
8 giờ 8 phút ngày 8-8-2008, sau 7 năm dày công chuẩn bị, Thế vận hội mùa hè Bắc Kinh sẽ chính thức khai mạc tại sân vận động quốc gia Trung Quốc với màn lễ hội dài 210 phút rực rỡ sắc màu và vô cùng hoành tráng mà “tổng công trình sư” không ai khác hơn chính là đạo diễn (ĐD) nổi tiếng Trương Nghệ Mưu.
Lễ khai mạc được coi là bức thông điệp văn hóa và nghệ thuật mà đất nước Trung Quốc muốn gửi tới mọi người dân nước mình cùng toàn thể thế giới. ĐD Trương cho hay, việc làm này đối với ông “100 lần khó hơn đạo diễn một bộ phim”. Còn theo tờ báo Pháp Le Figaro, “các công việc chuẩn bị cho đêm khai mạc được giữ bí mật không khác gì một chương trình hạt nhân quân sự”…
5.000 năm lịch sử Trung Quốc trong 50 phút

Phối hợp cuộc diễu hành của gần 12.000 vận động viên đến từ khắp các quốc gia trên trái đất với các tiết mục biểu diễn nghệ thuật của cũng chừng bấy nhiêu nghệ sĩ - quả là một thách thức phi thường đối với Trương Nghệ Mưu và các cộng sự, cố vấn của ông (gồm Ric Birch người Australia, Yves Pépin người Pháp; riêng đạo diễn Mỹ Steve Spielberg sau một thời gian đã từ chối tiếp tục cộng tác).
Các cố vấn giúp về ý tưởng ban đầu, còn toàn bộ chương trình đều do người Trung Quốc điều hành và thực hiện. Theo nhận xét của các chuyên gia, Trung Quốc có kinh nghiệm làm việc với số đông, có các nhà biên đạo múa rất giỏi, có biệt tài sáng chế các bộ trang phục lộng lẫy và phối hợp màu sắc đẹp đẽ.
Với những bộ phim xuất sắc như “Phải sống”, “Cao lương đỏ”, “Thu Cúc đi kiện” từng được trao các giải thưởng quốc tế lớn; gần đây là những bộ phim rất thành công ở quầy vé như “Anh hùng”, “Thập diện mai phục” hay “Mãn thành hoàng kim giáp”… không có gì đáng ngạc nhiên khi đạo diễn tài hoa Trương Nghệ Mưu được giao đảm trách công việc này.
Làm sao chuyển tải được bản sắc văn hóa và lịch sử 5.000 năm của đất nước Trung Hoa chỉ trong 50 phút. Để làm việc này, ĐD Trương tham khảo ý kiến của nhiều nhà chuyên môn Trung Quốc. Ông cho biết, các chi tiết, hình ảnh sử dụng trong buổi biểu diễn đêm khai mạc phải thỏa mãn hai yếu tố: Thứ nhất, tượng trưng sâu sắc cho nền văn hóa Trung Quốc; thứ hai, làm người nước ngoài hiểu được.
Nếu các hình tượng văn hóa Trung Quốc không khó tìm thì để làm cho khán giả thế giới hiểu được chúng lại không phải là chuyện dễ dàng. Vì thế, những ý tưởng sâu xa cần phải được thể hiện một cách giản dị và dễ hiểu. Một nhà văn hóa lão thành khuyên đưa tư tưởng “hòa hợp” giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên của Khổng Tử vào đêm diễn, đó cũng chính là tinh thần hòa hợp của Thế vận hội Bắc Kinh thể hiện qua khẩu hiệu “Một thế giới, một giấc mơ” (“One World, One Dream”)…
1.000 nụ cười trẻ thơ
Trong suốt một năm trời, ê kíp của ĐD Trương đã tiến hành thu thập hàng ngàn nụ cười của các em nhỏ trên khắp thế giới bằng việc kêu gọi cha mẹ các em gửi ảnh con mình cười tới ban tổ chức: “Nụ cười của con trẻ, dù là ở quốc gia nào, thuộc chủng tộc nào, cũng khiến con tim ấm áp. Đó là một tình cảm có tính chất toàn cầu. Thế vận hội là dịp lớn để mọi người xích lại gần nhau. Hình ảnh những khuôn mặt hạnh phúc của các em sẽ được phát đi ở những thời điểm thích hợp của đêm hội”…
Đêm 11-7 và 16-7 tại Bắc Kinh đã diễn ra 2 lần tổng diễn tập toàn bộ chương trình khai mạc. Tin tức về lễ khai mạc được giữ kín như bưng. Những ai có may mắn được tham dự các buổi diễn tập này đều phải cam kết không để lọt bất cứ thông tin nào ra ngoài. Theo những gì mà Le Figaro thu thập được, chuyên gia về các lễ hội Thế vận hội Ric Birch đề cập tới mảng đề tài lịch sử của nước Trung Quốc qua các thời kỳ, từ các triều đại vua chúa cho tới thời điện thoại di động ngày nay.
Hai nhà biên đạo múa người Trung Quốc thì trích dẫn hai từ chủ đạo của đêm hội: “Văn minh” và “Hòa hợp”. Một nhà báo cho hay nhiều bài hát Trung Quốc nổi tiếng cũng như những làn điệu của nhà hát kinh kịch Bắc Kinh sẽ cất lên trong đêm khai mạc. Sẽ có phút tưởng niệm các nạn nhân của trận động đất ở Tứ Xuyên vừa qua.
Trung Quốc là quê hương của kỹ thuật bắn pháo hoa. Các màn bắn pháo hoa kéo dài 20 phút diễn ra tại nhiều địa điểm khác nhau ở Bắc Kinh, trong đó có Vạn Lý Trường Thành, hứa hẹn ngoạn mục và kỳ thú. Môn võ Kung Fu cũng chiếm một vị trí trân trọng trong đêm hội với sự tham gia của 2.000 em nhỏ thuộc trường võ thuật Thiếu Lâm Tự. Về âm nhạc, có sự hiện diện của các cô gái trong nhóm nhạc cụ dân tộc “Red Poppy Ladies” hay nhóm “China Girls” của các em nữ sinh…
Sân bay quốc tế Bắc Kinh sẽ đóng cửa trong suốt 4 giờ đồng hồ diễn ra lễ khai mạc: không một chiếc máy bay nào cất cánh hay hạ cánh trên bầu trời thủ đô thời gian này.
Ngày 6-8, ngọn lửa Olympic về tới Bắc Kinh để bừng lên trong đêm khai mạc 8-8 và tỏa sáng suốt 15 ngày thế vận hội. Lễ khai mạc được truyền hình trực tiếp trên hầu hết các đài truyền hình quốc gia thế giới .
NGỌC HÀ (tổng hợp)