Đào tạo nghệ sĩ sân khấu ở nước ngoài - Hẫng!

Hiện nay, nếu chỉ nhìn vào bề nổi của sân khấu thành phố, nhiều người sẽ cảm thấy mừng vì đa số các sàn diễn sáng đèn thường xuyên. Tuy nhiên, nếu nhìn vào nội lực của sân khấu, nhìn vào việc đào tạo đội ngũ nghệ sĩ kế tục thì hẳn còn phải lo nhiều…
Đào tạo nghệ sĩ sân khấu ở nước ngoài - Hẫng!

Hiện nay, nếu chỉ nhìn vào bề nổi của sân khấu thành phố, nhiều người sẽ cảm thấy mừng vì đa số các sàn diễn sáng đèn thường xuyên. Tuy nhiên, nếu nhìn vào nội lực của sân khấu, nhìn vào việc đào tạo đội ngũ nghệ sĩ kế tục thì hẳn còn phải lo nhiều…

  • Thời xưa và hôm nay

Nhìn lại lịch sử sân khấu Việt Nam, không ít người yêu mến sân khấu nước nhà sẽ cảm thấy thật hạnh phúc và tự hào về những tên tuổi nghệ sĩ thành danh từ sau những chuyến đi học ở nước ngoài: Liên Xô (cũ), Trung Quốc và các nước Đông Âu.

Trong số những nghệ sĩ này, có thể kể đến những “cây đa cây đề” của làng kịch nghệ Việt Nam như: GS-TS-NSND Đình Quang, NSND Trần Hoạt, NSND Ngô Y Linh, NSND Nguyễn Đình Nghi, NSND Ngọc Phương, NSND Dương Ngọc Đức, NSND Lê Hùng, NSND Huỳnh Nga, NSƯT Trần Minh Ngọc, NSƯT Đoàn Bá… và thế hệ nghệ sĩ “trẻ nhất” được đào tạo ở nước ngoài là: Công Ninh, Đức Hải, Thanh Bạch, Xuân Hương…

Có thể nói, chính những nghệ sĩ được cử đi đào tạo ở nước ngoài này khi về nước đã phần nào tạo nên nền tảng cho sân khấu nước nhà liên tục phát triển. Ngoài những đóng góp qua nhiều tác phẩm sân khấu, các nghệ sĩ này còn góp phần tham gia giảng dạy ở các trường văn hóa nghệ thuật, đào tạo nên nhiều thế hệ nghệ sĩ kế tục cho sân khấu cả nước nói chung và TPHCM nói riêng.

Tuy nhiên, giờ đây đội ngũ này đã có tuổi nên cần lớp kế thừa trẻ và năng động. Một số nghệ sĩ sân khấu cho rằng, nhiều năm qua, dù đất nước đã hội nhập, phát triển, nhưng dường như anh em nghệ sĩ sân khấu chưa có được những cuộc “thay da đổi thịt” hoặc tăng tốc dung nạp những cái mới.

Hàng chục năm qua, các nghệ sĩ sân khấu chủ yếu “đóng cửa dạy nhau”, người trẻ học hỏi người đi trước, người đi trước có gì truyền đạt lại cái nấy. Với một dòng chảy như thế, kiến thức của những người làm sân khấu và các nghệ sĩ biểu diễn nếu có bị bào mòn hoặc lạc hậu cũng là chuyện bình thường. Nếu cứ đà này, tương lai của sân khấu sẽ ra sao? Đó là một câu hỏi cần được những người có trách nhiệm suy ngẫm…

Nghệ sĩ Linh Nga nổi bật trong lĩnh vực múa nhờ được đào tạo từ nước ngoài. Ảnh: AN DUNG

Nghệ sĩ Linh Nga nổi bật trong lĩnh vực múa nhờ được đào tạo từ nước ngoài. Ảnh: AN DUNG

  • Giấc mơ không của riêng ai!

