hỏi: “Thành phố đáng sống” là gì? Từ đó, ông Thọ khẳng định: Thành phố đáng sống là làm sao từ trẻ con đến người già được chăm lo chu đáo từ cái ăn, chỗ ở, đi lại, học hành, chữa bệnh, vui chơi giải trí. Thành phố đáng sống không chỉ là thành phố thanh bình mà phải là thành phố thái bình. Từ những tiêu chí đó, mình đối chiếu coi Đà Nẵng đã đạt các ngưỡng đó chưa? Chưa! Đời sống người dân khá, Đà Nẵng chưa khá vì thu nhập vẫn còn thấp (chỉ 2.600 USD/năm); về nhà ở, Đà Nẵng vẫn còn 818 ngôi nhà đang xuống cấp, đến mùa mưa cũng lo, nắng cũng lo, bão đến lại càng lo.
Ông Trần Thọ cũng thẳng thắn: Nói thành phố đáng sống nhưng vẫn còn có người nghiện ma túy. Thành phố đáng sống không thể có ma túy, không thể có người bỏ học, đói nghèo, ăn xin, tối ngủ lo trộm cắp, còn có người vứt rác bừa bãi.
Ông Thọ cũng dẫn một câu chuyện “nói vui” có thật: Một hôm trên đường đi làm, ông thấy hai người trẻ đi ô tô đến đoạn trước UBND thành phố, giữa thanh thiên bạch nhật “tè” xuống sông. Ngày hôm sau, tiếp tục thấy một lái xe taxi đậu xe chỗ cũ và… tè xuống sông. Ngay lập tức, ông Thọ rút điện thoại gọi cho chủ hãng taxi và trực tiếp xử lý kỷ luật lái xe nói trên.
Qua đó, ông Thọ khẳng định: Như thế không thể là thành phố đáng sống.
Ông Thọ cũng gửi gắm: Hướng đến thành phố đáng sống nhưng đến nay vẫn chưa vươn tới, chưa đạt kết quả tốt. Vì vậy, muốn xây dựng phải dựa vào thanh niên, dựa vào thế hệ thanh niên, truyền thông điệp đến tất cả các bạn trẻ trên địa bàn thành phố.
NGUYÊN KHÔI

Bí thư Thành ủy Trần Thọ tặng sách cho thanh niên. Ảnh: Nguyên Khôi