Dân chài làm du lịch

Dân chài làm du lịch

Đến Hội An vào một ngày đầu năm 2011 và cùng với dân chài tham gia một tour du lịch đem đến cho tôi nhiều bất ngờ. Những dân chài năm nào vốn quen với việc đánh bắt tôm cá, tay chài tay lưới nay đã biết... nói tiếng Anh, biết làm du lịch để mưu sinh.

Nuôi chí làm tour “độc”

Ấn tượng nhất khi tôi đặt chân đến Hội An chính là câu chuyện về chàng trai trẻ Nguyễn Văn Khoa. Năm nay mới ngoài 30 tuổi nhưng đã là ông chủ của một tour du lịch ăn khách nhất phố cổ. Ý nghĩa hơn, cách làm du lịch của chàng trai trẻ này còn thu hút được cộng đồng cùng làm du lịch, cùng hưởng lợi và cùng nhau bảo vệ môi trường sống.

Cùng bơi thúng chai khám phá và làm sạch rừng dừa Bảy Mẫu.

Cùng bơi thúng chai khám phá và làm sạch rừng dừa Bảy Mẫu.

Cũng như bao đứa trẻ khác ở vùng sông nước Cẩm Thanh, Khoa lớn lên cùng gia đình và gắn bó với nghề chài lưới, làm quần quật quanh năm nhưng nghèo khó vẫn đeo bám. May mắn hơn nhiều bạn cùng trang lứa, Khoa được đến trường, được học chữ. Trong các môn học, Khoa đam mê nhất môn tiếng Anh. Vì thế, thời học phổ thông, sau giờ lên lớp Khoa lại lân la lên phố cổ Hội An, nơi tấp nập du khách quốc tế để “học lóm” tiếng Anh. Khi vốn ngoại ngữ kha khá, Khoa có thể tiếp cận và trò chuyện với người ngoại quốc. Sau nhiều lần tiếp xúc, các khách quốc tế đều có cảm nhận rất thích thú khi đến Hội An tham quan. Nhưng số đông cho rằng, từng đó sản phẩm du lịch vẫn chưa đủ, chưa phong phú, chưa thật sự thu hút để níu chân du khách dài ngày hơn.

Nghĩ đến cảnh quan đẹp ở cửa Đại, sông Thu Bồn và rừng dừa Bảy Mẫu nhưng ít du khách biết đến và chưa ai khai thác lợi thế, Khoa chợt nảy sinh ý tưởng đưa khách về đây tham quan. Để kiểm chứng, một chiều nọ, Khoa dẫn một số khách Tây về làng quê mình (xã Cẩm Thanh) cùng ngắm phong cảnh vùng quê và tập cho du khách làm ngư dân. Sau lần đó, mấy ông Tây thắc mắc vì sao một điểm du lịch hấp dẫn như vậy không tổ chức thành điểm du lịch, tăng thêm sự đa dạng cho du lịch phố cổ. Vậy là ý tưởng làm du lịch bắt đầu nhen nhóm trong Khoa. Khoa quyết theo Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng để biến ước mơ trở thành hiện thực.

Tốt nghiệp đại học năm 2003, Khoa về phụ việc tại khách sạn Victoria Hội An, một mặt để tự kiếm sống qua ngày nhưng vấn đề chính là tích lũy kinh nghiệm, thăm dò thị hiếu của khách du lịch… Đến giữa năm 2005, Khoa nhờ bố mẹ vay khoảng 100 triệu đồng mua thuyền, tổ chức tour du lịch theo kiểu “độc”, phong cách riêng. Và “Hội An Eco Tour” ra đời từ đó.

Cộng đồng làm du lịch

Tuy mới khai thác chừng 5 năm, nhưng Hội An Eco Tour đã thu hút được sự quan tâm của rất đông du khách, hầu hết là khách quốc tế. Lượng du khách không ngừng tăng nên khách đi tour đều phải đặt trước cả năm. Năm 2010, tour du lịch này phục vụ khoảng 5.000 lượt khách và sang năm 2011 đã có trên 8.000 lượt khách quốc tế đặt tour qua mạng.

Tàu chở theo 4 du khách rú ga rời cửa Đại và lướt êm ru trên mặt sông Thu Bồn lăn tăn gợn sóng. Hai bên triền sông, những làng chài với phong cảnh bình dị, êm đềm. Khoảng 20 phút sau tàu dừng lại, 4 du khách chuyển sang thuyền để cùng thưởng thức cảm giác được làm ngư dân trên dòng sông cửa Đại. Lần lượt các vị khách nhập vai ngư dân dưới sự hướng dẫn tận tình của hai vợ chồng lão ngư Lê Dần chỉ cho họ cách quăng chài, kéo lưới… và tự tay thu “chiến lợi phẩm” là những con cá dù chỉ bằng ngón tay cái nhưng tỏ ra rất thích thú.

Sau những trải nghiệm thú vị, tàu tiếp tục đưa du khách tiến sâu vào rừng dừa nước xanh ngút ngàn, rừng dừa Bảy Mẫu. Bất chợt từ trong rừng dừa, hàng chục chiếc thuyền thúng với những phụ nữ đậm chất ngư dân hiện ra, vừa chèo, họ vừa biểu diễn các kỹ thuật lắc thúng chai. Như hút hồn, các du khách không chần chừ xin lên thúng, tự tay chèo để khám phá rừng dừa Bảy Mẫu... Qua những giây phút trải nghiệm, khám phá, các du khách có dịp thưởng thức những món ăn miền biển tươi ngon do chính tay thuyền trưởng và các thuyền viên trên tàu tự chế biến. Đặc sản là những chú tôm, mực tươi rói hay những món ăn đậm chất dân dã như bánh xèo, bánh bèo… khiến không ít du khách trầm trồ khen ngợi. Vợ chồng du khách người Mỹ, ông Milo Tubbs và bà Joan Tubbs, sau chuyến du ngoạn nhập vai những ngư dân đã phấn khích thốt lên: Tuyệt quá! Một buổi chiều thật vui và đáng nhớ.

Tàu nhổ neo rời rừng dừa Bảy Mẫu, cùng lúc Khoa bước xuống mạn thuyền, rút trong túi 20.000 đồng dúi vào tay những phụ nữ là “cộng tác viên du lịch” đắc lực. Khoa bảo: “Người dân làng chài còn khổ lắm, như hai vợ chồng lão ngư Lê Dần, có khi cả ngày lao động không đủ tiền mua gạo; nay mỗi khi có khách du lịch, em gọi họ trợ giúp và trả công xứng đáng. Em mong sao mình ăn nên làm ra để chia sẻ với bà con”.

Tour du lịch khám phá, làm ngư dân trên rừng dừa Bảy Mẫu, xã Cẩm Thanh không chỉ giúp giới thiệu đến du khách quốc tế về một làng quê Việt thanh bình, trù phú mà còn giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động động trong địa phương, giúp họ có thu nhập ổn định.

VĂN NGỌC

Tin cùng chuyên mục