
Mủ cao su được xem như “vàng trắng”, thu nhập từ trồng cao su đã “biến” nhiều người trở thành tỷ phú và người người đổ xô đi mua đất trồng cao su… Vậy mà, ở xã Êa Kênh, huyện Krông Păk (Đắc Lắc) lại có chuyện vườn cao su rộng cả trăm héc ta, trị giá hàng chục tỷ đồng bị “treo” không khai thác được.
Chỉ vì có sự tranh chấp, khiếu kiện giữa 200 hộ dân hai thôn Xuân Bình và Thanh Bình, xã Êa Kênh (huyện Krông Păk, tỉnh Đắc Lắc) với Công ty Lâm nghiệp Phước An mà từ đầu năm đến nay, gần 100ha cao su trên địa phận hai thôn này đã phải bỏ hoang, gây thất thu hàng tỷ đồng.
Dùng dằng…
Năm 1993, Lâm trường Krông Păk (nay là Công ty Lâm nghiệp Phước An) nhận chủ trương trồng cây công nghiệp dài ngày để “phủ xanh đất trống đồi núi trọc”, bằng nguồn vốn vay thuộc Chương trình 327 trên diện tích 76ha nằm ở hai thôn Thanh Xuân và Thanh Bình. Trong số 76ha này, phần lớn là đất nương rẫy của 97 hộ dân là người đồng bào dân tộc Tày, Nùng đã xâm canh, xâm cư từ những năm 1982.

Vườn cao su xanh tốt bị bỏ hoang từ đầu năm đến nay
Khi lâm trường tổ chức giao khoán, các hộ nông dân này nhận trồng và chăm sóc vườn cây theo công đoạn để hưởng lợi. Năm 2001, lâm trường có chủ trương giao trả vườn cao su cho nông dân với điều kiện bà con phải chi trả toàn bộ chi phí đầu tư cho lâm trường là 17 triệu đồng/ha.
Theo kiến nghị của người dân, vào thời điểm đó giá cao su quá thấp mà giá lâm trường đưa ra thì quá cao, nông dân không lấy đâu ra tiền mà trả cho lâm trường. Mặt khác, người dân đòi lâm trường phải quyết toán các khoản thu chi từ trước đến nay cho dân biết… Vì chưa rõ ràng, nên phương án của lâm trường đưa ra không được người dân chấp thuận.
Ngày 12-9-2003, UBND xã Êa Kênh có cuộc họp với nông dân hai thôn Thanh Xuân và Thanh Bình, đã đi đến ký kết một bản với nội dung như sau: “Sau khi vườn cây cao su được khai thác, trừ hết các khoản chi phí đầu tư, Lâm trường Krông Păk sẽ được hưởng 65%, người dân được hưởng 35%”.
Điều đáng nói ở đây là: đại diện chính quyền xã Êa Kênh ký vào biên bản này là ông Phan Đính – khi ấy là chủ tịch HĐND xã, hiện là chủ tịch UBND xã Êa Kênh - nên khi người dân yêu cầu Công ty Lâm nghiệp Phước An thực hiện như biên bản thì bị bác bỏ.
Theo Công ty Lâm nghiệp Phước An, họ không có đại diện ký vào bản cam kết đó nên không thực hiện. Bức xúc, người dân làm đơn khiếu kiện, khi công ty có chủ trương cạo mủ thì dân ngăn cản.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 1998, Hội đồng xét duyệt cấp giấy chứng nhận QSDĐ huyện Krông Pak đã cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho 97 hộ dân có diện tích đất trồng cao su nói trên.
Về vấn đề này, ông Phan Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Êa Kênh khẳng định: “Việc huyện có quyết định cấp 97 giấy chứng nhận QSDĐ là có thật, nhưng khi đưa về cho xã thì xã không giao cho dân mà cất vào tủ. Sau đó, huyện đã có chỉ đạo thu về 97 giấy chứng nhận QSDĐ đất của các hộ dân nói trên. Hiện nay, Công ty Lâm nghiệp Phước An cũng chưa có sổ đỏ của vườn cao su này, ông Nguyễn Trung Dũng đang làm thủ tục xin cấp”.
“Cầu cứu” tỉnh
Trong cuộc họp dân ngày 22-6-2008, ông Nguyễn Trung Dũng - Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Phước An giải trình rằng mọi tranh chấp của người dân đều thuộc ở các thời kỳ giám đốc trước, còn việc chưa công khai các khoản thu từ trước đến nay thì phải rà soát, xem xét lại.
Năm 2006, khi ông Dũng lên làm giám đốc thì không được bàn giao các chứng từ liên quan. Cũng tại cuộc họp này, ông Dũng đã nhiều lần “xin” được tiếp tục cạo mủ cao su trên diện tích này, vì theo tính toán, mỗi ngày không cạo mủ, công ty sẽ thất thu từ 25-30 triệu đồng. Tuy nhiên, người dân không chấp nhận. Vậy là vườn cao su tiếp tục bị bỏ hoang, tiền tỷ lại “đi” theo những lá đơn khiếu kiện.
Ông Đoàn Xuân Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Păk tỏ ra rất lo lắng trước vấn đề này, cho biết: “Huyện đã nhiều lần chủ động phối hợp với xã Êa Kênh, Công ty Lâm nghiệp Phước An và nhân dân hai thôn này để họp giải quyết, nhưng kết quả vẫn là con số không. Hiện nay, tình hình còn căng thẳng hơn khi người dân biết vườn cao su không được định giá để trả lại cho họ, vậy là sự việc vẫn dùng dằng đến hôm nay mà chưa có cách tháo gỡ”.
Để tiếp tục được cạo mủ, ông Dũng không còn cách nào khác đành phải làm đơn xin sự chỉ đạo giải quyết của UBND tỉnh Đắc Lắc, khi các cấp dưới đã “bó tay”!.
Hoàng Trung Ngọc