Từ xa xưa, chuyện buôn gánh bán bưng ai cũng biết là việc tảo tần của phụ nữ. Những người mà cuộc đời như gắn liền với đôi quang gánh kẽo kẹt trên vai, sớm nắng chiều mưa đi về với những bước chân nhọc nhằn vất vả. Nhưng bây giờ, buôn gánh bán bưng đâu chỉ dành riêng cho phụ nữ. Trên vai của những người đàn ông cũng kẽo kẹt đôi quang gánh đầu chợ sớm, cuối chợ chiều, kể cả trên đường phố đông người qua.
Ngày nay, nhiều người đàn ông cũng chọn nghiệp buôn gánh bán bưng.
Sớm hôm nơi đầu chợ
Chợ Thạch Đà (đường Phạm Văn Chiêu phường 14 quận Gò Vấp TPHCM) như là chợ trung tâm của hệ thống chợ tự phát nơi này. Xung quanh, từ hai bên đường Phạm Văn Chiêu đến các con hẻm bên này, bên kia đường đều là chợ tự phát, liên kết lại thành một quần thể chợ, đông người bán nhiều người mua. Đặc biệt nơi đây còn có một chợ rau rất đông đúc. Chợ bán từ nửa đêm cho đến sáng, đến nay đã gần 20 năm. Cứ tầm 11, 12 giờ đêm là những chiếc Honda, phía sau đóng thùng, đóng kệ chở đầy rau đến đậu dọc hai bên đường Phạm Văn Chiêu góc ngã tư đường Lê Văn Thọ. Cảnh buôn bán nhộn nhịp diễn ra ngay trên lòng lề đường, trong một khung cảnh vô cùng náo loạn, giữa tiếng còi xe inh ỏi, tiếng người mua kẻ bán, cãi vã... Rồi không biết từ lúc nào, người ta gọi đây là chợ rau... đầu mối. Vì người bán chính rau của họ canh tác, hoặc nhận hàng ngay chủ nhà vườn, không qua trung gian, do vậy giá rau rất rẻ. Điều đặc biệt ở chợ rau này, người bán hầu hết là đàn ông. Có lẽ vì thồ một xe rau như vậy rất nặng nề, đối với phụ nữ là quá sức. Nhưng khi hiểu ra, đây không phải điều mấu chốt, mà vấn đề là những người đàn ông dầu dãi nắng mưa buôn cải bán rau ở chợ rau đầu mối này hầu hết là người nhập cư, quê ở các tỉnh miền Bắc, vào đây thuê ruộng rau ở Củ Chi, Hóc Môn, quận 12... tự trồng rau, trồng cải rồi thu hoạch mang đi bán.
Anh Trần Quang Lâm, tạm trú phường Thạnh Lộc quận 12, quê Thanh Hóa, vào đây thuê 2 sào đất trồng rau muống đã hơn 10 năm. Anh tự canh tác, tự thu hoạch mang đi bán, mỗi buổi chợ anh kiếm cũng hơn 200.000 đồng. Mới tờ mờ sáng, anh đã bán hết 50 bó rau muống, thư thả vào quán uống ly cà phê chuẩn bị về nhà. Anh nói chuyện với tôi trong nụ cười cởi mở: “Công việc không có gì nặng nhọc, nhưng hầu như làm liền tay cả ngày. Sáng về nhà là lo vào phân, khai nước, chiều đến lo cắt rau, bó thành từng bó, nửa đêm thức dậy chở đi bán”. Công sức sớm khuya nhọc nhằn đó anh được bù đắp xứng đáng. Anh hớn hở cho biết là mấy năm qua dành dụm đã mua được một nền nhà 40m2 ở xã Đông Thạnh huyện Hóc Môn, sẽ cất căn nhà nhỏ đủ che mưa nắng, kịp rước vợ con vào ở trước tết năm nay. Anh còn cho biết chuyện người đàn ông sớm hôm nơi đầu chợ là lẽ thường tình. Thời buổi này đã thay đổi rồi, chuyện chạy chợ đâu còn riêng của người phụ nữ.
Còn người đi chợ thì còn bán
- Khô đây, khô đây…
Tiếng rao khàn đục, cụt ngủn của người đàn ông bán khô chợt vang lên rồi tắt lịm giữa ồn ào của buổi chợ chiều, còn vương chút nắng vàng le lói. Không ai để ý, dù bước chân anh có mỏi, lưng áo ướt đẫm mồ hôi, gương mặt sạm đen nắng cháy khắc khổ đầy mệt nhọc. Tiếng rao của anh chẳng chút âm vang, nó khô khốc như gánh khô anh đang gánh kẽo kẹt trên vai.
Đi một đỗi gần cuối con hẻm trên đường Phạm Văn Chiêu phường 14 quận Gò Vấp, cũng là nơi hết buôn bán của chợ tự phát, anh đặt đôi quang gánh khô xuống trước một hiên nhà nghỉ mệt, vô tình đứng bên cạnh tôi. Anh dựa lưng vào tường lấy cái kết đội trên đầu làm quạt, phe phẩy cho đỡ nóng. Anh lặng lẽ nhìn cảnh chợ chiều bày bán ê hề đủ loại cá, nào là cá lóc, cá trê, cá kèo, cá rô, cá điêu hồng... rồi đến đủ loại cá biển, cá hấp. Anh lại nhìn đến gánh khô của mình, vẫn còn đầy ắp, chưa bán được bao nhiêu. Anh chạnh lòng nói nhỏ như để tự an ủi mình: “Hôm nay bán khô ế là cái chắc”. Tôi hỏi: “Thường thì anh bán đến mấy giờ mới nghỉ?”. Anh quay lại nhìn tôi, đôi mắt nheo nheo vì chói nắng, trả lời ỡm ờ: “Còn người đi chợ thì còn bán. Sáng 5 giờ đã gánh ra đi, hết buổi chợ sáng về nhà lo cơm nước. Chiều 3 giờ tiếp tục gánh khô bán chợ chiều”. “Sao anh không dùng Honda hoặc xe đạp thồ đi bán cho khỏe lại cơ động, muốn bán ở chợ nào cứ chạy thẳng tới, nhanh lẹ, khỏi gánh bộ cho mệt”. Nghe tôi hỏi, anh chậc lưỡi, giọng ngán ngẩm: “Ai mà không biết vậy, nhưng người đi chợ thích mua của những người bán bằng gánh. Họ ngồi xề xuống lựa thoải mái. Thói quen của mấy bà đi chợ chồm hổm là như vậy đó. Lúc đầu tôi dùng xe đạp đi bán, họ đứng lựa mua khô than phiền là mỏi chân quá, kêu tôi để xuống đất cho họ ngồi lựa dễ hơn. Lúc đó tôi bán ế lắm. Lâu dần tôi mới biết ý của họ, nên đổi sang đôi quang gánh. Ban đầu thấy cũng hơi... chướng. Đàn ông mà làm chuyện của đàn bà. Thây kệ, cuộc sống mà, mình buôn gánh bán bưng chớ có ăn cướp, ăn trộm của ai đâu mà mắc cỡ. Thấy tôi buôn bán kiểu này sống được, mấy ông ở cùng khu nhà trọ với tôi, tất thảy đều theo nghề buôn gánh bán bưng”. “Khi nãy tôi nghe anh than thở nói bán ế là cái chắc, điều gì khiến anh biết trước?”, tôi hỏi. Anh cười hóm hỉnh: “Theo tâm lý chung, khi nào không có cá thịt thì người ta mới mua khô. Hoặc lúc trời mưa dầm, ngại đi chợ mới đem khô ra ăn cơm. Còn trời quang mây tạnh, thịt cá bày bán ê hề, ai dại gì mua khô. Anh thử nhìn khắp cái chợ này coi, thịt cá đầy chợ thì làm sao khô không ế”.
Một người đàn ông bưng một thúng đậu phộng nấu và xấp vé số đi trờ tới, anh đặt thúng đậu phộng cạnh bên gánh khô, ngồi nghỉ mệt. Hai người đã quen biết vì thường bán chung một chợ. Anh bán đậu phộng lên tiếng than thở với anh bán khô: “Hôm nay ế quá, cả ngày chưa bán được nửa thúng đậu, còn vé số chưa ai mở hàng buổi chiều”. Anh bán khô cũng thở dài: “Tôi có hơn gì ông, gánh đi muốn rã giò rã cẳng, rao thì khan cả họng, mà có bán được gì đâu”. Anh bán đậu phộng nhăn nhó: “Khô hôm nay ế thì ngày mai bán tiếp, có hư hao gì đâu mà sợ, còn đậu phộng ế 2 ngày liên tục là kể như nó thiu nhớt còn bán cho ai được nữa. Bưng nặng, đi xa mà bán không được, đã mệt càng làm thêm mệt. đi không muốn nổi”. Anh bán khô giới thiệu “thành tích” của anh bán đậu phộng với tôi: “Ông này hy sinh vì con phải khâm phục luôn. Đứa con gái của ổng thi đậu Đại học Y khoa, hai cha con từ Đắk Nông xuống TPHCM mướn nhà trọ ở, ổng đi bán đậu phộng với vé số nuôi con làm bác sĩ”.
