Đại biểu Quốc hội tranh luận việc đổi thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước

Chiều 22-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Căn cước công dân (CCCD) sửa đổi. Ý kiến các đại biểu Quốc hội vẫn còn rất khác nhau ở nhiều vấn đề.
Phiên thảo luận chiều 22-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Phiên thảo luận chiều 22-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Với nội dung phạm vi điều chỉnh của dự thảo là người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch cũng còn ý kiến khác nhau.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, qua thảo luận ở tổ, có 34 đại biểu đồng ý là Luật Căn cước, có 3 ý kiến đề nghị đánh giá rõ tác động, có 38 ý kiến đề nghị giữ tên Luật CCCD như cũ và đề nghị rà soát phạm vi, đối tượng của dự án luật, băn khoăn về sự cần thiết cấp quản lý căn cước điện tử.

Về quy định cấp giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam, có 49 ý kiến còn băn khoăn, đề nghị làm rõ tính hợp lý của việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam, giá trị pháp lý trong và ngoài nước tác động về quốc phòng, an ninh khi sử dụng giấy tờ này.

Về thông tin của CCCD trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước, có 90 ý kiến đề nghị làm rõ sự cần thiết và cơ sở của việc quy định 24 trường thông tin cho phù hợp với quy định của Hiến pháp về bảo vệ bí mật cá nhân. Đồng thời, cần có nguyên tắc bảo đảm tính khả thi, có ý kiến đề nghị chia thành thông tin bắt buộc và thông tin tùy chọn theo nhu cầu của người dân và rà soát các thông tin để quy định cho phù hợp.

Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, có 49 ý kiến đề nghị bổ sung đánh giá tác động các quy định về thông tin thể hiện trên thẻ căn cước; rà soát, chỉnh lý các nội dung cho phù hợp.

Những nội dung này tiếp tục còn nhiều ý kiến khác nhau tại phiên thảo luận ở hội trường chiều 22-6.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tán thành việc cấp thẻ căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch là nhằm bảo đảm quyền con người cũng như thuận lợi cho công tác quản lý. Hiện có trên 31.000 người Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Họ không có giấy tờ tùy thân, đa phần rất khó khăn về kinh tế, không được hưởng chính sách an sinh xã hội do không có hộ khẩu thường trú, con em không được học hành do không có khai sinh, để lại gánh nặng cho xã hội.

“Những người này sống trong đất nước thanh bình mà cuộc sống bất hợp pháp, nếu có tình hình xảy ra thì không biết đối tượng này ở đâu, truy tìm khó khăn vì không có hồ sơ lưu trữ. Do đó, việc cấp thẻ căn cước cho đối tượng này là cần thiết”, ĐB Phạm Văn Hòa nêu.

Nhưng ĐB Hòa cũng cho rằng, việc cấp thẻ căn cước cho đối tượng này cần thận trọng, phòng ngừa kẻ gian lợi dụng để hợp thức hoá giấy tờ hợp pháp.

“Tôi đề nghị người cấp thẻ căn cước diện này phải được bảo đảm thông tin bí mật sẽ được thể hiện trên giấy; họ không được cấp thẻ căn cước điện tử”, ĐB Phạm Văn Hòa nêu.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trần Công Phàn (tỉnh Bình Dương) tranh luận không đồng ý đổi tên luật từ Luật CCCD thành Luật Căn cước chỉ vì để mở rộng đối tượng điều chỉnh. ĐB cho rằng, thẻ CCCD là để dành cấp cho công dân Việt Nam, còn với hơn 31.000 đối tượng người Việt gốc Việt Nam không xác định được quốc tịch thì có thẻ khác để quản lý, để tạo điều kiện cho họ.

“Không thể vì 31.000 người đó mà cả 80 triệu công dân Việt Nam phải đổi thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước”, ĐB Trần Công Phàn phát biểu, ông cho rằng, thẻ căn cước công dân phải có từ công dân, do đó không đồng ý đổi tên từ Luật CCCD thành Luật Căn cước.

Một số ý kiến cũng cho rằng cần cân nhắc vấn đề này, làm rõ các quy định khi cấp, hoặc nên cấp thẻ căn cước tạm thời cho đối tượng người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại phiên họp chiều 22-6. Ảnh QUANG PHÚC
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại phiên họp chiều 22-6. Ảnh QUANG PHÚC

Các ý kiến cũng đề nghị quy định rõ thông tin cá nhân trong dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu căn cước của cá nhân phải được bảo vệ mật. Ngoại trừ các cơ quan bảo vệ pháp luật khai thác khi cá nhân vi phạm pháp luật, các trường hợp còn lại muốn khai thác dữ liệu phải được sự đồng ý của cá nhân người đó; phải có yêu cầu xác minh nhân thân trong những trường hợp cá biệt và được sự đồng ý của cơ quan quản lý căn cước, dữ liệu dân cư.

“Cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm về bảo mật nếu thông tin cá nhân bị lộ lọt ra ngoài kẻ xấu lợi dụng ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống của người dân”, ĐB Phạm Văn Hòa phát biểu.

Phiên thảo luận chiều 20-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Phiên thảo luận chiều 20-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Một số ý kiến đề nghị thay đổi thông tin trên thẻ CCCD như quê quán… Thông tin đăng ký nơi sinh trong CCCD cũng không cần thiết, vì thực tế có nhiều trường hợp có nhiều thay đổi; tương tự, không nên có thông tin về nơi thường trú của công dân vì nhiều người có sự thay đổi thường xuyên.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đề nghị cân nhắc việc bỏ nơi sinh ở thẻ CCCD, bởi điều đó giúp cho việc nhận diện con người, và cũng chỉ cơ quan, tổ chức được khai thác thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sử dụng thiết bị chuyên dụng được Bộ Công an cấp phép thì mới được khai thác thông tin tích hợp trong thẻ.

ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng, có thể thiết kế lại những thông tin trùng lắp, không cần thiết như nhóm máu, nơi ở hiện tại (công dân có thường trú, tạm trú), ngày tháng năm chết hoặc mất tích, tình trạng khai báo tạm vắng…

ĐB cũng cho rằng, cần quy định cụ thể thông tin nào buộc phải cập nhật và thông tin nào chỉ để áp dụng cho những trường hợp cá biệt. Thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước về nghề nghiệp, ADN cũng nên cân nhắc, vì nghề nghiệp có thể thay đổi theo thời gian, ADN không phải ai cũng đi xét nghiệm, nếu buộc công dân xét nghiệm thì rất tốn kém...

Tin cùng chuyên mục