Mới đây, tại phiên giải trình về việc thực hiện chính sách pháp luật do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã đưa ra những kết quả thống kê khiến nhiều người phải giật mình.
Mặc dù đã phát triển đáng kể về mặt số lượng nhưng đến nay cả nước vẫn thiếu đến 22.800 giáo viên, 21.058 phòng học ở bậc mầm non. Từ năm 2010 đến nay, các địa phương đã chi khoảng 840 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất nhưng trường lớp vẫn thiếu nghiêm trọng, 17% học sinh phải học trong những phòng học tạm, học nhờ; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp (hơn 21%).
Riêng ở TPHCM, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM trong một cuộc họp giao ban gần đây cho biết nhiều năm qua, mặc dù đã có nhiều cố gắng của ngành giáo dục, mỗi năm tuyển thêm 1.000 giáo viên vào biên chế nhưng vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu. Tình trạng giáo viên bỏ việc, chuyển việc ở bậc học này còn cao so với các bậc học khác. Do đó, dù còn thiếu đến khoảng 1.000 giáo viên nhưng sở không “đào” đâu ra nguồn tuyển. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của TP thuộc hàng thấp nhất cả nước (chưa đến 10%) do sĩ số lớp học cao, nhiều nơi phải “gánh” đến 60-70 em/lớp.
Tuy nhiên, điều đáng nói thay vì đầu tư, đưa ra các giải pháp giải quyết tình trạng thiếu hụt giáo viên mầm non, những người có trách nhiệm lại ưu tiên chọn giải pháp nâng cao tỷ lệ trường chuẩn đạt chuẩn quốc gia. Đại diện Sở GD-ĐT cho biết sắp tới, mỗi quận sẽ chọn ra vài trường mầm non tiêu biểu trên địa bàn mình quản lý để giảm sĩ số, hướng đến mục tiêu chuẩn quốc gia. Danh sách các trường đang nằm trong “tầm ngắm” gồm có Hoa Lư (quận 1), Mầm non 6 (quận 3), Bông Sen (quận 8), Tân Hưng (quận 7), Bình Thọ (quận Thủ Đức), Cẩm Tú (quận Bình Tân), Mầm non 2, Mầm non 15, Tuổi Xanh (quận Tân Bình).
Ai cũng biết một trường giảm sĩ số đồng nghĩa với việc hàng năm sẽ có hàng trăm học sinh bị “tinh giản” dạt về những nơi khác. Trong đó, không phải trường hợp nào cũng may mắn tìm được bến đỗ. Sẽ có bao nhiêu gia đình phải chạy chọt, phụ huynh vất vả lo lót tìm chỗ học cho con? Bao nhiêu học sinh bị tước đi quyền học trong những ngôi trường công lập khang trang – mà lẽ ra các em đáng được hưởng, chịu tù túng trong những ngôi trường tư thục, nhóm trẻ gia đình chất lượng không đảm bảo. Lúc đó, cán cân quá tải lại nghiêng về nhóm đối tượng không may bị “rẽ hướng” này. Bài toán thiếu giáo viên lại trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.
Rõ ràng đua theo chuẩn là một cuộc đua không cân sức, ở đó quyền lợi của một nhóm cá thể này được ưu tiên hóa, đánh đổi bằng chính quyền lợi của những cá thể khác. Nhất là ở trong một thành phố đông dân vào hàng nhất nhì cả nước, nơi mà chất lượng đôi khi phải nhường chỗ cho sự chăm lo số lượng. Phấn đấu đạt chuẩn là tốt, song cần hiểu đó là chuẩn đặt trong mối quan hệ với nhu cầu và lợi ích người học. Không thể và không nên có một nền giáo dục cào bằng, song tạo ra khoảng chênh quá lớn về quyền lợi như thế là cách làm thiếu công bằng, về lâu dài sẽ tạo ra nhiều hệ lụy. Trong điều kiện nhân lực và tài lực chúng ta chưa cho phép, đánh đổi ấy liệu có cần thiết?
THANH THU