Sự kiện chuyên gia IT Joe Stack lái chiếc máy bay cá nhân lao thẳng vào tòa nhà cơ quan thuế bang Texas ở thủ phủ Austin, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo làn sóng bất bình của người lao động Mỹ đối với chính sách dùng tiền thuế cứu trợ các ngân hàng làm ăn thua lỗ và giúp những nhà lãnh đạo các tập đoàn tài chính này tiếp tục bỏ túi hàng triệu đô la.
Hãng tin AP viết “Stack cho rằng chính phủ liên bang đã cướp tiền tiết kiệm của ông, hủy hoại sự nghiệp của ông trong khi cho phép những nhà điều hành các tập đoàn tư bản tham nhũng hạ cánh an toàn với hàng triệu đô la”.
Với cuộc tấn công liều chết nhằm vào cơ quan thuế, làn sóng giận dữ với sự bất công đã lên đến đỉnh điểm. Cuối năm 2008, khi Chính phủ Mỹ lúc bấy giờ dưới quyền của Tổng thống Bush đã quyết định chi 700 tỷ đô la cứu trợ các thể chế tài chính và các tập đoàn tư bản phá sản, người lao động Mỹ đã ùn ùn xuống đường biểu tình phản đối.
Trên các biểu ngữ người ta thấy ghi: “hãy cứu lấy chúng tôi, chứ không phải các tập đoàn tư bản giàu sụ”, hay “hãy cứu lấy người lao động chân chính, chứ không phải các trùm tài chính vô đạo đức”… Lúc đó, Chính phủ Mỹ đã xoa dịu dư luận rằng nếu cứu trợ các công ty họ sẽ tạo ra việc làm cho người lao động. Người dân Mỹ đã tin vào điều đó nhưng hơn một năm trôi qua, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn tiếp tục tăng chứ không hề giảm, đến cuối 2009 con số này đã đến 10,2%.
Theo Cục Thống kê lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp tháng giêng có giảm chút ít còn 9,7% nhưng tỷ lệ người mất việc vẫn tăng. Báo Los Angeles Times trích ý kiến của các nhà kinh tế cho rằng tỷ lệ thất nghiệp trong những tháng tới sẽ còn tăng cao hơn cả tháng 12-2009.
Phản ứng tiêu cực của Stack thể hiện sự bất lực của người lao động đối với những bất công hiện hữu trong xã hội Mỹ. Theo giáo sư kinh tế Rick Wolffs của Đại học Massachusetts, người lao động Mỹ nói chung và công nhân Mỹ nói riêng hiện nay chỉ ngồi nhìn bất công mà không biết đoàn kết lại để đấu tranh cho quyền lợi của mình, đó là hậu quả của những chính sách bị chi phối bởi các tập đoàn tư bản.
Giáo sư Rick Wolffs viết trên trang web của mình: “Đại bộ phận nhân dân muốn chính phủ giúp đỡ những người dân bình thường cùng với việc giúp các ngân hàng lớn và các công ty bảo hiểm trong cuộc khủng hoảng này, nhưng chính phủ chưa có giải pháp nào đối với thảm họa xiết nợ và chưa có một chương trình tạo việc làm cho hàng triệu người bị các ông chủ tư nhân sa thải. Đại bộ phận nhân dân muốn được bảo hiểm y tế cho tất cả mọi người và chi phí chăm sóc sức khỏe thấp, nhưng luật pháp cũng không thể đạt được điều này. Đại bộ phận nhân dân muốn hạn chế và kiểm soát việc các cá nhân tài trợ cho những chiến dịch chính trị, nhưng điều ngược lại vẫn đang xảy ra”.
Điều đáng ngạc nhiên là báo chí Mỹ không biết vô tình hay cố ý không nói nhiều về vụ này. Bản tin trên báo New York Post ngày 20-2 đăng một mẫu tin ngắn cho biết mạng xã hội Facebook, mạng được Chính phủ Mỹ ca ngợi vì cho rằng tạo điều kiện cho mọi người ở các quốc gia khác bày tỏ chính kiến, đã tự xóa trang tin của đài phát thanh New York bày tỏ lòng thương tiếc Stack, mà trong đó đài này cho rằng Stack đã “hy sinh” cho những người khác. Facebook gửi cho chủ nhân của trang tin là bà Alvarez một lời cảnh báo rằng họ không cho phép những trang tin tạo ra mối căm hận hoặc mối đe dọa. Có điều gì nghịch lý ở đây chăng?
Việt Trung