
Sau hơn 2 năm chính thức đi vào hoạt động, Khu kinh tế mở (KKTM) Chu Lai đã có những đóng góp nhất định cho nền kinh tế tỉnh Quảng Nam nói riêng và khu vực miền Trung nói chung. Chu Lai cũng đã bước vào giai đoạn tăng tốc làm tiền đề và cũng là mũi nhọn thúc đẩy nền kinh tế của khu vực. Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Phan Đức Nhạn, Trưởng Ban quản lý KKTM Chu Lai về chiến lược phát triển của khu kinh tế này trong thời gian tới…
- Ông PHAN ĐỨC NHẠN: Sau hơn 2 năm hoạt động của Khu kinh tế mở Chu Lai, Chính phủ đã quyết định nhân rộng mô hình kinh tế mở, áp dụng cho vùng trọng điểm kinh tế miền Trung. điều đó đã gián tiếp nói lên hiệu quả và tác dụng của nó. Còn với Quảng Nam, để trở thành thành viên câu lạc bộ 1.000 tỷ, khu Kinh tế mở Chu Lai đã góp 740 tỷ/1.300 tỷ nguồn thu 2005. Vị trí và vai trò đầu tàu của KTM Chu Lai ngày càng đậm nét trong quá trình chuyển dịch cơ cấu từ một tỉnh nông nghiệp trở thành tỉnh công nghiệp sau năm 2015.
- Phóng viên: Chu Lai đã có cơ chế, có cảng, có sân bay và có thể coi là đã có thương hiệu… Ông có thể nói rõ hơn mục tiêu tăng tốc trong năm 2006 cũng như trong thời gian sắp tới…?

Chuyến hàng xuất khẩu đầu tiên tại cảng Kỳ Hà.
- Chúng tôi xác định những lựa chọn để thúc đẩy sự tăng tốc nhằm châm ngòi cho sự bùng nổ giai đoạn phát triển mới của Chu Lai từ nay đến năm 2010 bằng 5 sự ưu tiên lựa chọn: Nâng khung pháp lý để thể hiện cơ chế ưu đãi vượt trội và mô hình kinh tế thí điểm mà Bộ Chính trị và Chính phủ đã chủ trương cho Chu Lai áp dụng; tăng cường công tác kết nối giữa Chu Lai với các bộ, ngành và địa phương liên quan nhằm tạo sự chuyển động thông suốt theo hướng tốt hơn và hiệu quả thu nhận được cũng tốt hơn; sắp xếp, cơ cấu lại dân cư để đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị, qua đó tạo ra mặt bằng rộng lớn thỏa mãn nhu cầu về không gian cho các nhà đầu tư lớn; cảng tự do đón tàu 20 - 30 ngàn tấn;
Sân bay Chu Lai tăng tần suất và tăng tuyến để thực hiện vai trò trung chuyển hàng không trong nước và quốc tế; khu mậu dịch tự do đi vào hoạt động gắn kết với cảng và sân bay tạo không gian liên hoàn, phát huy lợi thế riêng có của Chu Lai, thực hiện đi trước, đón đầu quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; sắp xếp, điều chỉnh mô hình quản lý để chủ động tổ chức thị trường đầu tư, tiếp tục thực hiện phân cấp, ủy quyền để tăng tính năng động, sáng tạo của các đơn vị cơ sở; nâng cao vai trò quản lý Nhà nước, đồng thời tăng chức năng trợ giúp của Ban quản lý đối với nhà đầu tư.
- Chỉ từ Bình Định đến Thừa Thiên-Huế mà có đến 4 khu kinh tế (Nhơn Hội, Dung Quốc, Chu Lai, Chân Mây), đó là chưa kể thành phố Đà Nẵng. Vậy theo ông, Chu Lai có đặc sản gì để cạnh tranh và thu hút đầu tư?
- Chu Lai rất vui mừng khi 5 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cùng khởi động những khu kinh tế để tạo thành một thị trường đầu tư sôi động. Chu Lai đã tuyên bố kết thúc giai đoạn khởi động và chuyển qua giai đoạn tăng tốc. Tự nhìn nhận chính mình, để phát triển vượt trội và bền vững là đòi hỏi lớn nhất của chúng tôi.
Chu Lai đã có thương hiệu, có không gian mở, cơ chế mở để phát triển liên hoàn các loại hình đầu tư cho những nhà đầu tư lớn. Chu Lai có cảng tự do, khu mậu dịch tự do và sân bay trung chuyển, đã sẵn sàng mở cửa bầu trời để tạo thành cái riêng có của Chu Lai. Chu Lai đã sẵn sàng chào đón mọi nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội, hoạt động tại Chu Lai. Sự thành công của Chu Lai đang chờ sự góp sức của các bạn.
- Xin cảm ơn.
CHIẾN DŨNG