Dâng lễ trạo ca tạ cá ông

Lăng ông Nam Hải - Đá Bạc, thuộc phường Cam Linh - Cam Ranh - Khánh Hòa, là nơi thờ nhiều cá ông nhất tại TP Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa. Trong lăng có thờ 11 cá ông, cá cô, tất cả đều do ngư dân các nơi quy tụ về cảng Đá Bạc. Sau một năm cấp táng, người dân trong vùng với đầy đủ nghi lễ sẽ rước cá vào lăng để nhang khói phụng thờ.
Dâng lễ trạo ca tạ cá ông

Lăng ông Nam Hải - Đá Bạc, thuộc phường Cam Linh - Cam Ranh - Khánh Hòa, là nơi thờ nhiều cá ông nhất tại TP Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa. Trong lăng có thờ 11 cá ông, cá cô, tất cả đều do ngư dân các nơi quy tụ về cảng Đá Bạc. Sau một năm cấp táng, người dân trong vùng với đầy đủ nghi lễ sẽ rước cá vào lăng để nhang khói phụng thờ.

        Nghi lễ thiêng liêng

Trong lăng thờ 11 ông, tủ trong có 9 ông, tủ ngoài có 2 ông ngự, nhiều người gọi đây là “nghĩa địa cá ông” lớn nhất Cam Ranh - Khánh Hòa. “Người đời đồn đại có 20 cá ông trong lăng nhưng thực ra chỉ có 11 ông mà thôi, nhưng đây là nơi cá ông yên nghỉ nhiều nhất, một số lăng khác như lăng Ba Ngòi, lăng số 3, số 9, chỉ có 1 - 2 ông, thậm chí không có ông nào cả”, ông Huỳnh Bợm, 76 tuổi, người giữ từ tại đây đã 12 năm qua cho biết. Có hai tủ kính lớn để đựng cốt cá voi, với tất cả 12 ngăn. Lúc đầu chỉ có một tủ kính, nhưng vì các ông, các cô, về nhiều quá nên phải làm thêm một tủ nữa. Không giống với nhiều nơi khác ở khu vực duyên hải miền Trung, lăng Nam Hải - Đá Bạc, ngoài cá ông (cá voi đực) còn có cả cá cô tức cá voi cái.

Ông Huỳnh Bợm thắp hương, quét dọn lăng ông mỗi ngày.

Ông Huỳnh Bợm thắp hương, quét dọn lăng ông mỗi ngày.

Nghi lễ nghênh ông không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ, mà phải mở trống giong cờ, hành lễ trong nhiều ngày. “Không chỉ tôi, tất cả ngư dân ở đây coi cá ông là anh hùng trên biển cả. Nên khi các ông, cô về thì phải trống cờ rước đón, nghênh về. Sau 1 năm cấp táng mới đưa vào lăng thờ phụng”, ông Huỳnh Bợm nói về việc nghênh rước ông, cô. Lăng Nam Hải - Đá Bạc dài hơn 100m, rộng khoảng 50m. Thông thường, cứ 2 năm sẽ hát cúng kính một lần, lễ cúng có 2 heo béo, khách quan họ đi đám phải có ăn mặc và nghi lễ lịch sự, thời gian cúng có thể kéo dài đến 4 - 5 ngày.

Lễ cấp táng diễn ra hết sức trang trọng, khi ngư dân mang ông, cô từ biển về, khoảng 20 cụ cao niên sẽ mặc áo dài, khăn đóng, gióng trống phất cờ, rước ông, cô vào chính điện. Nghi lễ cấp táng hiểu đơn giản chính là chôn cất để đợi rã cốt mới đem vào lăng. Việc khâm liệm, cần phải dùng rượu gạo nấu lần đầu, để làm vệ sinh bên ngoài cho ông, cô. Việc tiếp theo là quấn xác cá bằng lụa đỏ loại tốt nhất và “vàng bạc” cho ngài dùng. Hoàn chỉnh mọi thủ tục mới được phép tiến hành cấp táng ở phần đất trước lăng. Bên dưới mộ cấp táng có lót một tấm cót dày, bên trên cũng vậy. Vua Gia Long khi lên ngôi đã ban sắc phong cá voi là “Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Thượng Đẳng Thần”, vì vậy, từ việc cấp táng đến khi đưa vào lăng để thờ tự đều phải nhất mực tuân thủ những nghi lễ có từ hàng trăm năm nay của miền duyên hải.

Tục xưa, người nào được ngài về cũng là chủ tang, phải đeo tang ngài một năm. Dựa theo lưới cản, ngư dân sẽ biết được lưới của mình đã được cá ông hay không, vì sức mạnh của cá ông lớn hơn bất kỳ loài cá nào mà họ vẫn thường gặp. Khi mang ông lên thuyền, ngư dân phải thắp hương và cầu khấn những vị thần của biển cả nếu chẳng may cá ông qua đời trên thuyền. Nếu thương tích bình thường và có thể tự hồi phục được, họ sẽ thả cá trở về với biển khơi. Ngư dân quan niệm cá ông cũng như người, có sinh mạng, có luân hồi, ai giúp cá ông về trời thì phải có trách nhiệm. Vì quan niệm ấy nên ai được ông về thì phải đeo tang, thờ cúng ông như có người bề trên.

Ông Huỳnh Bợm là người duy nhất trong vùng được cá ông cứu mạng và cũng là người chủ trì mọi nghi lễ của lăng. Ông đã sống ở Khánh Hòa từ năm 1960. “Khi gặp nạn trên biển, tôi vái ông, cô phù hộ và được ông, cô hất lên trên bờ, tôi đi biển năm đó 16 tuổi”, ông Bợm nhớ lại thời gian mình được cá ông cứu sống. Là người có nhiều năm kinh nghiệm an táng và thờ phụng cá voi, ông thổ lộ: “Tôi là người sắp xếp hài cốt của ông theo vị trí đã định của tạo hóa. Khi ông nằm ở chính điện kể cả khi máu đổ đầy nền, cũng không có ruồi muỗi gì đậu bám”.

        Nguyện cầu biển lặng, sóng yên

Đá Bạc buổi sớm bình yên, những cánh chim hải âu bay lượn như vui mừng cho một ngày ra khơi nắng hồng, tôi cùng ông Huỳnh Bợm vào thắp hương, quét dọn lăng cá ông, cách cảng chỉ khoảng vài trăm mét. Ngày nào cũng vậy, ông Huỳnh Bợm đều vào lăng buổi sáng và buổi chiều. Suốt 15 năm qua, không chỉ riêng mình ông mà rất nhiều người thân trong gia đình các ngư dân vẫn ngày ngày thắp hương, cầu nguyện bình an cho những phận người đang mưu sinh trên biển cả.

Lăng ông Nam Hải - Đá Bạc vào 25-6 âm lịch, cách nhau hai năm sẽ tiến hành nghi lễ giỗ cá ông. Lời hát luôn luôn có đoạn: Trên hương án bình quang miếu mạo/ Dưới lòng thành dâng lễ trạo ca (bá trạo, chèo hầu) hoặc Đã ra người đấng chí nhân/ Phò quy trợ nhược, cứu dân trên đời/ Đâu đâu cũng đội ơn oai/ Phò quy trợ nhược anh tài xưa nay. Những câu ca đó nói lên lòng thành và công lao của cá ông. Tất cả những nghi lễ trong nội lăng diễn ra nghiêm túc, hoàn toàn theo nghi lễ truyền thống, không có sự can thiệp của âm nhạc hiện đại.

Ngày nay, ngư dân đã sử dụng tàu có động cơ công suất lớn nhưng dù động cơ mạnh cỡ nào cũng không bằng cá ông vươn mình. Từ xa xưa, không chỉ cá heo, mà cá voi đã vươn mình theo tàu thuyền của ngư dân mỗi khi rời bến. Theo lời nhiều người dân sinh sống ở cảng Đá Bạc: “Mỗi khi thuyền bè gặp nạn hoặc trục trặc động cơ, đừng nên quá lo lắng hãy bình tĩnh xử lý kỹ thuật hoặc gọi tàu bạn cứu giúp, tuy nhiên cũng đừng quên khấn vái cá ông, vì đó là vị thần của biển - thần Nam Hải”.

Ngư dân luôn cảm thấy cô độc trước biển khơi, khi ấy chính cá ông đã giúp họ cảm thấy an tâm hơn. Ông Nguyễn Văn Miên, 80 tuổi, ngư dân trong vùng, tâm sự: “Biển cả đáng sợ lắm. Hầu hết các loài cá đều di chuyển dưới mặt nước, chỉ có bộ cá voi là nổi lên trên mặt nước và phun nước lên cao mà thôi, chính điều đó đã phá tan sự bình yên đầy sợ hãi của biển khơi, tăng thêm niềm tin cho ngư dân”. Do đó, dù thời đại đã đổi thay, nhưng nghi lễ thờ cúng cá ông vẫn được duy trì đều đặn. Thêm nữa, việc cá ông đã cứu rất nhiều người khi họ gặp nạn trên biển đã làm con cháu đời sau của họ nhớ ơn và tạ ơn.

Cảng Đá Bạc thuộc vịnh Cam Ranh - Khánh Hòa là nơi hàng ngàn tàu bè ra khơi mỗi mùa đi biển, cũng là nút giao thông đường thủy quan trọng nối hơn 1.000 hộ dân sinh sống trên đảo Bình Ba với đất liền. Khi thời tiết bất ngờ xấu đi, thuyền vượt biển ra đảo Bình Ba không được xuất bến để đảm bảo an toàn cho người dân. Khi đó, lăng ông Nam Hải - Đá Bạc chính là nơi trú tạm cho những ai lỡ đường, ngại mưa gió. Mỗi khi có tàu bè gặp nạn trên biển, người thân trong gia đình họ cũng đến ở tạm trong lăng cá ông ở Đá Bạc để chờ tin người thân.

ĐỨC THỌ

Tin cùng chuyên mục