
Sự kiện này tập trung thu thập ý kiến đóng góp nhằm kiện toàn hệ thống pháp luật báo chí, đặc biệt là xây dựng dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) trước khi trình lên Chính phủ và Quốc hội xem xét thông qua.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Lê Hải Bình nhấn mạnh, việc hoàn thiện dự thảo Luật Báo chí lần này mang ý nghĩa then chốt trong việc kiến tạo một không gian pháp lý vững chắc, tạo động lực và cơ chế để báo chí phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh số hóa sâu rộng. Ông cũng lưu ý rằng quá trình sửa đổi luật cần vừa đảm bảo tính căn cơ, vừa đáp ứng kịp thời những đòi hỏi thực tiễn và đổi mới trong tư duy lập pháp.

Trong tham luận "Một số vấn đề đáng chú ý trong Luật Báo chí (sửa đổi)", Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc đã trình bày chi tiết về 4 chính sách lớn được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 22/9/2024, làm nền tảng cho việc xây dựng dự thảo luật sửa đổi. Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) tập trung vào 4 chính sách: tăng cường quản lý, nâng chất lượng đội ngũ, phát triển kinh tế báo chí, điều chỉnh hoạt động trên không gian mạng. Dự thảo đề cao quản lý minh bạch, phân định rõ thẩm quyền Trung ương, địa phương, với 30 nội dung giao Chính phủ và các cơ quan chức năng quy định chi tiết.
Nghị định Chính phủ sẽ hướng dẫn 25 vấn đề trọng tâm như: phát triển tổ hợp truyền thông, cấp phép, nguồn thu, hợp tác quốc tế, thẻ nhà báo, hoạt động trên môi trường mạng, xuất nhập khẩu báo chí...
Dự thảo lần đầu tiên đề xuất mô hình Tổ hợp báo chí truyền thông chủ lực đa phương tiện, cho phép các tổ hợp này có nhiều cơ quan trực thuộc, hoạt động theo cơ chế tài chính như doanh nghiệp và được phép thành lập hoặc góp vốn vào doanh nghiệp...

Tại hội thảo, TS Lê Hải, Ủy viên Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản, cho rằng việc hình thành các tổ hợp truyền thông theo mô hình tập đoàn nước ngoài là nhu cầu phát triển tất yếu của báo chí Việt Nam.
Ông dẫn kinh nghiệm Trung Quốc, báo chí là đơn vị sự nghiệp nhưng vận hành như doanh nghiệp như một gợi ý phù hợp trong quá trình chuyển đổi. Mô hình tổ hợp giúp chia sẻ nguồn lực, nâng cao năng lực sản xuất nội dung đa nền tảng, đồng thời mở ra hướng phát triển kinh tế báo chí thông qua dịch vụ truyền thông, sản xuất nội dung số, thương mại hóa báo chí.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam cũng cho rằng, hoạt động báo chí trên không gian mạng được dự thảo nêu rất rõ, song cần làm rõ thêm về mô hình kinh doanh của báo chí...
Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng cho rằng, Luật Báo chí (sửa đổi) cần tháo gỡ các vướng mắc về kinh tế báo chí, mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động và quyền tự chủ của cơ quan báo chí. Qua đó, "mở đường" cho báo chí Việt Nam phát triển chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã cho ý kiến đóng góp về các vấn đề như kinh tế báo chí, đơn vị chủ quản báo chí, cơ chế hoạt động cho báo chí…