Sự kiện văn hóa ngàn năm có một - “Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội” - đang cận kề. Mỗi người dân Việt Nam đều nóng lòng đón đợi sự kiện trọng đại này. Nhưng càng quan tâm, lại càng cảm thấy lo. Vì sao?
Chương trình hoành tráng
Từ ngày 1 đến 10-10-2010, Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội sẽ diễn ra tại Hà Nội. Trong suốt 10 ngày, đại lễ có rất nhiều hoạt động. Đặc biệt, vào ngày 10-10, ngoài chương trình mít tinh trọng thể cấp nhà nước, tối còn diễn ra đêm hội văn hóa nghệ thuật kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội với chủ đề Thăng Long – Thành phố rồng bay do nhà văn Nguyễn Khắc Phục viết kịch bản.
Lung linh, rực rỡ, hoành tráng và mang đậm chất sử thi... đó là những điều không chỉ nhà văn Nguyễn Khắc Phục, tác giả kịch bản chương trình (dự kiến kéo dài hơn 100 phút) kỳ vọng mà còn là sự háo hức chờ đợi của hàng triệu người con đất Việt.
Vừa qua, một lần nữa kịch bản nghệ thuật đêm hội lại được đưa ra trình bày và tiếp thu ý kiến chỉnh sửa. So với ban đầu, kịch bản đêm hội có nhiều thay đổi. Tuy nhiên điều này cũng không ảnh hưởng nhiều tới ý tưởng cũng như bố cục của chương trình nghệ thuật, theo như khẳng định của nhà văn Nguyễn Khắc Phục.
Nói về đứa con tinh thần đã được ấp ủ từ nhiều năm nay, tác giả Nguyễn Khắc Phục cho biết, ông luôn đau đáu một tình yêu với Hà Nội, vì thế mọi suy nghĩ, tâm huyết của ông đều dành cho tác phẩm. Ông kỳ vọng sẽ biến không gian đêm hội văn hóa nghệ thuật kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội thành đêm hội của cả dân tộc.
4 cửa chính vào SVĐ quốc gia Mỹ Đình, nơi chính thức diễn ra đêm hội sẽ được trang trí mang màu sắc đặc trưng của các vùng miền đất nước. Cửa phía Nam sẽ mang dáng dấp đặc trưng văn hóa miền Nam; cửa phía Bắc là không gian văn hóa vùng Tây Bắc; cửa phía Đông là biển, đảo quê hương và phía Tây là không gian của dãy Trường Sơn, Tây Nguyên. “Kịch bản chỉ nhằm mục đích làm người ta nghe và nhìn thấy bằng trực giác và cảm xúc”, nhà văn Nguyễn Khắc Phục bày tỏ.
Có cần “tổng đạo diễn”?
Theo những thông tin chúng tôi nắm được, đến thời điểm này, đại lễ chưa có tổng đạo diễn. Duy có đêm hội văn hóa nghệ thuật diễn ra vào tối 10-10, nhà văn Nguyễn Khắc Phục – tác giả kịch bản - vừa đề xuất ê kíp thực hiện là nhạc sĩ Trọng Đài, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn và đạo diễn, nhà báo Lại Văn Sâm.
Trong khi đó, với một chương trình đại lễ diễn ra nhiều ngày như thế luôn cần người “nhạc trưởng” am hiểu về văn hóa, lịch sử và giỏi về chuyên môn nghệ thuật để có thể chỉ huy các chương trình diễn ra một cách xuyên suốt, hấp dẫn.
NSND Doãn Hoàng Giang cho rằng, bất kỳ một chương trình, sự kiện văn hóa nào cũng cần một tổng chỉ huy, trong khi đây là đại lễ lại càng cần thiết phải có. Nếu không có tổng chỉ huy, các chương trình dễ rơi vào tình trạng lắp ghép, không liền mạch.
Cùng quan điểm với NSND Doãn Hoàng Giang, tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM nói: “Đại lễ là một sự kiện trọng đại của dân tộc, cho nên các chương trình văn hóa nghệ thuật phải có chung một tổng chỉ huy nghệ thuật. Nếu đến giờ mà đại lễ vẫn chưa có tổng chỉ huy thì thật đáng lo”. Theo tác giả Lê Duy Hạnh, nếu trong nước không tìm được một người đủ sức đảm nhận vai trò ấy thì có thể tìm đạo diễn nước ngoài.
Đỗ Hạnh – Thu Hà