Những năm qua, dân di cư tự do (DCTD) vào tỉnh Đắk Nông liên tục tăng, dẫn đến áp lực trong việc thực hiện các dự án ổn định dân DCTD.
Xâm canh đất lâm nghiệp
Đắk Nông nằm ở phía Nam Tây Nguyên, đất bazan màu mỡ, phù hợp cho việc canh tác nhiều loại cây trồng có giá trị cao như: tiêu, cà phê, cao su… Đây là thế mạnh của tỉnh, nhưng cũng là yếu tố thu hút dân DCTD từ nơi khác không ngừng đổ về. Dân DCTD chủ yếu đến từ các tỉnh phía Bắc và thường đến những nơi còn nhiều đất lâm nghiệp ở các huyện: Đắk G’long, Tuy Đức, Krông Nô, Cư Jút, Đắk Song…
Theo Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông, đồng bào các dân tộc di cư đến đây xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, nhưng phổ biến nhất là do cuộc sống quá khó khăn nên họ phải di cư đến những nơi thuận lợi hơn. Hình thức di cư những năm gần đây không ồ ạt như những năm trước, mà di chuyển từng nhóm nhỏ lẻ. Trước tiên, họ cho người vào thăm người thân, tá túc với người đến trước. Sau đó dựng nhà tạm, mua đất và đưa cả gia đình vào. Có nhiều hộ dân từ các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng… vào đây rồi tiếp tục di cư từ huyện này sang huyện khác. Vì thế, gây ra nhiều khó khăn về an ninh, trật tự xã hội, đặc biệt là công tác quản lý hộ khẩu, nhân khẩu.
Ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, cho biết: trên địa bàn tỉnh từ năm 1996 đến nay có khoảng 22.680 hộ dân DCTD (105.500 khẩu), nhưng hiện chỉ khoảng 11.740 hộ (54.940 khẩu) sắp xếp vào các dự án ổn định dân cư và các dự án khác của tỉnh. Còn lại khoảng 10.940 hộ (50.560 khẩu) vẫn chưa sắp xếp ổn định. Trong số này, có khoảng 10.280 hộ (48.190 khẩu) đã xâm canh trên khoảng 4.000ha đất lâm nghiệp. Mặc dù khó khăn, nhưng tỉnh vẫn cố gắng triển khai các dự án ổn định dân DCTD. Hiện có 14 dự án sắp xếp dân DCTD của tỉnh đã được phê duyệt, trong đó có 9 dự án đang triển khai và 5 dự án đang thiếu vốn. Với nguồn vốn được giao cho các UBND huyện, chủ dự án đã triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu trong vùng dự án như: 95km đường giao thông, 60 công trình thủy lợi, 49 phòng học, khai hoang 600ha đất sản xuất, 3 công trình nước sinh hoạt…
Vấn nạn khó giải quyết
Hiện nay, Đắk Nông vẫn đang còn nhiều gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong vấn đề ổn định dân DCTD. Theo ông Lê Diễn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, nhu cầu vốn cho các dự án ổn định dân DCTD rất lớn, nhưng hàng năm, trung ương chỉ phân bổ cho tỉnh khoảng 8 - 10 tỷ đồng. Do đó, thời gian thực hiện các dự án phải kéo dài, vì thế một số dự án đã hết hoặc sắp hết thời gian thực hiện nhưng vẫn chưa được bố trí vốn. Bên cạnh đó, tỉnh chưa cân đối được ngân sách nên không thể đối ứng được 30% nguồn vốn dự án ổn định dân DCTD như quy định của Chính phủ. Trong khi đó, địa phương có dân đi (các tỉnh phía Bắc - PV) lại thiếu sự phối hợp, hỗ trợ với nơi dân đến (tỉnh Đắk Nông - PV). Ông Lê Diễn trăn trở: Nếu dân DCTD cứ tiếp tục dồn về đây, thì tỉnh không thể nào sắp xếp, ổn định nổi cho cuộc sống cho bà con. Điều đó ngoài mong muốn của lãnh đạo địa phương.
Theo ông Đỗ Ngọc Duyên, công tác quản lý dân DCTD ở các huyện, thị nhiều khi không kịp thời, dẫn đến việc chỉ đạo giải quyết các vấn đề tại địa phương gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, hầu hết dân DCTD sinh sống tự phát, rải rác trên các khu đất sản xuất, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, xa trung tâm, thiếu cơ sở hạ tầng… Để ổn định dân DCTD, tỉnh cũng cần phải chuyển đổi khoảng 6.000ha đất lâm nghiệp (trong đó có 4.000ha đã bị người dân xâm canh, sản xuất) nhưng hiện chưa được Chính phủ phê duyệt.
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Đắk Nông vừa có văn bản đề nghị Chính phủ tiếp tục bố trí vốn cho những dự án ổn định dân DCTD đã phê duyệt, cho phép tỉnh chuyển đổi 6.000ha đất lâm nghiệp, chỉ đạo các tỉnh có dân đi hỗ trợ kinh phí và phối hợp với tỉnh Đắk Nông sắp xếp ổn định dân DCTD của địa phương.
CÔNG HOAN