Đạo diễn Hoa Hạ: Sân khấu đã quá lạc hậu

Đạo diễn Hoa Hạ: Sân khấu đã quá lạc hậu

Trong những năm qua, nghệ thuật sân khấu từ hát bội, cải lương đến kịch nói đều rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, với nhiều khó khăn. Dù đã và đang rất cố gắng, nỗ lực đóng góp sức người, sức của, tâm huyết, tình yêu nghề… nhưng hiệu quả tổ chức hoạt động, biểu diễn phục vụ công chúng vẫn không như mong muốn…

Trước thực trạng sân khấu thành phố nhiều khó khăn, thiếu nội lực, động lực và những điều kiện cần thiết để phát triển, phóng viên Báo SGGP đã trò chuyện cùng NSƯT - đạo diễn Hoa Hạ - Ủy viên Hội đồng nghệ thuật Sở VH-TT TPHCM (ảnh).

* Phóng viên:
Là một đạo diễn kỳ cựu của sân khấu TP, ủy viên Hội đồng nghệ thuật Sở VH-TT TPHCM, chị có nhận định gì về sự phát triển nghệ thuật sân khấu TPHCM hiện nay như thế nào?

Đạo diễn Hoa Hạ: Sân khấu đã quá lạc hậu ảnh 1

* NSƯT - đạo diễn HOA HẠ: Với sân khấu TPHCM, tôi thấy đã quá lạc hậu, ngay cả với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Nhìn qua nước bạn, văn hóa truyền thống của Campuchia được lưu giữ rất hay: trong công tác đào tạo, mỗi một diễn viên học trung cấp dân tộc, khi tốt nghiệp ra trường đều múa Apsara giỏi. Về nghệ thuật hiện đại, Thái Lan đã có nhiều nhà hát, sân khấu xoay, sân khấu du lịch, mỗi ngày diễn 3 suất, suất phục vụ khoảng 4.000 khán giả, trên sân khấu diễn một lúc 30-40 người.

So về mặt bằng sân khấu Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, chúng ta đã rất lạc hậu. Cũng có thể xem chúng ta như đang ở giai đoạn những năm 60-70 của thế kỷ trước vậy. Trong khi các khách sạn, nhà hàng được đầu tư phát triển rất mạnh về cơ sở hạ tầng, còn văn hóa thì ngược lại. Đến nay, TPHCM vẫn chưa có một nhà hát nào cho đàng hoàng, đủ chuẩn: nhà hát Hòa Bình xây đã mấy chục năm, ít nhiều cũng đã xuống cấp, rạp Hưng Đạo chuẩn bị xây dựng lại dựa trên bản thiết kế cũ kỹ… Với sự lạc hậu như thế, nếu không tự nhìn thấy thì chúng ta sẽ còn tiếp tục tụt hậu. Và vấn đề đặt ra là những con người - nghệ sĩ, đạo diễn, diễn viên… sẽ làm gì trên một nền sân khấu lạc hậu đó?

* Bên cạnh cơ sở hạ tầng thì yếu tố con người liệu đã đáp ứng được nhu cầu phát triển của lĩnh vực nghệ thuật sân khấu?

* Thời gian qua, giới nghệ sĩ gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết các nhà hát của nhà nước rất ít biên chế cho diễn viên, có đơn vị chỉ còn vài người. Trong khi đó, nguồn nhân lực của nghệ thuật sân khấu bị thả nổi cho xã hội hóa đầu tư. Tôi tham dự nhiều đại hội về sân khấu trong khu vực, về diễn viên, đạo diễn nước mình không hề thua kém ai, nhưng về cơ sở vật chất và về tầm nhìn thì khoảng cách còn quá xa! Có một thực tế nữa là các trường đào tạo nghệ thuật còn kém chất lượng. Tôi cũng như các thế hệ nghệ sĩ đi trước cố gắng giúp đỡ các em với quan điểm còn nước còn tát. Bây giờ, nếu không nhanh bắt tay đầu tư xây dựng một lớp diễn viên, tác giả, đạo diễn trẻ thì tương lai sân khấu sẽ ngày càng đi xuống, khó phát triển được.

* Còn vấn đề nghệ thuật? Hầu hết các sân khấu kịch hiện nay chủ yếu sống nhờ kịch ma, kịch kinh dị pha hài, phục vụ nhu cầu giải trí đơn thuần, thiếu vắng hẳn những vở kịch có giá trị nghệ thuật cao…

* Tôi thường đi duyệt vở, càng duyệt thì càng buồn. Không thể phủ nhận một điều rằng chất lượng nghệ thuật các vở diễn có sự đi xuống. Các nghệ sĩ trẻ có nhiều cố gắng xây dựng được vở thứ nhất, nhưng sau đó bị lại gãy ở những vở thứ hai, thứ ba vì không có sự hướng dẫn, không có sự tập trung đào tạo nâng cao chuyên môn, tay nghề. Với cái đà không ổn định như thế, sân khấu rất khó phát triển. Từ thực tế đó, nếu các cơ quan, đơn vị quản lý văn hóa nghệ thuật không kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho các em trẻ phát triển thì các tài năng này sẽ dần bị bào mòn.

Hơn thế nữa, hiện nay các sân khấu đều bị đi xuống, nhưng Sở VH-TT TPHCM cũng như Hội Sân khấu TP chưa có đánh giá cụ thể về vấn đề này: tại sao sân khấu đi xuống và cần có biện pháp gì để giải quyết tình trạng này. Khi đi duyệt các vở diễn ma, hội đồng phúc khảo cũng nhân nhượng cho công diễn, miễn là đừng nặng tính dị đoan quá. Nhưng đến thời điểm này, kịch ma cũng đang rơi vào tình trạng bão hòa, bị trả vé, các vở hài cũng hết cửa, chính kịch thì từ xưa đến giờ diễn không được. Riêng chuyện trả vé đã thấy ở IDECAF, Superbowl, Phú Nhuận, 5B, sân khấu Hoàng Thái Thanh thì không đầy khán phòng… Tôi cũng từng có ý kiến với Hội Sân khấu phải cải tổ lại, nhưng thật khó.

* Trăn trở với hiện tại, nuối tiếc quá khứ, về thời hoàng kim của sân khấu, ở giai đoạn huy hoàng ấy điều gì khiến chị nhớ nhất và chị có mong ước gì cho sân khấu tương lai?

* Những năm 80-90, Ban giám đốc Sở VH - TT, Chủ tịch Hội sân khấu TPHCM… rất quan tâm và ủng hộ sân khấu hoạt động. Vào các ngày lễ, tết…, các đồng chí xuống từng đoàn thăm hỏi, động viên tinh thần anh em nghệ sĩ, tạo dựng được niềm tin và nhiệt huyết cho những người làm nghề. Sự quan tâm đó đã giúp giới nghệ sĩ cảm nhận, tiếp thêm sức mạnh tinh thần, là động lực để nghệ sĩ cố gắng nỗ lực với nghề.

Cũng giai đoạn trên, nhiều tác phẩm sân khấu đặc sắc ra đời với sự cộng lực rất lớn từ tập thể nghệ sĩ và sự quan tâm của các cấp lãnh đạo. Thời đó, lãnh đạo Sở VH-TT biết rất rõ từng gương mặt diễn viên, đạo diễn xuất sắc. Khi những tài năng trẻ vừa tốt nghiệp ra trường, các chú, các anh đã chọn gửi về các đơn vị hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, tạo điều kiện để những tài năng mới có cơ hội phát triển. Một số em về đơn vị nghệ thuật nhưng lại không phát huy được tài năng thì sẽ được lãnh đạo chuyển đổi đến môi trường mới cho phù hợp...

Ngày trước, “mấy ông già” phụ trách văn hóa rất gần gũi với anh chị em nghệ sĩ, chịu khó lặn lội với đời sống văn hóa xã hội hơn bây giờ, điều đó đã giúp cho sân khấu có một thời hoàng kim rực rỡ. Trong một xã hội, văn hóa đóng vai trò rất quan trọng. Trên thế giới, khi đến một nơi nào đó, điều người ta quan tâm không chỉ kinh tế ở nước đó giàu mà muốn tìm hiểu về văn hóa. Tôi chỉ mong một ngày thật gần, văn hóa nghệ thuật sẽ được tiếp tục quan tâm chăm sóc nhiều hơn.

* Xin cám ơn đạo diễn.

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục