Đãi vàng tìm ngọc

Cuộc thi là nơi tao ngộ sáng tạo. Với diễn viên, việc đoạt giải chỉ là bước đi, thành quả ban đầu, cần phải phấn đấu thật nhiều mới mong bùng cháy…

Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2014

Cuộc thi là nơi tao ngộ sáng tạo. Với diễn viên, việc đoạt giải chỉ là bước đi, thành quả ban đầu, cần phải phấn đấu thật nhiều mới mong bùng cháy…

Võ Hồng Thủy (Đoàn cải lương Tây Đô - Cần Thơ), người từng đoạt quán quân Giải triển vọng Trần Hữu Trang 2014 lại lấy tiếp huy chương vàng (HCV) của cuộc thi lần này với vai má Năm trong trích đoạn Hoa đất. Một bà má hơn 70 tuổi với bao giằng xé nội tâm đã được cô gái trẻ 28 tuổi lột tả khá thành công, tạo ấn tượng mạnh với người xem. Nghệ sĩ Hồng Nhung (Nhà hát cải lương Việt Nam) với vai Lý Chiêu Hoàng trong Mệnh đế vương thật hay, khắc họa rõ số phận người phụ nữ luôn gắn chặt với chìm nổi của thời cuộc.

Giám khảo cuộc thi gồm những gương mặt gạo cội trong nghề như PGS Tất Thắng, NSND Nguyễn Mạnh Tưởng, NSND Nguyễn Ngọc Bình, NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Giang Mạnh Hà. Hội đồng giám khảo chỉ chấm điểm tài năng diễn xuất của diễn viên thông qua vai diễn, không chấm trích đoạn. Diễn viên phải khắc họa rõ tình cảm, tâm lý, tính cách nhân vật, gây được ấn tượng sâu sắc và cảm xúc tốt đẹp cho người xem, bộc lộ rõ khả năng “thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần” của diễn viên kịch hát. Đặc biệt, khác với giải Trần Hữu Trang, các thí sinh chỉ một lần lên sân khấu, không qua vòng loại. Mỗi buổi thi đều diễn ra gay cấn, sôi nổi, hấp dẫn.

Đạo diễn Kiều Mỹ Dung (Đoàn cải lương Tây Đô), người từng dựng nhiều vở diễn đoạt giải sân khấu toàn quốc tâm sự: “Nhiều thí sinh tuy mới vào nghề, mới đoạt giải gần đây nhưng bộc lộ rất rõ tài năng trong cả ca lẫn diễn. Cuộc thi rất bổ ích, thực sự chọn lựa những tài năng trẻ, những làn gió mới cho hoạt động sân khấu. Đây không chỉ là dịp giúp các em nâng cao trình độ mà là dịp để các đạo diễn học hỏi lẫn nhau những ngón nghề, cách xử lý mảng miếng trên sân khấu. Đoàn nào cũng mong có người kế thừa nên sẽ tạo điều kiện hơn nữa cho những em đã khẳng định được mình”. Đạo diễn, trưởng đoàn Tiền Giang, ông Tấn Lộc cho biết đưa hai thí sinh trẻ tham gia lần này cũng nhằm mục tiêu xa hơn, chuẩn bị cho Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc sẽ diễn ra trong năm tới.

PGS Tất Thắng, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi, nhận xét: “Với cảm hứng thời đại và sức trẻ, các thí sinh đã có nhiều đổi mới trong cách ca cách diễn, mang đến cho nghệ thuật cải lương hơi thở mới, hiện đại. Những giá trị truyền thống trong cách ca, diễn, vũ đạo đã được nhiều em thể hiện rất tốt, đạt trình độ cao. Hy vọng một ngày không xa, những tài năng ấy sẽ trở thành trụ cột, đưa nghệ thuật này lên một bước tiến mới”. 7 HCV, 11 HCB cùng nhiều bằng khen hứa hẹn một lớp diễn viên trẻ, tài năng sẵn sàng kế tiếp những thế hệ đi trước.

“Vẫn còn một số hạt sạn cần được lưu ý, đó là âm hưởng bi thương sao vẫn bao trùm; vẫn còn độ chênh, chệch, phô trong lời ca; có đạo diễn vẫn chưa chắt lọc kịch bản, xử lý tình huống để nâng cao, tôn vinh rõ nét hơn tính cách nhân vật, tạo đất hơn cho người diễn”, PGS Tất Thắng phân tích. Ông Ngô Văn Hồng, Phó Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang tiếc rẻ: Là sân chơi lớn, hội tụ giới nghệ thuật cả nước, 3 năm mới có một lần nhưng do kinh phí eo hẹp quá nên chỉ gặp nhau trên sân khấu là chính, anh chị em diễn xong là lên xe về, ít được sinh hoạt nghề, giao lưu học hỏi. “Chỉ là bước đi ban đầu. Phải phấn đấu thật nhiều mới mong bùng cháy, nếu không, nó sẽ vụt tắt”, PGS Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn nhắn nhủ các tài năng trẻ vừa đoạt giải.

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục