Chung tay bảo vệ đàn voi nhà còn lại ở Việt Nam

Đại diện Tổ chức Động vật châu Á cho rằng, việc cải thiện điều kiện sống và giảm thiểu các hình thức sử dụng động vật không phù hợp là cần thiết để hướng đến sự phát triển du lịch bền vững.

Ngày 16-5, tại TP Buôn Ma Thuột, Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia Foundation – AAF), phối hợp với Trung tâm Bảo tồn voi, Cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng (ECC) cùng Trường Đại học Tây Nguyên, tổ chức tọa đàm với chủ đề “Phúc lợi động vật trong hoạt động giải trí – Câu chuyện voi nuôi nhốt”.

Sự kiện nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường trao đổi chuyên môn và thúc đẩy các giải pháp bền vững trong công tác bảo tồn voi, đồng thời góp phần cải thiện phúc lợi động vật hoang dã tại Việt Nam.

IMG_9022.JPG
Ông David Neale, Giám đốc toàn cầu về Tri giác và phúc lợi động vật – Tổ chức Động vật châu Á

Tại tọa đàm, ông David Neale, Giám đốc toàn cầu về Tri giác và phúc lợi động vật – Tổ chức Động vật châu Á cho biết, voi là một biểu tượng văn hóa - tự nhiên quan trọng. Voi đã đồng hành cùng con người trong nhiều thế kỷ. Câu chuyện về những cá thể voi bị nuôi nhốt phục vụ du lịch là một chủ đề nhức nhối, đặt ra câu hỏi về ranh giới giữa bảo tồn, kinh tế và đạo đức, đồng thời đề xuất những hướng đi tích cực hơn cho tương lai. Ông cho rằng, việc cải thiện điều kiện sống và giảm thiểu các hình thức sử dụng động vật không phù hợp là cần thiết để hướng đến sự phát triển du lịch bền vững.

IMG_9050.JPG
Ông Nguyễn Công Chung, Phó Giám đốc ECC cho biết hiện nay chỉ còn 35 voi nhà, giảm gần 500 cá thể voi so với thập niên 1980

Ông Nguyễn Công Chung, Phó Giám đốc ECC, cho biết, tính đến năm 2025, Đắk Lắk hiện có 35 cá thể voi nhà, giảm mạnh so với hơn 500 cá thể được ghi nhận vào đầu thập niên 1980. Để bảo tồn loài voi và cải thiện phúc lợi cho các cá thể voi nuôi nhốt, ông Chung cũng giới thiệu mô hình du lịch thân thiện với voi đang được triển khai tại tỉnh nhằm thay thế hình thức cưỡi voi và biểu diễn voi.

Tính đến hiện tại, 14 trên tổng số 35 cá thể voi nhà tại Đắk Lắk đã được chuyển sang mô hình du lịch thân thiện cùng voi và đã được cải thiện điều kiện sống, sức khoẻ tốt. Trong đó 11 cá thể đang tham gia mô hình du lịch không cưỡi voi tại Vườn quốc gia Yok Đôn và 3 cá thể được chăm sóc tại Trung tâm Bảo tồn voi.

voi3_EVFP.jpg
Những chú voi khỏe mạnh khi được chuyển đổi từ du lịch cưỡi voi sang du lịch thân thiện cùng voi

Ông Chung mong rằng: “Mỗi người dân là một đại sứ truyền thông, cùng nhau tuyên truyền nâng cao nhận thức nhằm hướng đến việc loại bỏ các hoạt động du lịch, giải trí tác động trực tiếp đến sức khỏe voi nhằm mang phúc lợi, bảo vệ số lượng voi còn lại ở nước ta”.

Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia) là tổ chức từ thiện quốc tế hoạt động trong lĩnh vực phúc lợi động vật tại châu Á từ năm 1998. Tại Việt Nam, AAF đặc biệt chú trọng đến công tác chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu lấy mật, nâng cao phúc lợi động vật, và thúc đẩy chuyển đổi mô hình du lịch thân thiện với voi tại Đắk Lắk.

Từ năm 2016 đến nay, tổ chức này đã hỗ trợ khoảng 350.000 USD phục vụ công tác bảo tồn voi tại tỉnh. Trong đó có 14 cá thể voi nhà tại Đắk Lắk tham gia mô hình và được cải thiện điều kiện sống.

Tin cùng chuyên mục