
Phố cổ Bao Vinh, một khu phố cổ tồn tại từ thế kỷ 19 đến nay, từng là thương cảng sầm uất, nổi tiếng với những công trình cổ có giá trị về lịch sử, văn hóa. Nay phố cổ đang dần dần trở thành phố mới. Những ngôi nhà cổ tồn tại hằng trăm năm tuổi, nay cứ mất dần theo thời gian.
Nhà cổ “bốc hơi”
Phố cổ Bao Vinh thuộc xã Hương Vinh huyện Hương Trà (Thừa Thiên-Huế) vốn lưu giữ khu phố cổ nằm ven sông, với kiến trúc nhà cổ độc đáo. Tuy nhiên, trải qua hơn 2 thế kỷ tồn tại, những ngôi nhà cổ bị mục nát và mất dần theo thời gian. Từ năm 1991, thời điểm UBND tỉnh khảo sát và quy hoạch khu phố cổ Bao Vinh, ở đây còn 39 ngôi nhà cổ. Tuy nhiên, đến năm 2003, khi UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt Quy hoạch xây dựng bảo tồn và phát huy đô thị phố cổ Bao Vinh, số nhà cổ này tiếp tục bị “bốc hơi” chỉ còn lại 17 nhà. Đến nay, phố cổ Bao Vinh chỉ còn vỏn vẹn 15 ngôi nhà cổ.

Ngôi nhà cổ của anh Nguyễn Ngọc Tam giờ chỉ còn lại thế này.
Vì sao những ngôi nhà cổ cứ mất dần? Theo ông Nguyễn Văn Bổn, Chủ tịch UBND xã Hương Vinh, những ngôi nhà cổ ở Bao Vinh đã tồn tại hàng trăm năm nay nên đã bị mối mọt, ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Hơn nữa Thừa Thiên-Huế là vùng đất thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lụt nên mỗi khi nhà cửa không an toàn họ phải cơi nới, dỡ bỏ để xây nhà mới. Hiện 15 ngôi nhà cổ còn lại đều đã gần 200 năm tuổi, nhưng đang trong trình trạng mục nát.
Ông Lê Quang Chất, chủ nhân một ngôi nhà cổ trên 100 năm tuổi cho biết: “Trước đây, đã có người đến đặt vấn đề đổi toàn bộ khung gỗ ngôi nhà cổ của tui bằng gỗ mới, thêm vào đó họ sẽ trả thêm 12 cây vàng nhưng tui đã từ chối. Nghiệt một nỗi, do tồn tại quá lâu, ngôi nhà này đã bị thấm dột, mối mọt làm xuống cấp dần”.
Ngôi nhà cổ 2 tầng đồ sộ của ông Phan Gia Đắc cũng chẳng khá hơn, mái nhà bị mục nát, tầng lầu bị hư hỏng nhiều nên ông Đắc không dám ở mà chỉ dành căn nhà này làm nơi thờ tự. Một trong những ngôi nhà cổ bị xuống cấp trầm trọng nhất khu phố cổ Bao Vinh là ngôi nhà đã qua 7 đời của anh Nguyễn Ngọc Tam.
Ngôi nhà 3 gian nhưng nay chẳng ra nhà, chỉ còn lại một gian, đã mục nát. Cả nhà anh Tam đành che tạm một túp lều nhỏ bằng ni lông để ở. Theo tính toán của người dân, để trùng tu sơ bộ một ngôi nhà cổ phải mất từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng, tự bỏ tiền ra sửa chữa thì chủ nhân không đủ sức, còn trông vào dự án thì cứ... đợi.
Nhưng rồi vì lo an toàn cho gia đình mỗi khi mưa bão nên họ đã tự nâng cấp theo lối hiện đại, nhiều hộ còn bán nhà cổ để xây nhà mới kiên cố hơn. Cứ như thế, không ít ngôi nhà cổ ở đây đã bị “bốc hơi”.
Dự án bảo tồn: Bao giờ?
Chuyện bảo tồn phố cổ Bao Vinh được các cấp chính quyền quan tâm đến hơn 10 năm nay. Không ít dự án bảo tồn nhà cổ đã ra đời, nhưng đâu lại vào đấy. Nhà cổ thì ngày càng mục nát, mối mọt, trong lúc dự án thì vẫn nằm trên giấy. Để bảo tồn phố cổ Bao Vinh, chính quyền địa phương cũng đã có quy định người dân không được bán nhà cổ, muốn sửa chữa thì phải có phương án cụ thể và phải báo với chính quyền địa phương.
Mới đây thôi, khi thực hiện dự án bảo tồn nhà cổ, thành phố Huế đã lập danh sách những ngôi nhà được xem là kiểu mẫu nhất của phố cổ Bao Vinh đang còn nguyên vẹn chưa bị tác động về mặt kết cấu vào danh sách bảo tồn, gồm: nhà ông Đỗ Kỳ Hoàng (số nhà 970), Lê Quang Chất (105), Phạm Gia Đắc (77), Nguyễn Thị Thể (99), Nguyễn Thị Kim Thùy (53), Nguyễn Thị Tâm (101), Huỳnh Trạch Ốc (107), Âu Đức Tài (111), mỗi ngôi nhà được hứa tài trợ 100 triệu đồng bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của Hội đồng Vùng Nord Pas Calais (Pháp).
Tuy nhiên, theo những hộ trên, từ khi được đưa vào danh sách đến thời điểm này (10-2005) đã 5 tháng trôi qua, chưa thấy ai đả động về chuyện sửa sang nhà hay cấp vốn để người dân tự sửa chữa. Theo ông Nguyễn Xuân Lý, Bí thư Đảng ủy xã Hương Vinh: “Muốn giữ được phố cổ Bao Vinh phải có sự đầu tư thích đáng cho người dân để họ cùng với nhà nước giữ gìn những ngôi nhà cổ”.
Ngay cả nhà nghiên cứu Phan Thuận An, một trong những người có tâm huyết với các khu phố cổ, gần đây cũng thốt lên rằng: “Phố cổ Bao Vinh hiện còn lại chút phố cổ mong manh như hơi thở của người già, đang xuống hết cấp và đang ngấp nghé cỏi hủy diệt!”.
Một dự án bảo tồn cấp thiết phố cổ Bao Vinh hiện nay là rất cần thiết, nếu không thì nguy cơ bị “xóa sổ” là không thể tránh khỏi.
PHAN LÊ