Đằng sau cuộc tấn công

Tờ Le Figaro cho rằng với việc phát động cuộc tấn công vào khu vực Đông Bắc Syria, một lần nữa, Thổ Nhĩ Kỳ lại dùng quân sự để phục vụ cho những lợi ích chính trị.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan

 Khi mở cuộc tấn công, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tìm cách phá vỡ liên minh đối lập được hình thành trong kỳ bầu cử địa phương vừa qua và đánh bóng lại hình ảnh của mình vào lúc có sự chia rẽ trong nội bộ đảng Công lý và Phát triển (AKP) của ông. Hầu hết các đảng chính trị đều ủng hộ mục tiêu kép của ông Erdogan. Thứ nhất, ngăn cản người Kurd ở Syria củng cố quyền tự trị và hợp nhất với người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ để phôi thai một nhà nước Kurd. Thứ hai là thiết lập một vùng an toàn dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, cho phép tái định cư khoảng 3,5 triệu người tị nạn Syria.

Ngoài mục đích chính trị của ông Erdogan, chiến dịch quân sự này của Thổ Nhĩ Kỳ cũng là dịp để thử lửa mức độ bền vững quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Lịch sử lâu đời cho thấy quan hệ giữa Moscow và Ankara hiếm khi nồng ấm. Gần đây nhất, năm 2015, đối đầu Moscow - Ankara tưởng chừng nổ ra sau vụ 1 tiêm kích Nga bị 2 chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ. Nhưng bất ngờ, quan hệ 2 nước bỗng nhiên được hâm nóng, bắt nguồn từ nhiều lý do như ảnh hưởng của phương Tây suy giảm, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và Liên minh châu Âu cũng lạnh nhạt dần... 

Kể từ năm 2016, quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ gắn kết chặt chẽ hơn trên nhiều phương diện từ ngoại giao, kinh tế đến an ninh, trong đó có hợp đồng mua tên lửa S-400 của Nga gây bất hòa với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một thành viên. Khi bắt tay với Nga, ông Erdogan muốn lật lại bàn cờ địa chính trị, muốn biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một cường quốc toàn cầu chứ không chỉ là một tác nhân trong khu vực. Còn về phía Nga, theo nhà địa chính trị học Jean-Sylvestre Mongrenier của Viện Thomas More, việc tách Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi quỹ đạo của Mỹ là có lợi. Chính sách ngoại giao S-400 cho phép Nga làm cho NATO thêm chia rẽ và suy yếu. 

Dù vậy, quan hệ Moscow - Ankara không hẳn là “tròn trịa” và có thể nói đây  là kiểu quan hệ đôi bên cần nhau. Giữa 2 nước vẫn có những điểm bất đồng như hồ sơ Crimea, Syria và nhất là số phận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ còn đối đầu nhau tại vùng Balkan và Caucasus. Vì thế, một số ý kiến cho rằng không nên đánh giá quá cao sự xích lại giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara sẽ không từ bỏ những nền tảng cơ bản của mình, không thể quay lưng với Mỹ và châu Âu vì lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ gắn liền với phương Tây.

Nga là quốc gia duy nhất hiện nay có thể nói chuyện với nhiều nước khác trong khu vực và có thể đóng vai trò trung gian giữa Ankara và Damascus cũng như giữa người Kurd và ông Bashar al-Assad. Đề xuất thương lượng của Nga đã được người Kurd hoan nghênh và chấp nhận Nga như là nhà trung gian. Những diễn biến ở Syria sẽ giúp đánh giá mối quan hệ giữa Nga - Thổ Nhĩ Kỳ và thời gian sẽ kiểm chứng. Nhưng có một điều có thể khẳng định ngay lúc này  là hòa bình đối với người dân Syria còn rất xa vời sau cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tin cùng chuyên mục