Trước thực tế của sân khấu hiện nay, nhiều người thừa nhận rằng nếu muốn có sự đột phá, có sự thay đổi đáng kể, thì một trong những vấn đề trước tiên là tạo cơ hội cho những người làm sân khấu tiếp cận, học hỏi những cái hay, cái mới của sân khấu nước ngoài, mang về làm giàu cho nền sân khấu nước nhà. Cho nên, giờ đây, chuyện cử nghệ sĩ sân khấu ra nước ngoài học tập càng trở nên cấp thiết hơn lúc nào hết.

Ông Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, cho rằng: “Đáng lẽ ra vấn đề này phải được làm thường xuyên để luôn có được đội ngũ nghệ sĩ kế tục giỏi nghề nhất. Tiếc thay, suốt một thời gian dài, chúng ta đã “quên” việc này. Dẫu muộn còn hơn không, tôi nghĩ, thời gian tới, chúng ta nên đầu tư cho một số nghệ sĩ, đạo diễn, tác giả… đi tham quan, học tập ở một số nước có nền sân khấu mạnh. Nếu muốn làm tốt điều này, tôi nghĩ, giữa Sở VH-TT-DL cùng Hội Sân khấu TP nên ngồi lại với nhau, rồi lập dự án với một chiến lược phát triển cụ thể thì mới mong khả thi…”.

Tuy nhiên, cái khó là hiện nay rất ít nghệ sĩ hội đủ điều kiện, nhất là về khả năng ngoại ngữ. Vậy lối ra nào cho “giấc mơ không của riêng ai” này? Theo NSƯT - đạo diễn Trần Minh Ngọc, trong điều kiện kinh phí còn hạn hẹp và khả năng ngoại ngữ của một số nghệ sĩ còn hạn chế, cách tốt nhất là chúng ta nên mời các chuyên gia của nước ngoài sang truyền đạt kinh nghiệm. Với cách làm này có thể tạo điều kiện cho nhiều nghệ sĩ tiếp cận, trau dồi kiến thức. Tuy nhiên, đối với sân khấu, làm như vậy có thể còn hơi xa lạ. Mặc dù cách đây ít năm, đạo diễn Việt kiều Lê Quý Dương cũng đã từng mở trung tâm đào tạo sân khấu và giao lưu quốc tế nhưng chưa thu hút được nhiều nghệ sĩ quan tâm, bởi “cơ ngơi” của trung tâm còn nhiều hạn chế. Nhưng nếu tham khảo lĩnh vực bóng đá gần đây thì điều mà NSƯT - đạo diễn Trần Minh Ngọc nêu ra là có thể thực hiện được.

Theo đạo diễn trẻ Đức Thịnh, một khi sân khấu thành phố có được sự hợp tác đào tạo cùng các sân khấu, nhà hát nổi tiếng của thế giới thì chắc chắn, không riêng gì đạo diễn mà ngay cả các chuyên viên âm thanh, ánh sáng… của chúng ta cũng sẽ có những sáng tạo mới trong quá trình thực hiện tác phẩm mới. Có thể nói, sân khấu tuy có sáng đèn thường xuyên, nhưng hầu hết toàn kịch sinh hoạt, không có sáng tạo nào đáng kể, có chăng chỉ là cách xử lý mảng miếng để lôi kéo khán giả đến rạp là chính.

Linh Nga (hàng đầu) - nghệ sĩ múa được đào tạo ở nước ngoài. Ảnh: AN DUNG

Linh Nga (hàng đầu) - nghệ sĩ múa được đào tạo ở nước ngoài. Ảnh: AN DUNG

Rõ ràng, trước nhu cầu đổi mới của sân khấu tương lai, hơn ai hết, những người làm sân khấu, những nhà quản lý văn hóa cùng ngồi lại đề xuất những giải pháp khả thi cho việc đào tạo nghệ sĩ sân khấu ở nước ngoài, để góp phần nâng cao nội lực của nền sân khấu trong thời hội nhập và phát triển

ĐỖ HẠNH

Tin cùng chuyên mục