Đại học quốc gia: Đột phá tự chủ để phát triển mạnh hơn

Từ khi thành lập đến nay, hai đại học quốc gia (ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM) luôn khẳng định là hai đơn vị đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học cả nước. Điều này được minh chứng qua chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH), công bố quốc tế, đóng góp cho cộng đồng; vị thế và uy tín của hai ĐHQG càng khẳng định khi xuất hiện trên các bảng xếp hạng ĐH uy tín nhất của quốc tế. Chính vì vậy, nghị định về ĐHQG cần phải mở ra nhiều đột phá hơn, giúp hai đơn vị hoàn thành sứ mạng, nhiệm vụ chiến lược của mình. 
Cán bộ nghiên cứu làm việc tại Phòng thí nghiệm Công nghệ nano, ĐHQG TPHCM
Cán bộ nghiên cứu làm việc tại Phòng thí nghiệm Công nghệ nano, ĐHQG TPHCM

Được ưu tiên đầu tư phát triển 

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo Nghị định quy định về ĐHQG để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, các chuyên gia, bộ đang tiếp thu ý kiến, tiếp tục hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành nghị định chính thức về ĐHQG.

Theo dự thảo, ĐHQG sẽ được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển. Về vị trí và chức năng, dự thảo quy định: ĐHQG là cơ sở giáo dục ĐH công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; chịu sự quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT, các bộ, ngành khác và UBND cấp tỉnh nơi đặt trụ sở; có tư cách pháp nhân, có con dấu hình quốc huy và tài khoản riêng; là đầu mối được giao chỉ tiêu về ngân sách và kế hoạch. ĐHQG thực hiện chức năng đào tạo, NCKH, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, phục vụ cộng đồng, được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển. 

Về nhiệm vụ và quyền hạn của ĐHQG thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 8, khoản 1 Điều 29 của Luật Giáo dục đại học, khoản 4 Điều 1 của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và các quy định: trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động của ĐHQG và các cơ sở giáo dục ĐH thành viên, quyết định công nhận hội đồng ĐHQG, quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng ĐHQG, giám đốc, phó giám đốc ĐHQG. Ban hành và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về hoạt động tuyển sinh, đào tạo, khoa học và công nghệ; hợp tác trong nước và quốc tế. Xác định, công bố công khai phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định của Bộ GD-ĐT. ĐHQG thực hiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định. Khi cần thiết, chủ tịch hội đồng ĐHQG, giám đốc ĐHQG trực tiếp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 

ĐHQG được làm việc trực tiếp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về những vấn đề liên quan đến hoạt động và phát triển; thực hiện thông tin, báo cáo, kiểm tra, thanh tra của các bộ, ngành có liên quan và UBND cấp tỉnh nơi đặt trụ sở.

Đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định quy định ĐHQG, ĐHQG TPHCM đề xuất 5 ý kiến: 

Thứ nhất về tổ chức, ĐHQG TPHCM kiến nghị bổ sung học viện là đơn vị thành viên.

Thứ hai về đào tạo, có thẩm quyền trong quyết định ban hành quy chế đào tạo, đề án tuyển sinh đại học và sau đại học, phê duyệt mở các ngành đào tạo mới chưa có trong danh mục đào tạo, áp dụng trong phạm vi ĐHQG.

Thứ ba về công tác đầu tư, quản lý tài chính, tài sản và cơ sở vật chất, có thẩm quyền với các dự án do ĐHQG quyết định đầu tư, tương đương thẩm quyền của bộ ngành đối với dự án đầu tư nhóm B trở xuống; thẩm định thiết kế xây dựng và kiểm tra nghiệm thu công trình xây dựng cấp 1 trở xuống; tổ chức thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 dự án đầu tư xây dựng của các đơn vị trong ĐHQG. ĐHQG có thẩm quyền quyết định đầu tư, phê duyệt dự án, ký kết hợp đồng thực hiện dự án đối với đối tác công tư thuộc phạm vi quản lý theo quy định pháp luật; được huy động nguồn lực của xã hội, thực hiện xã hội hóa để xây dựng ĐHQG.

Thứ tư về công tác khen thưởng, được trình trực tiếp hồ sơ tới Ban Thi đua khen thưởng Trung ương, các danh hiệu hình thức khen thưởng cấp ĐHQG được tích lũy cho việc xét khen thưởng cấp cao hơn.

Thứ 5 về nhiệm vụ của hội đồng ĐHQG: hội đồng được quyết nghị thông qua đề án thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị thành viên, thuộc và trực thuộc ĐHQG theo quy định của pháp luật; phê duyệt đề án, phương án tự chủ của các đơn vị thành viên, thuộc và trực thuộc ĐHQG; quyết nghị thông qua chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển của các đơn vị thành viên, trực thuộc ĐHQG, các nghị quyết hội đồng trường thành viên.

Cần sự đột phá 

Để hoàn thiện và đóng góp ý kiến cho dự thảo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có buổi làm việc với hai ĐHQG để nghe kiến nghị về dự thảo nghị định. PGS-TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội nêu rõ: “Đây là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Trong hệ thống giáo dục ĐH phải có các trung tâm giáo dục, NCKH và chuyển giao công nghệ đủ tầm. Trong đó, có các ĐH làm nòng cốt, đi đầu dẫn dắt và hội nhập bình đẳng quốc tế. Hai ĐHQG được đặc biệt ưu tiên đầu tư dựa trên đánh giá hiệu quả. Hiện nay, giáo dục Việt Nam có 3 luật khá hoàn chỉnh bổ sung nhau là Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục đại học năm 2018 và trước đó là Luật Giáo dục nghề nghiệp. Một trong những nội dung lớn của Luật Giáo dục đại học là tự chủ đại học, ẩn sau đó là tinh thần đại học. Đó là phải đào tạo tầng lớp trí thức tinh hoa cho đất nước và hai ĐHQG phải làm được việc này”. 

Giám đốc ĐHQG TPHCM Huỳnh Thành Đạt cho biết, đến nay đã có 4 nghị định liên quan trực tiếp ĐHQG, các nghị định sau đều thể hiện sự tiến bộ so với văn bản trước. Nghị định mới được ban hành, sẽ tạo cơ hội cho giáo dục đại học phát triển, đặc biệt là ĐHQG. 

Theo Giám đốc ĐHQG Hà Nội Nguyễn Kim Sơn, hơn 25 năm trước, khi xuất hiện chủ thể ĐHQG, Việt Nam đã mở đầu chặng đường mới quan trọng, bắt đầu ý tưởng cho tự chủ đại học, hội nhập quốc tế. Thời điểm này, khi xây dựng Nghị định quy định về ĐHQG, cần xác định hai ĐHQG gánh vác những gì? Thử nghiệm, tiên phong cho những nội dung nào ít nhất là 10 năm, vài chục năm sau để góp phần phát triển giáo dục đại học của đất nước. Khi ban hành nghị định mới cần có tổng kết những nghị định trước. Nghị định mới phải vừa mở đường cho ĐHQG phát triển và sẵn sàng chịu trách nhiệm; tránh chồng chéo, tránh rủi ro pháp lý. 

Theo PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐHQG TPHCM, nghị định cần thể hiện rõ hơn, thuyết phục hơn về “quyền tự chủ cao” là như thế nào, “đầu tư phát triển” cụ thể ra sao. Ở đây, đầu tư không chỉ là về kinh phí, cơ sở vật chất, mà còn tạo cơ chế đặc biệt, xây dựng mô hình ĐH hiện đại, hội nhập được với thế giới. Và quan trọng là điều kiện bảo đảm để thực hiện sứ mạng, chiến lược quốc gia. Các chuyên gia cũng kiến nghị, nghị định về quy định ĐHQG cần mở ra đột phá và đòi hỏi nhiều hơn với hai ĐHQG để hoàn thành nhiệm vụ chiến lược của mình, trong đó phải mở rộng hơn cơ chế tự chủ.

Năm 2021, ĐHQG TPHCM có 4 đơn vị tự chủ

Hội đồng ĐHQG TPHCM vừa họp về kế hoạch hoạt động trong năm 2021. Hội đồng đã thông qua đề án đổi mới cơ chế hoạt động của các Trường ĐH Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Kinh tế - Luật, Trường ĐH Bách Khoa và Trường ĐH Quốc tế. Hội đồng cũng công nhận hội đồng trường của các trường ĐH thành viên. Đặc biệt, hội đồng đã nhất trí xin chủ trương phát triển khoa y thành Trường ĐH Khoa học Sức khỏe là thành viên của ĐHQG TPHCM.

Tính đến tháng 5-2020, ĐHQG TPHCM đã công bố 1.089 bài báo khoa học, trong đó có 839 bài trên các tạp chí quốc tế; đăng ký 458 đơn bảo hộ sở hữu trí tuệ, trong đó 180 đơn đã được cấp bằng độc quyền. Hiện nay, ĐHQG TPHCM có 60 bằng độc quyền, là một trong hai đơn vị giáo dục dẫn đầu cả nước về số lượng bằng sáng chế, giải pháp hữu ích.

Hội đồng ĐHQG TPHCM đã thông qua đề án đổi mới cơ chế hoạt động các trường ĐH thành viên. Từ năm 2021, có 4 trường tự chủ đảm bảo chi thường xuyên gồm Trường ĐH Bách Khoa, Trường ĐH Quốc Tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật, Trường ĐH Công nghệ Thông tin. Các trường tự chủ được tự xác định mức học phí. Học phí chương trình đại trà năm 2021 dự kiến như sau: Trường ĐH Bách khoa: 25 triệu đồng/năm, Trường ĐH Kinh tế - Luật: 20,5 triệu đồng/năm, Trường ĐH Công nghệ Thông tin 25 triệu đồng/năm, Trường ĐH Quốc tế 50 triệu đồng/năm. Năm 2025, mức học phí của các trường này dự kiến tăng lên lần lượt từ 30 - 66 triệu đồng/năm.

Tin cùng chuyên mục