Đăng ký sử dụng lao động nước ngoài ở TPHCM: Khó thực hiện - vì sao?

Đăng ký sử dụng lao động nước ngoài ở TPHCM: Khó thực hiện - vì sao?

Trên 20.000 lao động nước ngoài (LĐNN) ước tính đang có mặt tại TPHCM, hiện chỉ có 12.222 LĐNN được cấp phép. Số còn lại đang ở đâu?

Xin chịu phạt!
 
Với yêu cầu sử dụng các lao động kỹ thuật trong chuyền may quần jean là người Hàn Quốc, Công ty TNHH Wax Jean Vina không thể không biết quy định phải đăng ký sử dụng LĐNN với cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, do quy định “phải có văn bằng đại học hoặc chứng nhận có 5 năm kinh nghiệm thì mới được cấp GPLĐ” nên công ty này “lờ” luôn khoản đăng ký. Bị phạt 5 triệu đồng và bị buộc phải xin GPLĐ cho các LĐNN, công ty chỉ đáp ứng được chuyện đóng phạt bằng tiền.

Thanh tra Sở LĐTB-XH TPHCM nhận định: “Tình hình tương tự cũng xảy ra tại rất nhiều doanh nghiệp lớn như Pouyuen, Huê Phong… Hầu như chúng tôi kiểm tra là thấy có vi phạm. 6 tháng đầu năm 2009, chúng tôi đã thanh tra 171 doanh nghiệp và phạt 75 triệu đồng”.

Tại Công ty TNHH Astro Sài Gòn, cũng qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện công ty này không đăng ký việc sử dụng LĐNN và không đo kiểm môi trường. Xử phạt 10 triệu đồng ở 2 hành vi trên, một thanh tra viên Sở LĐTB-XH nói: “Cũng đã nhắc nhở mấy lần, chúng tôi mới xử phạt. Họ biết luật lao động nhưng họ “chịu phạt” chứ không đủ điều kiện đăng ký”.

Còn tại Công ty Chung Va VN (KCX Linh Trung) và Công ty Shinih Enter Prise Co.LTD (KCN Tây Bắc Củ Chi), cơ quan chức năng ngoài phát hiện việc sử dụng LĐNN không đăng ký thì 2 công ty trên còn không xây dựng nội quy lao động, không báo cáo định kỳ tai nạn lao động và sử dụng lao động làm thêm giờ, kéo dài thời gian thử việc của lao động…
 
Quy định gây khó

Do “đầu vào” của LĐNN có thể là “khách du lịch”, “thăm thân nhân”, “kinh doanh” và do các cơ quan công an, ngoại giao cấp visa nên ngành LĐTB-XH nói chung chưa thể nắm được tổng số khách đến, lại càng không thể biết rằng trong số những vị khách nêu trên, ai ở lại lao động, lao động cho doanh nghiệp nào!

Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Thành Tâm nói: “Kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, nhiều LĐNN kỹ thuật cao đã tham gia vào thị trường lao động nước ta trên nhiều lĩnh vực. Song bên cạnh đó cũng có nhiều người có trình độ thấp, không có trình độ vào kiếm việc làm. Để thuê được lao động giá rẻ, nhiều doanh nghiệp chấp nhận không khai báo, không đăng ký và sẵn sàng nộp phạt vì chế tài về kinh tế chưa cao. Ví dụ như tại điểm B, khoản 1, Điều 16, Nghị định 113 quy định “Người sử dụng lao động sử dụng LĐNN không có giấy phép bị phạt tiền 5 triệu đồng” là quá thấp!”.

Một doanh nghiệp nước ngoài đặt vấn đề: “Tôi muốn lập cơ sở y tế tư nhân. Theo yêu cầu của Sở KH-ĐT thì phải có giấy phép hành nghề. Mà muốn có giấy phép hành nghề thì Sở Y tế yêu cầu phải có GPLĐ do Sở LĐTB-XH cấp. Nhưng Sở LĐTB-XH chỉ có thể cấp GPLĐ trong trường hợp tôi được tuyển dụng. Và người tuyển dụng tôi phải đứng ra xin GPLĐ cho tôi”.

Theo ông Lê Thành Tâm, các quy định chồng chéo thật sự gây khó khăn cho LĐNN khi hành nghề hợp pháp tại Việt Nam.

Có phải đã “bó tay”?

Đăng ký sử dụng lao động nước ngoài ở TPHCM: Khó thực hiện - vì sao? ảnh 1
Người ngoại quốc gốc Phi trên một đường phố tại TPHCM. Ảnh: Đức Trí

Hiện tại ở TPHCM có tổng cộng khoảng 12.222 LĐNN đang làm việc, theo con số thống kê của Sở LĐTB-XH thông qua việc các doanh nghiệp tự giác đăng ký, khai trình.

So với con số ước lượng 20.000 LĐNN đang có mặt ở TPHCM, vẫn còn 8.000 LĐNN chưa đăng ký và “lẩn khuất” đâu đó trong các doanh nghiệp.

Vấn đề này lại không chỉ là trách nhiệm của Sở LĐTB-XH nữa mà còn là trách nhiệm chung của công an, LĐLĐ, KH-ĐT, các quận huyện… Ai cũng thấy “một rừng” lao động gốc Phi đang lang thang ở quận 1, quận Tân Phú; ai cũng nhận ra hàng trăm lao động các nước châu Á đang đào đường, lắp đặt cống ngầm, thi công hạ tầng… nhưng không thể đủ lực lượng để kiểm tra tất cả cũng như không đủ chế tài để xử phạt người sử dụng LĐNN bất hợp pháp.

Và con số LĐNN được cấp GPLĐ khiến ai cũng có cảm giác “bó tay” là: có 1 người Marocco, 1 người Kenya, 1 người Ghana, 1 người Tanzania, 3 người Cameroon, 15 người Nigeria… Không quản lý được số này, xã hội sẽ phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực hơn.

Biết rằng qua thanh tra, kiểm tra sẽ phát giác ra những trường hợp nêu trên, nhưng từ “sẽ phát giác” cho đến “phát giác và xử phạt” có lẽ là rất khó nếu chỉ dồn trách nhiệm vào ngành LĐTB-XH.

Ông Lê Thành Tâm kiến nghị: “Bộ LĐTB-XH tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định 113/2004/NĐ-CP theo hướng nâng mức chế tài kinh tế; Bộ Công an tham mưu Chính phủ ban hành quy định người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc phải xuất trình GPLĐ khi qua cửa khẩu Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TPHCM, Cục Quản lý xuất nhập cảnh không gia hạn visa với LĐNN vi phạm, xử lý mạnh các trường hợp cư trú không đúng mục đích nhập cảnh, không đăng ký tạm trú tạm vắng…”.

MINH ANH 

Tin cùng chuyên mục