Đằng sau những màn cuồng thần tượng

Báo SGGP ngày 31-3 có bài “Cuồng thần tượng”, đề cập hành vi mê muội của một số bạn trẻ khi chào đón các nghệ sĩ nước ngoài mà mình hâm mộ. Hầu hết mọi người đều không đồng tình với cách thể hiện tình cảm thái quá với thần tượng như khóc lóc, gào thét... của một số bạn trẻ. Thực hư thế nào thì bản thân các bạn đó rõ nhất, nhưng tôi biết đằng sau đó là một sự thật khác.

Bản thân tôi, thời sinh viên tôi cũng đã từng làm bán thời gian cho một công ty chuyên tổ chức sự kiện tại quận Tân Bình (TPHCM). Công việc của tôi cùng hàng chục bạn sinh viên khác mang tên “Người hâm mộ”. Chúng tôi sẽ là những fan cuồng của các ca sĩ trong đêm diễn của họ. Chúng tôi được hướng dẫn cách làm nóng khán đài để bày tỏ tình cảm với ca sĩ đang hát trên sân khấu, như đồng thanh gọi tên ca sĩ, vỗ tay thật lớn, hát theo hay khóc vì cảm động, cùng với đạo cụ như hoa, gấu bông, quà để chạy lên sân khấu tặng. Ca sĩ nào thuê công ty này với mức tiền càng lớn thì chúng tôi càng phải cổ vũ cuồng nhiệt. Cứ vậy, mỗi khi có ca sĩ nào đó cần “làm màu” thì chúng tôi lại được công ty gọi đi vào vai fan cuồng.

Màn diễn để đón ca sĩ nước ngoài ở sân bay và trong buổi biểu diễn càng được đầu tư kỹ hơn. Không phải tự nhiên hàng chục bạn trẻ mặc đồng phục, băng rôn in hình và tên thần tượng, cầm hình ảnh thần tượng để chào đón khi họ vừa đặt chân đến Việt Nam. Tất cả màn diễn và những đạo cụ đó chúng tôi được công ty trang bị. Đối với thần tượng là nước ngoài, sự nhiệt thành của chúng tôi phải cao hơn, cách thể hiện phải táo bạo hơn, vì… thù lao cũng hậu hĩnh hơn. Công ty cũng phân công những tay máy ảnh đi theo từng nhóm để săn ảnh khi chúng tôi thể hiện tình cảm với thần tượng, nếu ai đó thể hiện càng cuồng và tạo khác biệt thì còn được thưởng thêm.

Đến nay, nhiều công ty tổ chức sự kiện vẫn duy trì cách thuê các bạn trẻ vào vai người hâm mộ cuồng nhiệt và ngày càng đòi hỏi sự táo bạo trong cách thể hiện tình cảm. Vì vậy, chuyện các bạn trẻ khóc nức nở khi không được nhìn mặt thần tượng ngoài sân bay, hay cúi xuống hôn vết giày của thần tượng, hôn mặt ghế mà thần tượng vừa ngồi, hoặc khóc vật vã khi thấy thần tượng biểu diễn trên sân khấu… không có gì lạ. Cổ vũ bằng những cách phản cảm đến vậy thì chỉ khiến mọi người thấy dị ứng!.

THU HỒNG
(quận Bình Thạnh, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục