
Chiều 16-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.
Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) quan tâm đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC).
Dự thảo sửa đổi quy định về xử phạt VPHC không lập biên bản theo hướng tăng giới hạn mức phạt tiền tối đa được thực hiện thủ tục xử phạt VPHC không lập biên bản (từ 250.000 đồng lên 1.000.000 đồng đối với cá nhân; từ 500.000 đồng lên 2.000.000 đồng đối với tổ chức) để góp phần đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi hơn cho cả đối tượng vi phạm và người có thẩm quyền xử phạt. Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội tán thành quy định này để giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính trong xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) cho rằng, nguyên tắc xử phạt là phải có biên bản, nếu không dễ gây tùy tiện, hoặc nếu có khiếu nại mà không biên bản thì giải quyết thế nào?
“Xử phạt phải có biên bản, chỉ rõ hành vi và người bị phạt được quyền khiếu nại, khiếu nại thì phải có biên bản làm căn cứ để cơ quan cấp trên xử lý việc xử phạt đó là đúng hay sai. Do đó cần cân nhắc tất cả các trường hợp đều phải lập biên bản để có căn cứ xử lý. Bên cạnh đó, mức phạt đối 1 triệu đồng với cá nhân là rất lớn với nhiều người dân. Do đó, cần phải hết sức cân nhắc về nội dung này”, ĐB Chính nêu.
ĐB Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) góp ý về đề xuất tăng mức phạt tiền, cần làm rõ cơ sở tăng. “Tăng mức phạt phải phụ thuộc vào mức thu nhập, sức mua, lạm phát, yêu cầu đấu tranh phòng chống hành vi vi phạm. Hành vi nào phải đấu tranh phòng chống cao thì mức phạt tiền phải cao hơn, còn hiện nay tăng mức phạt chưa chú trọng căn cứ vào lý do này. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần quan tâm mức phạt tiền là yêu cầu đấu tranh phòng, chống hành vi vi phạm”, ĐB Hà nêu.
Dự thảo cũng bổ sung việc gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính qua phương thức điện tử, tuy nhiên, ĐB Lê Đào An Xuân (Phú Yên) đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu quy định cụ thể việc áp dụng biên bản điện tử trong một số lĩnh vực để đơn giản thủ tục thực hiện cho người dân, tránh phải đi lại nhiều lần.

Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, luật hiện hành quy định Trưởng Công an cấp xã có thẩm quyền phạt tiền đến 3% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng nhưng không quá 2.500.000 đồng. ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng, thẩm quyền phạt tiền của Trưởng Công an xã như vậy còn thấp, trong khi mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước mà dự thảo luật lần này đưa ra cao hơn so với luật hiện hành (ví dụ mức phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội dự kiến tăng từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng; đối với lĩnh vực giao thông đường bộ tăng từ 75 triệu đồng lên 150 triệu đồng…).
Vì vậy, để bảo đảm việc giải quyết, xử lý các vụ vi phạm ngay từ cơ sở với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, ĐB Điểu Huỳnh Sang đề nghị, nghiên cứu, xem xét tăng thẩm quyền phạt tiền của chức danh Trưởng Công an cấp xã. Đồng thời, tăng thẩm quyền phạt tiền của chức danh Trưởng phòng Công an tỉnh phù hợp với sự điều chỉnh mức phạt tối đa trong các lĩnh vực xử phạt thuộc phạm vi quản lý của lực lượng công an.
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội, đáng chú ý nhiều đại biểu đề nghị các phiên chất vấn tại Quốc hội nên mời các chủ tịch tỉnh thành tham dự.