Đào tạo ngay nguồn nhân lực về công nghệ điện hạt nhân

Ngày 17-6, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc hội thảo quốc tế “Công nghệ và an toàn nhà máy điện hạt nhân”. Cuộc hội thảo do Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH-CN) và Viện Phát triển công nghệ, truyền thông và hỗ trợ cộng đồng tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia về điện hạt nhân đến từ Nga, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.

Hội nghị đã tập trung bàn về việc phát triển nhà máy điện hạt nhân, đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật hạt nhân, công nghệ vận hành lò phản ứng hạt nhân và quản lý nhiên liệu hạt nhân, chất thải phóng xạ... Bên lề hội nghị, TS Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã có cuộc trao đổi với báo chí một số vấn đề về phát triển nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam.

- Phóng viên: Nhiều quốc gia trên thế giới đã từng có sự cố về nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) trong thời gian qua. Tại Việt Nam, vấn đề an toàn của ĐHN được đặt ra như thế nào?

- TS NGÔ ĐẶNG NHÂN: Mặc dù hiện nay công nghệ ĐHN của thế giới đã đạt đến trình độ an toàn rất cao, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn, mà chủ yếu do còn người không được đào tạo, làm việc không đúng quy trình. Thành ra ở đây phải kết hợp được 2 mặt: tận dụng những ưu thế của công nghệ hiện nay và đào tạo đội ngũ con người có thể sử dụng những thiết bị trong quá trình tác nghiệp. Vì vậy, người ta phải xây dựng ra văn hóa an toàn cho người sử dụng và cho tất cả để sử dụng và cả những người làm việc trực tiếp trong lĩnh vực này, cả những người gắn với hệ thống pháp luật của Nhà nước. Ở đây, một trong những vấn đề quan trọng nhất là thanh tra, kiểm tra để đảm bảo chất lượng công việc, làm việc đúng quy trình trong vấn đề xây dựng và phát triển ĐHN...

- Liên quan đến các vấn đề an toàn ĐHN, hiện nay khi bắt tay vào xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên, liệu người Việt Nam có đảm bảo và làm chủ công nghệ hay không, thưa tiến sĩ?

- Trên thực tế, từ trước đến nay chúng ta có một số người học tập, nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học về hạt nhân. Nhưng những người làm về công nghệ hạt nhân thì Việt Nam chưa có. Chính vì thế, bài toán về nhân lực công nghệ hạt nhân là quan trọng, vấn đề bức thiết.

Theo tôi, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cũng có 3 hướng: thứ nhất là đào tạo cho người vận hành nhà máy. Điều này chỉ cần 2 năm trước khi đưa nhà máy vào hoạt động. Thứ hai là đào tạo chuyên gia để đảm bảo cho vấn đề nội địa hóa và vận hành một cách có hiểu biết để khi có sự cố họ có thể tìm ra nguyên nhân và khắc phục sự cố. Đây không phải là chuyên gia vận hành và phải mất từ 10 năm đào tạo trở lên. Thứ ba và là điều cần làm trước mắt là đào tạo cho đội ngũ pháp quy hạt nhân vì cơ quan này chính là nơi có thể chỉ ra vấn đề an toàn hay không. Họ cần được đào tạo trước. Hiện chúng tôi vẫn đang chờ đợi sự đào tạo tập trung của Nhà nước, nhưng mặt khác, chúng tôi cũng tìm mọi kênh để đào tạo cán bộ cho cơ quan pháp quy. Chúng tôi cũng cử một số cán bộ sang Mỹ và Nga để học hỏi, trao đổi để sớm phục vụ việc thẩm định việc xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên của Việt Nam.

- Việc xử lý chất thải phóng xạ của nhà máy ĐHN được tính toán như thế nào, thưa ông?

- Đây là vấn đề lâu dài và hiện nay chúng ta cũng đã có kế hoạch rất an toàn cho việc đó. Nếu nhà máy vận hành an toàn thì môi trường phóng xạ của nơi xây dựng nhà máy điện hạt nhân hoàn toàn bình thường như nơi khác. Đó là trách nhiệm của nhà máy đảm bảo được. Còn rác thải là nhiên liệu đã cháy là vấn đề của quốc tế, chứ không chỉ riêng Việt Nam. Nga là đối tác chuyển giao công nghệ và là nơi có thể giúp Việt Nam vấn đề này. Hiện nay họ đã cam kết xử lý giúp Việt Nam khi vận hành nhà máy đầu tiên.

Công nghệ của Nga được đánh giá cao về độ an toàn.  Theo tôi, điều đáng quan tâm nhất không phải là công nghệ đó nữa, mà là chúng ta sẽ tiếp nhận và vận hành như thế nào!

- Cảm ơn ông!


TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục