Xây kênh thoát nước ở Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế)

Dân khổ vì nước chảy ngược

THIÊN SƠN
Dân khổ vì nước chảy ngược

Người dân Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc ví von việc xây dựng kênh thoát nước từ Lăng Cô ra thôn Phú Hải 2, xã Lộc Vĩnh như trẻ con chơi trò xây lâu đài trên cát… để hàng trăm nông dân ở đây đang lâm vào tình cảnh khốn đốn.

Dân khổ vì nước chảy ngược ảnh 1

Công trình tiền tỷ, hiệu quả bằng… 0!

Năm 2005, Ban Quản lý Khu du lịch Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) đầu tư xây dựng kênh thoát nước mặt dài 3km, từ Lăng Cô đến thôn Phú Hải 2, xã Lộc Vĩnh, mục đích tránh ảnh hưởng xấu từ nguồn nước tự nhiên cho khu du lịch sinh thái Làng Xanh (dự án đang nằm trên giấy).

Theo thiết kế công trình, đơn vị thi công (Công ty Sửa chữa đường bộ 1 – Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên – Huế) sử dụng máy móc cơ giới xúc một vùng bình địa toàn cát sa huỳnh thành một con kênh sâu hơn 20m, lòng kênh rộng 3m.

Suốt 3km chiều dài lòng kênh và hai bên taluy, mỗi bên 4m được lát 18.000 bao chứa cát (loại bao xi măng). Nhưng chỉ một cơn mưa vào tháng 7-2005, phần lớn đất cát hai bên taluy đã sụt hẳn xuống lòng kênh, nước từ đây “thoát” ra ngoài làm ngập toàn bộ con đường du lịch Chân Mây – Lăng Cô. Một khối lượng lớn cát khổng lồ hai bên bờ kênh cũng theo mưa tràn ra ruộng lúa.. Trước diễn biến này, người dân Lộc Vĩnh đã “chặn” không cho đơn vị thi công tiếp tục đào bới vùng đất nằm dọc ruộng lúa của bà con nhưng chính quyền địa phương đã kịp thời can thiệp…

Vì sao có nghịch cảnh trên, ông Bùi Ngọc Ga – Bí thư Đảng ủy xã Lộc Vĩnh cho biết, thôn Phú Hải 2 có 52 hộ dân, sinh sống chủ yếu dựa vào 18ha đất nông nghiệp ở khu vực Đồng Trại và Cây Cách. Nhưng từ khi Ban Quản lý Khu du lịch Lăng Cô xây dựng kênh mương thoát nước mặt đến nay bà con đã phải bỏ mất 2 vụ lúa.

Nguyên nhân, con kênh đã chia cắt địa hình, về mùa mưa nước không thể thoát ra biển theo tự nhiên, dẫn đến 5ha diện tích trồng lúa của người dân bị ngập nước và bị cát (từ công trình) bồi lấp, không sản xuất được. Không riêng người dân Lộc Vĩnh, mà 7,7ha ruộng lúa của hơn trăm hộ dân ở Lăng Cô đã phải bỏ hoang 3 vụ nay.

Ông Lê Văn Tình – Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết: Chúng tôi đã kiến nghị với các cấp, ngành liên quan giải quyết theo 2 hướng: Hoặc thu hồi và đền bù số diện tích bị ngập nước và bị cát bồi lấp cho người dân. Hoặc sớm khắc phục “sự cố” nước chảy ngược để bà con có khả năng sản xuất trở lại. Tuy nhiên, theo ông Tình vấn đề khắc phục “sự cố” là không thể được.

Theo thiết kế, con kênh này chảy từ Bàu Lác (Lăng Cô) ra sông Đá Kẹt (Lộc Vĩnh) rồi đỗ ra biển Cảnh Dương. Nhưng trong thực tế nước không thể chảy như thế do phía Lăng Cô thấp hơn Lộc Vĩnh, tại Lộc Vĩnh lòng kênh lại cao hơn mặt ruộng.

Theo ông, trước đây nguồn nước tự nhiên tại các vùng đồng Bàu Lác, Cây Cách, Đồng Trại… chảy theo 2 hướng – về phía Lăng Cô nước chảy theo một con khe ra biển, phía Lộc Vĩnh, nước xuôi ra sông Đá Kẹp. Mỗi một khoảng cách ở đây là rất ngắn, chưa đầy 1km nên việc đầu tư xây dựng kênh thoát nước là hoàn toàn không cần thiết.

Được biết, công trình ban đầu chỉ đầu tư khoảng 300 triệu đồng nhưng về sau để xử lý cao trình (tiếp tục san ủi, nạo vét lòng kênh để khắc phục sự cố nước chảy ngược), Nhà nước đã phải bỏ ra hơn 1 tỷ đồng nữa. Tuy nhiên, càng vét, cát lại vùi lấp, hiệu quả của nó chẳng khác nào trẻ con chơi trò xây lâu đài trên cát…

THIÊN SƠN 

Tin cùng chuyên mục