Đó là tác phẩm của nghệ nhân Phạm Chí Thảo, từng là lính Trường Sơn từ năm 1963... Ngày đất nước thống nhất, ông ở lại cố đô Huế lấy nghề làm trống gia truyền 10 đời của dòng họ (ở xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) lập nghiệp, cùng giúp đỡ con em đồng đội thoát nghèo bằng nghề làm trống.
Đến phường Phú Thuận, thành phố Huế, hỏi thăm ông Thảo làm trống ai cũng biết. Người cựu chiến binh 72 tuổi này đã trải qua tuổi thanh xuân trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt tại chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa. 35 năm phát triển nghề làm trống gia truyền ở cố đô Huế, xưởng trống nhỏ bé mang tên Trường Sơn của nghệ nhân Phạm Chí Thảo ngày nào, nay đã có quy mô lớn bậc nhất cả nước. Hàng ngàn sản phẩm của xưởng được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, một số sản phẩm do chính tay nghệ nhân Phạm Chí Thảo chế tác được chọn làm nhạc cụ, góp phần tạo nên những cung bậc cho Nhã nhạc cung đình Huế. Đặc biệt, nghệ nhân Thảo còn trực tiếp chỉ đạo kíp thợ thực hiện chiếc trống đại với đường kính 2,3m, cao 3m để chuẩn bị phục vụ chương trình múa trống hội hoành tráng tại lễ hội 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Trống đại lễ hội Thăng Long không những lớn nhất Việt Nam về kích cỡ mà còn thể hiện nghệ thuật trang trí tinh xảo truyền tả huyền thoại về Rồng Vàng xuất hiện, bay lên từ chân thành Cổ Loa. Một địa danh bay bổng và đầy ý nghĩa: Thăng Long - Rồng bay khi nhà vua Lý Công Uẩn tự tay viết Chiếu dời đô, quyết định chọn đất thành Đại La làm kinh đô mới vào mùa thu tháng 7 Âm lịch năm Canh Tuất (1010).
Nghệ nhân Phạm Chí Thảo, tâm sự: “Được làm chiếc trống phục vụ đại lễ của dân tộc là niềm tự hào của dòng họ. Lúc đầu, chưa biết tìm đâu ra cây gỗ mít lớn 500 tuổi, da trâu có đường kính 2,5m. Hơn nữa, lịch sử gần mười đời làm nghề của gia đình, cái trống lớn nhất cũng chỉ có đường kính hơn 1m. Gần nửa năm trời loay hoay chưa biết làm thế nào thì tình cờ một người bạn cùng đơn vị năm xưa quê ở Quảng Bình mách nước, gần nhà có cây mít trên 600 năm tuổi...”. Gỗ làm thân trống đã có, ông lại cất công ra tận Đồ Sơn (Hải Phòng) - nơi thường tổ chức lễ hội trọi trâu, săn lùng mảnh da trâu khổ lớn về làm mặt trống.
Nghệ nhân Phạm Chí Thảo tiếp tục mời những nhà điêu khắc nổi tiếng, cố vấn việc chạm trổ, trang trí thành trống. Theo ý nghĩa Rồng Vàng xuất hiện, bay lên từ chân thành Cổ Loa được chạm nổi rồi ráp đồng thành hình con rồng vờn mây trên thành trống.
Thợ làm trống, phải học cách chọn lựa thân cây gỗ mít không sâu mọt, các thớ gỗ khi ghép lại phải mãi mãi khít như bưng. Muốn vậy, trước khi đưa gỗ vào khuôn trống phải phơi sấy thật khô, làm láng, chạm trổ, làm nguội, lên sơn... Nhưng khó nhất vẫn là công đoạn lấy tiếng. Đây vốn là bí quyết gia truyền nên không phải ngày một ngày hai thực hiện được.
Ở lại chiến trường xưa lập nghiệp một phần xuất phát từ ước mong truyền nghề làm trống cổ truyền, giúp con em đồng đội vươn lên thoát nghèo. Vì vậy, thời gian qua, nghệ nhân Thảo đã tiếp nhận hơn 20 học trò là con em thương bệnh binh, trong đó 5 học trò đã ra nghề và làm ăn khá giả. Mỗi lần nghe đài báo thông tin về những gia đình vùng bão lũ tại Thừa Thiên - Huế và các tỉnh thành miền Trung khó khăn, nguy cơ đói rét, ông Thảo lại huy động ba người con trai đã mở xưởng trống tại Quảng Trị, Đà Nẵng và Quảng Ngãi đóng góp tiền của, gửi chính quyền địa phương chia sẻ khó khăn với người dân.
VŨ VĂN THẮNG