Nghe nói đến con mình sẽ là bác sĩ tương lai, nét mặt của anh bán đậu phộng ngời sáng đầy vẻ tự hào. anh nói: “Xuống đây ở cùng con gái cho yên tâm, dù có cực nhọc nhưng có cha có con hủ hỉ. Con gái mà, bỏ nó một thân một mình nơi xứ lạ, tui không yên lòng. Nhà chỉ có mình nó thôi, mồ côi mẹ từ khi 12 tuổi. Xuống đây đâu có vốn liếng bao nhiêu, thôi thì bán đậu phộng qua ngày. Chừng nào nó ra trường làm bác sĩ, lúc đó mình nhờ con”.
Đôi quang gánh giữa phố đông
Đàn ông buôn gánh bán bưng không chỉ quanh các khu chợ chồm hổm mà họ còn gánh hàng đi bán dạo trên khắp nẻo đường TP, kể cả những khu phố trung tâm. Họ bán nhiều thứ, bánh cam, bánh bò, khoai lang nấu, thậm chí có người bán bún riêu, canh bún. Đội nón lá, áo bà ba như một cô thôn nữ. Trước cổng Dinh Thống Nhất, tôi gặp nhiều ông gánh hàng đi bán dạo, chủ yếu là nước giải khát ướp lạnh, đặc biệt là dừa xiêm, là thứ được khách nước ngoài rất ưa chuộng. Nắm bắt được điều này, nên nhiều ông cứ loanh quanh những nơi khách nước ngoài thường xuyên lui tới tham quan để mời mọc, nài bán. Anh Phạm Hồng Quang, quê tận ngoài Hà Tĩnh, vào đây do có người cùng quê đã vào trước rủ rê, làm nghề buôn gánh bán bưng. Ngày ngày gánh 2 thùng dừa xiêm ướp lạnh, cứ dạo quanh khu vực Dinh Thống Nhất vậy mà cả ngày cũng kiếm hơn 200.000 đồng. Anh Quang tâm sự: “Bán nơi này, chủ yếu cho khách nước ngoài, còn người mình ít mua lắm, vì họ đâu có chịu bỏ ra hai ba chục ngàn đồng để mua trái dừa uống nước. Họ trả 10.000 - 15.000 đồng là cao. Còn mình bán cho khách nước ngoài thì vô chừng. Mỗi ngày chỉ bán chục trái là sống được rồi. Mà muốn bán được cho khách nước ngoài, trước tiên mình phải chịu khó học sinh ngữ. Ít ra cũng dăm ba câu chào hỏi, mời mọc”. Anh bỏ ngang câu chuyện đang nói với tôi, vội gánh 2 thùng dừa xiêm đi như chạy theo 2 người khách nước ngoài đi ngang, phía sau là 3 người cùng gánh dừa xiêm tất tả đi theo tranh giành mời mọc. Cuộc mưu sinh của những người đàn ông buôn gánh bán bưng cũng cạnh tranh quyết liệt.
Thấy một thanh niên ngồi cần mẫn chiên bánh tai yến với đôi quang gánh trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, tôi dừng lại mua cái bánh 5.000 đồng để làm quen. Vừa chiên bánh, anh vừa nói chuyện với tôi: “Khách qua đường dừng lại mua bánh, họ quen gọi tôi là anh “tai yến”, vì tôi chiên bánh tai yến. Sáng gánh ra đây chiên bánh bán, xế chiều gánh về. Chỉ đủ sống qua ngày thôi, nhưng biết làm nghề gì khác. Thôi hãy tạm sống với đôi quang gánh, còn hơn ăn không ngồi rồi, dễ sa vào thói hư tật xấu, khi ấy hối hận đã muộn.
Tôi trở về trong đêm khuya vắng, chạnh lòng khi gặp hình ảnh của một ông già ốm hom hem, với đôi quang gánh trên vai treo lủ khủ, nào là bánh tráng, nem chua, đậu phộng, trứng cút... Ông lặng lẽ gánh qua những bàn nhậu ngoài hè phố, mời khách bằng nụ cười và cái gật đầu thân thiện. Ai mua thì xề gánh xuống bán, rồi chậm chạp gánh đi bằng đôi chân mệt mỏi sau khi nói lời cảm ơn. Cái dáng liêu xiêu in bóng trên đường khuya thất thểu, không cần biết thời gian, chỉ cần biết số hàng trên gánh đã bán hết chưa và mong được nói nhiều lời cảm ơn với mọi người.
NGUYỄN TƯỜNG LỘC
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu