
Ngược dòng thời gian
Năm Tân Mão 1471, vùng đất giáp biển phía Đông huyện Bình Sơn đã được “đánh thức” một lần. Ấy là tiếng rầm rập của những đoàn quân chinh Nam của đức vua anh minh Lê Thánh Tông. Trên đường hành quân, đại quân của nhà Lê đã dừng lại duyệt binh ở đây trước khi ra trận. Cũng tại đây, nhà vua được người dân trong vùng dâng lên một loại rong tảo sống bám vào các bãi đá ngầm ven biển có màu nâu sẫm, khi nấu chín thì cô đặc như đường, ăn vào nghe mát dịu.

Bãi biển Thanh Thủy thuộc khu kinh tế Dung Quất, nơi được quy hoạch phát triển thành khu du lịch sinh thái.
Phải chăng trong dặm trường chinh phạt và khi dừng lại vùng đất khắc nghiệt đầy nắng gió, món rau làm dịu lòng đấng quân vương nên trở nên quý giá mà nhà vua đã gọi ấy là “rau cần”. Rồi từ đó, các cửa biển trong vùng cũng mang theo chữ “cần” như: Cửa Thái Cần, cửa Thể Cần, cửa Sa Cần…
Tương truyền rằng cũng ngày ấy, đứng trước hàng vạn tướng sĩ, đức vua chúc: “Thiên giáng Vạn Tường, chúc chư đô toàn thắng!”. Tướng sĩ lúc ấy đồng thanh hô to: Vạn Tường! Vạn Tường! Cái tên Vạn Tường có từ thời ấy và bây giờ, thôn Vạn Tường thuộc xã Bình Hải, huyện Bình Sơn theo quy hoạch sẽ trở thành trung tâm của thành phố Vạn Tường trong tương lai.
“Vạn Tường” là “mọi sự tốt lành”, nhưng tốt lành là đối với người dân trong vùng, với những người yêu chuộng hòa bình, còn với quân xâm lược thì chẳng có tốt lành thế nào. Vào tháng 8-1965, khi phát hiện một bộ phận quân chủ lực của quân giải phóng đóng tại đây, Mỹ đã huy động một lực lượng lớn gồm thủy, bộ, không quân để tiêu diệt, bắt gọn cánh quân này. Thế nhưng tính toán ấy đã bị đập tan dưới tinh thần chiến đấu của quân và dân Vạn Tường. Quân Mỹ thua đau. Chiến thắng Vạn Tường của quân và dân ta ghi điểm son chói lọi trong lịch sử.
Dung Quất “đánh thức” Vạn Tường
Vạn Tường được “đánh thức” từ khi có Dung Quất. Tỉnh Quảng Ngãi còn nhớ năm 1994, sau khi đi thị sát Dung Quất, khi đặt chân đến Vạn Tường, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói với những người đi cùng: “Phải xây dựng thành phố Vạn Tường thành thành phố hiện đại nhất Việt Nam”.
Thời điểm Thủ tướng nói, Vạn Tường là vùng đất cằn cỗi, mọi con đường là đất đỏ mịt mù, chỉ có cây bụi và cát trắng bao la. Thế nhưng với địa thế một bên là biển xanh, một bên là những ngọn núi bát úp hướng ra biển cùng với những hàng thông rì rào, bãi cát trắng Vạn Tường đã hứa hẹn là một thành phố biển đẹp…

Đài thu phát sóng truyền hình Dung Quất.
Theo quy hoạch, thành phố Vạn Tường thuộc Khu kinh tế Dung Quất có diện tích 2.400 ha, cộng thêm 470 ha của Khu du lịch sinh thái ven biển. Tuy nhiên, để có Vạn Tường, đánh thức được Vạn Tường thì phải có nhà máy lọc dầu, khu kinh tế… Một thời gian dài, những điều đang thiếu ấy đã hình thành, đó là Khu công nghiệp Dung Quất (bây giờ là Khu kinh tế Dung Quất) ra đời với nhiều tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng.
Giai đoạn từ năm 2002 trở về trước, cơ sở hạ tầng xây dựng ở đây là để đảm bảo yêu cầu phục vụ thi công và chuẩn bị vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Thế nhưng vào năm 2003, Vạn Tường “mở mày mở mặt” hơn với sự chuyển hướng mạnh sang thu hút các dự án đầu tư có quy mô vừa và nhỏ của các doanh nghiệp mà trọng tâm là các doanh nghiệp phía Nam, doanh nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh.
Đến hôm nay, theo tính toán của Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất (không kể dự án Nhà máy lọc dầu DQ) thì giai đoạn 2001 - 2004, đã thu hút 47 dự án với vốn đăng ký 8.155 tỷ đồng. Bước vào giữa năm 2005, lai có thêm 8 dự án đầu tư và khả năng đến cuối năm sẽ có 20 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký khoảng 4.000 tỷ đồng.
Mỗi tháng qua đi, Dung Quất - Vạn Tường lại có thêm hàng chục doanh nghiệp từ các tỉnh phía Nam, từ Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc… thuộc các lĩnh vực luyện cán thép, chế tạo thiết bị, sản xuất và lắp ráp ô tô, chế biến đồ gỗ xuất khẩu, dệt may, giày da, sợi tổng hợp… đến khảo sát đầu tư, trong đó có nhiều dự án có mức đầu tư hàng trăm triệu đôla như dự án đầu tư Nhà máy luyện phôi thép lò cao với tổng vốn đăng ký 1 tỷ đôla của một doanh nghiệp Đài Loan.
Và Vạn Tường không chỉ được đánh thức bằng Khu kinh tế Dung Quất. Hiện nay, ở đây đã hình thành nhiều cụm dân cư – đô thị mới, nhiều trường học, bệnh viện, trung tâm viễn thông, truyền hình… Chỉ trong một thời gian nữa, khu du lịch “Thiên Đàng” rộng 300 ha nằm trên biển Khe Hai với mực nước phẳng lờ, bờ cát trải dài trắng mịn ôm lấy dãy phi lao xanh mượt vi vu gió ngàn sẽ xuất hiện, tô đẹp thêm cho Vạn Tường và làm mát lòng du khách về thăm thú nơi đây…
PHẠM ANH