Chiều 16-5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông quý 1 và phương hướng nhiệm vụ quý 2-2025.
Hội nghị được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Tại điểm cầu TPHCM có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường; Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thành Lợi cùng lãnh đạo các sở ngành TPHCM.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, TPHCM tiếp tục triển khai các nhiệm vụ dựa trên các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.
Theo đồng chí Bùi Xuân Cường, về kết quả, trong quý 1-2025, tình hình ùn tắc và tai nạn giao thông TPHCM được kiểm soát tốt. Các chỉ tiêu về số vụ, số người chết, bị thương đều tiếp tục giảm sâu so với cùng kỳ các năm 2024.
Cụ thể, số vụ giảm 44%, số người chết giảm 19%, số người bị thương giảm 57%. Dù phương tiện giao thông tăng khoảng 3%, hiện thành phố có khoảng 95.000 phương tiện, chiếm khoảng 11,2% so toàn quốc, nhưng nhờ các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là xử lý "điểm đen", hiện chỉ còn một "điểm đen" duy nhất tại đường Vành đai 2, khu vực cảng Cát Lái, sẽ tiếp tục được xử lý dứt điểm trong thời gian tới để giảm thiểu tai nạn.

Về ùn tắc, thành phố đã xác định 23 điểm nguy cơ, trong đó có 5 điểm đã có chuyển biến tốt nhờ các giải pháp phi công trình và công trình như mở rộng tuyến đường, xây dựng nút giao thông tại các khu vực cảng, sân bay Tân Sơn Nhất, giúp giảm tải đáng kể. Tuy nhiên còn 9 điểm vẫn phức tạp, chưa có chuyển biến rõ rệt. Thành phố sẽ tiếp tục nỗ lực kiểm soát để không phát sinh điểm ùn tắc mới thông qua các giải pháp tổ chức giao thông, thi công công trình phù hợp.
Ngoài ra, công tác đầu tư hạ tầng cũng được chú trọng, đặc biệt ở các khu vực trọng điểm như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, Phú Hữu, với các nút giao thông kết hợp tổ chức giao thông từ 3-4 tầng nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc. Trong mùa mưa, thành phố còn tập trung các giải pháp chống ngập, xử lý các điểm thường xuyên ngập nước, đảm bảo lưu thông thông suốt.

Về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, lực lượng công an thành phố đã thực hiện nhiều chuyên đề về vi phạm tốc độ, nồng độ cồn, ma túy, quá tải, quá khổ, cân đối tải trọng xe, với kết quả xử lý hàng chục ngàn trường hợp, trong đó hơn 40.000 vi phạm về nồng độ cồn, giảm khoảng 14% so với cùng kỳ năm trước. Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuần tra, kiểm soát theo các chuyên đề này.
Trong lĩnh vực công nghệ, thành phố đã ứng dụng các giải pháp khoa học, công nghệ, chuyển đổi số như hệ thống camera, đèn tín hiệu, trí tuệ nhân tạo để điều hành giao thông hiệu quả hơn. Hệ thống bảng thông tin giao thông đã phủ sóng toàn thành phố với 73 bảng, các dự án nâng cấp hệ thống đèn tín hiệu và giám sát giao thông cũng đã và đang được triển khai. Hành khách có thể thanh toán không tiền mặt qua các thẻ ngân hàng, ví điện tử, giúp chuyển đổi số trong vận chuyển đô thị.
“Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình, kế hoạch đã đề ra, đồng thời triển khai các quy định mới về trật tự, an toàn giao thông theo Luật đường bộ, Nghị định 168, 165, nhằm đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất các giải pháp tổng thể như kiểm soát khí thải, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là khí thải xe hai bánh, nhằm giảm thiểu ô nhiễm và tai nạn giao thông”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho hay.

Trong lĩnh vực chống ngập nước, thành phố đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp đồng bộ để xử lý các điểm ngập trong mùa mưa, hạn chế gây ùn tắc và tai nạn. Đặc biệt, các dự án như thoát nước phía Tây, các công trình xử lý cây xanh gãy đổ đều đã được khởi công, chuẩn bị triển khai.
Về mô hình tổ chức Ban ATGT, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường đề xuất thí điểm thành lập các xã, phường an toàn giao thông, bắt đầu từ khoảng 10% số xã, phường hiện tại, sau đó mở rộng phù hợp với quá trình sắp xếp bộ máy hành chính. TPHCM cũng kiến nghị có hướng dẫn thống nhất từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia để các địa phương triển khai hiệu quả hơn, đảm bảo công tác phối hợp, theo dõi số liệu, chỉ đạo điều hành.
Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục giữ vững và nâng cao kết quả đã đạt được, đặc biệt là trong quý 2-2025, nhằm giảm thiểu ùn tắc và tai nạn, hướng tới mục tiêu đảm bảo trật tự, an toàn giao thông toàn diện.