Đào đãi vàng trên sông Pô Kô - Hiểm họa chực chờ

Đào đãi vàng trên sông Pô Kô - Hiểm họa chực chờ

Thời gian gần đây, ở hạ lưu sông Pô Kô (từ cầu Pô Kô ngược lên chân đập của Nhà máy thủy điện Plei Krông) thuộc địa bàn huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) rộ lên tình trạng đào đãi vàng trái phép. Tận dụng những lúc nhà máy chặn dòng tích nước, hàng trăm người đổ xô xuống lòng sông đãi vàng, mặc cho những hiểm nguy rình rập.

Nhốn nháo đãi vàng trên sông Pô Kô.

Nhốn nháo đãi vàng trên sông Pô Kô.

Theo chân A Sam, chúng tôi ra sông Pô Kô, phía hạ nguồn Nhà máy thủy điện Plei Krông, khu vực giáp ranh giữa TP Kon Tum và huyện Sa Thầy để quan sát đãi vàng. Trong ánh sáng tờ mờ của buổi bình minh, hàng trăm người dân đang cặm cụi đào đãi dưới sông. Đàn ông hì hục dọn đá, múc cát, phụ nữ dùng nón sắt đãi vàng, nhiều em nhỏ cũng tham gia. Họ đều im lặng làm việc, trong buổi ban mai yên tĩnh, chỉ có tiếng đục đá, tiếng lào xào của cát trên mâm đãi…, thỉnh thoảng mới có tiếng xuýt xoa, tiếng cười của những người may mắn tìm được vài vụn vàng cám.

Hơn 1 tháng qua, ngày nào A Sam cũng dậy từ sớm ra sông đãi cát tìm vàng. A Sam cho biết: “Mình kiếm không được nhiều đâu, ngày may mắn thì được hơn 100.000 đồng, ngày ít thì vài chục ngàn và có nhiều hôm chẳng được đồng nào”.

Với dáng người nhỏ thó và mái tóc cháy vàng, Y Thiết, năm nay 11 tuổi ở làng Kroong Klảh đang ngâm mình dưới nước, hai tay chao đi chao lại cái mâm sắt to vượt quá người em. Hỏi em làm có kiếm được nhiều tiền không, em cười hồn nhiên bảo: “Không được nhiều đâu, đủ ăn kem thôi”. Hàng ngày em cùng cả nhà ra đây tìm vận may, nhưng vận may chẳng thấy đâu. Không những gia đình Y Thiết mà hầu như tất cả những người đã và đang tham gia đào đãi vàng ở đây đều chưa “trúng mánh”, may lắm mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng. Ở bãi sông này, “nhí” như Y Thiết tham gia đào đãi vàng có hàng chục em.

Ông Đặng Công Nữa, Chủ tịch UBND xã Kroong, cho biết, trước đây dòng sông này có nhiều vàng, vào khoảng những năm 1987 – 1988 rất nhiều người đến đây khai thác vàng. Sau khi thủy điện Plei Krông hoạt động, mực nước ở đây sâu nên việc đào đãi vàng chấm dứt. Nhưng hơn một tháng nay, buổi tối thủy điện Plei Krông chặn dòng tích nước nên khoảng 3 – 4 giờ sáng hôm sau, người dân lại tranh thủ kéo ra sông Pô Kô đào đãi vàng. Số người tham gia chủ yếu là người dân tộc Rơ Ngao (một nhánh của người Ba Na).

Trời dần sáng, đang hỏi chuyện Y Thiết, chúng tôi bỗng nghe tiếng ầm ào của dòng nước xả từ thượng nguồn có nhà máy thủy điện đang cuồn cuộn đổ về. Tiếng la ó, giục giã vang lên rúng động cả đoạn sông. Thanh niên trai tráng và đàn ông trung niên nhanh nhẹn nhảy lên bờ trước. Còn phụ nữ và trẻ em phải vật lộn với dòng nước để bơi được vào bờ. Người ướt sũng và tím tái sau một ngày dầm mình dưới nước, chị Y Nhin vừa thở hổn hển vừa nhìn tôi nói: “Nguy hiểm lắm, nhưng hên xui…”. Nhìn xuống dòng nước đỏ lòm đang gầm gào như muốn nuốt chửng từng tảng đá đen kịt, sắc nhọn, lởm chởm, chúng tôi thấy rùng mình.

Là người cuối cùng thoát khỏi dòng nước dữ, chị Y Linh kể: “Mình ra đây đãi vàng hơn tháng rồi, vất vả lắm. Cả buổi sáng lặn hụp dưới nước lạnh nhưng kiếm không được bao nhiêu, chưa kể những hiểm nguy luôn rình rập. Có những người do ham việc, không để ý nhà máy xả nước nên bị cuốn trôi…”.

Hỏi ông Đặng Công Nữa, Chủ tịch UBND xã Kroong về tình trạng hàng trăm người dân đang đem sinh mạng ra đùa với dòng nước để mưu sinh, ông Nữa cho biết: “Việc khai thác sa khoáng trên sông Pô Kô là trái phép và nguy hiểm bởi vị trí khai thác cách không xa Nhà máy thủy điện Plei Krông. Càng nguy hiểm hơn khi không biết lúc nào nhà máy xả nước. Đến nay chính quyền địa phương chỉ mới vận động bà con không nên đãi vàng và kiến nghị lãnh đạo Công ty Thủy điện Yaly (đơn vị vận hành nhà máy) phải thông báo cho dân biết thời điểm công ty đóng và xả nước để tránh thiệt hại về người và tài sản”.

Trong khi chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, việc đào đãi vàng trên sông Pô Kô vẫn diễn ra hàng ngày và người đào đãi vàng vẫn tiếp tục đem tính mạng mình ra đùa với dòng nước dữ.

Bài, ảnh: ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục