Những dòng người từ khắp nơi đổ về Hà Nội, Quảng Bình, TPHCM trong những ngày này với những giọt mắt và cả những ký ức ùa về. Đại tướng ra đi trong lúc đất nước còn nhiều gian nan trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự mất mát này đã biến đau thương thành sức mạnh của cả dân tộc.
Cũng đã lâu lắm rồi tên Đại tướng “Võ Nguyên Giáp” và hai từ “Việt Nam” lại được các hãng thông tấn báo chí lớn trên thế giới nhắc nhiều đến thế.
Chúng ta lý giải tình cảm chân thực của mỗi người dân Việt và bạn bè quốc tế đối với Đại tướng bắt nguồn từ đâu? Từ cuộc sống chiến đấu của Tổng Tư lệnh suốt bao nhiên năm dài gian khổ và ác liệt theo Đảng và Bác Hồ, từ sự khâm phục tài đức của Tổng tư lệnh. Đúng như một câu đối viết rất hay về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Văn lo vận nước, văn thành võ/ Võ thấu lòng dân võ hóa văn”.
Chất nhân văn ở Tổng Tư lệnh vô cùng quan trọng. Bởi dân tộc ta là một dân tộc còn nghèo, đất nước luôn bị nạm ngoại xâm, cả nước đánh giặc: “Tướng sĩ một lòng phụ tử/ Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”, không có sự phân biệt tướng và quân. Cho nên Đại tướng “thấu hiểu lòng dân”, yêu thương chiến sĩ, cả đời vì nước, vì dân. Nhân dân đã thấu hiểu điều đó, Tổng Tư lệnh thấu hiểu những người lính của mình và nhân dân mình. Chủ nghĩa nhân văn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là sự tiếp nối và phát triển chủ nghĩa nhân văn truyền thống trên lĩnh vực quân sự của dân tộc ta nói chung và của Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi nói riêng. Chúng ta đánh giặc bằng văn hóa và thắng giặc bằng văn hóa.
Chuyện kể rằng trong trận đánh ác liệt ở chiến trường Điện Biên Phủ, Bộ đội ta nhặt được dù và quà sinh nhật của vợ Đại tướng Đờ Cátxtơri gửi cho chồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho tạm ngừng bắn, và mời quân của Đờ cátxtơri nhận quà sinh nhật.
Năm 1989, dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng lên thăm lại căn cứ địa cách mạng Cao Bằng, đến Hang Bắc Bó và cũng tại đây, tại lán Khuổi Nậm, Bác Hồ đã bàn với Đại tướng thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Xúc động biết bao khi cụ Nguyễn Thị Lành, 77 tuổi, cơ sở cách mạng, quê ở xã Đức Long, huyện Hòa An, ôm lấy tay Đại tướng: “Có còn nhớ không?”. “ Còn nhớ lắm! Tôi ăn cơm của người Tày, của vùng cao, tôi không thể nào quên được!” – Đại tướng trả lời.
Có thể nói rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn luôn quý trọng các nhà trí thức và văn nghệ sĩ trong và ngoài quân đội. Tổng Tư lệnh đã viết thư đề nghị cho nhạc sĩ Văn Cao đi chữa bệnh tại bệnh viện Quân đội, và khi người nhạc sĩ tài hoa qua đời Bác Giáp đã viết tỏ lòng thương tiếc Văn Cao, Đại tướng gọi nhạc sĩ Văn Cao là “tài hoa xuất chúng”.
Nhiều tướng lĩnh nói rằng “tính nhân văn” trong phong cách cầm quân của Đại tướng là một trong những nguyên nhân quan trọng hàng đầu khiến Đại tướng được toàn quân quý mến. Theo Thượng tướng Hoàng Minh Thảo: “Tổng Tư lệnh không bao giờ chấp nhận một chiến thắng phải trả giá bằng bất kỳ giá nào về xương máu chiến sĩ do những quyết định tùy tiện hoặc thiếu thận trọng gây ra. Không bao giờ, không bao giờ Tổng Tư lệnh chấp nhận như vậy. Tất cả xuất phát từ trái tim của Anh. Đó là cách đánh, cách tiến công nhân văn chủ nghĩa của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp...”
Trong dịp trở lại Điện Biên sau năm mươi năm, Đại Tướng không đến những nơi sang trọng mà dành thời gian và tình cảm để thăm hỏi đồng bào, gặp các cụ già, em bé và những người chia sẻ “sắn lùi, chăn sui”, đã che chở bảo vệ cán bộ, chiến sĩ từ Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam, Mường Phăng, qua những cuộc tiếp xúc ấy, ta càng thấy Đại tướng được nhân dân yêu mến biết nhường nào.
Có lần xe chở đoàn các em khuyết tật, khiếm thị, câm điếc, bại liệt, con em của các gia đình thương binh, liệt sĩ, các em bị di chứng chất độc da cam nhưng có năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh dừng trước cổng khu nhà riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng và phu nhân - nhà giáo Đặng Thị Bích Hà ra tiếp, lúc về Đại tướng ôm hôn và bắt tay các em. Trong đoàn có em Hoài Thương, một em gái khiếm thị, con của một cựu chiến binh ở xã Vũ Chính, ngoại ô thành phố Thái Bình, do di chứng của chất độc da cam cả bốn người con của ông đều không nhìn thấy ánh sáng. Khi đồng chí trưởng đoàn giới thiệu em Thương và nói về hoàn cảnh gia đình, em Hoài Thương ôm chặt Đại tướng khóc òa lên. Cả phu nhân và Đại tướng cùng rút khăn mùi xoa lau nước mắt, Đại tướng nói Trưởng đoàn đưa lại cuốn nhật ký của đoàn yêu cầu các ngành các cấp cần quan tâm giúp đỡ các em. Đại tướng nhắc phu nhân ghi lại địa chỉ của đoàn để gửi quà.
Những năm cuối đời, Đại tướng luôn luôn giành thời gian nghiên cứu tổng kết lịch sử quân sự, viết sách, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh. Và bao giờ Tổng Tư lệnh cũng luôn nhắc tới Bác Hồ với một lòng kính trọng sâu sắc nhất đối với Người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp mang đầy đủ tinh hoa về giá trị nhân văn sâu sắc của con người Việt Nam thủy chung với đồng đội bạn bè và nhân dân.
Thuộc bậc “khai quốc công thần”, tuổi đời bách niên, trường thọ và Đại tướng đã vượt lên mọi thăng trầm của thời cuộc để trở thành biểu tượng của nhân dân, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam.
Trung tá Phạm Xuân Trường (Tổng cục Chính trị)