Đạo tôn sư trăm năm vun đắp

Trong không khí chuẩn bị trao giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 17, hòa cùng ngày lễ tôn sư trọng đạo của cả nước vào dịp 20-11, Báo Sài Gòn Giải Phóng và các thầy cô, học sinh Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1, TPHCM) đã tổ chức chuyến về nguồn viếng mộ cụ Võ Trường Toản, người thầy đã được vinh danh “Gia Định xử sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh”, người thầy mà giải thưởng được vinh dự mang tên.
Đạo tôn sư trăm năm vun đắp

Trong không khí chuẩn bị trao giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 17, hòa cùng ngày lễ tôn sư trọng đạo của cả nước vào dịp 20-11, Báo Sài Gòn Giải Phóng và các thầy cô, học sinh Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1, TPHCM) đã tổ chức chuyến về nguồn viếng mộ cụ Võ Trường Toản, người thầy đã được vinh danh “Gia Định xử sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh”, người thầy mà giải thưởng được vinh dự mang tên.

Trời mờ sáng, đoàn xe chở gần 200 em học sinh, thầy cô giáo Trường THCS Võ Trường Toản và Ban Chương trình Xã hội Báo SGGP đã khởi hành, thẳng tiến về Bến Tre. Thời gian đi đường rút ngắn hơn nhờ có đường cao tốc TPHCM - Trung Lương và cây cầu Rạch Miễu. Con đường vào huyện Ba Tri đã mở rộng nhưng đoạn vào xã Bảo Thạnh vẫn còn dáng vẻ đường nông thôn bao lâu nay, từng chiếc xe nối đuôi nhau chậm chạp đi giữa những cánh đồng để đến với khu mộ cụ Võ Trường Toản.

Các em học sinh thắp nhang viếng khu mộ cụ Võ Trường Toản ở Bến Tre.

Những ngày đầu vất vả…

Như cuốn phim quay chậm, hồi ức về những ngày đầu cùng các anh cựu học sinh Trường Võ Trường Toản về khảo sát khu mộ cụ như đang quay trở lại trong tôi. Ngày ấy 30-7-1995, đến nay đã gần tròn 20 năm. Các anh trong Ban chấp hành Hội cựu học sinh gồm: nhà văn Nguyễn Đông Thức, luật sư Nhan Thành Quế, Bùi Văn Bá… cùng nhóm anh em trong hội hơn 10 người không kìm được nỗi xót xa khi đến tận nơi thấy 3 ngôi mộ của cả gia đình cụ Võ nằm chơ vơ trên cánh đồng đầy cỏ tranh.

Sau đợt khảo sát ấy, Hội cựu học sinh và Trường THCS Võ Trường Toản đã vận động được hơn 250 triệu đồng để xây dựng khu di tích. Tình thương tiếp nối tình thương, cảm động với nghĩa cử tốt đẹp của thầy trò Trường Võ Trường Toản, UBND tỉnh Bến Tre đã vào cuộc, trích ngân sách chung tay xây dựng. Ông Phan Văn Năm, cháu nhiều đời của cụ Phan Thanh Giản, là chủ khu đất có mộ cụ Võ cũng tặng một phần đất để khu di tích rộng rãi hơn. Mỗi năm một ít, khi thì xây tường rào, lúc xây nhà thờ… Khu di tích ngày càng đẹp và đến năm 1998 được công nhận là Khu di tích văn hóa lịch sử quốc gia.

Năm 2011, Bộ VH-TT-DL đã đầu tư xây ngôi nhà thờ mới lớn hơn trong khuôn viên. Cũng cần nhắc lại lúc ấy nhờ có sự quyết tâm của thầy hiệu trưởng Trần Văn Lộc và anh em Hội cựu học sinh nên khu di tích mới hình thành và phát triển như ngày nay. 

Được biết, hàng năm, các đoàn thầy cô giáo Trường THCS Võ Trường Toản ở TPHCM cũng như trường mang tên cụ Võ ở Bến Tre cũng đều đến viếng thăm khu mộ. Báo SGGP, từ khi cùng Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM phối hợp thành lập giải thưởng Võ Trường Toản vào năm 1997, nhằm tôn vinh các thầy cô giáo tiêu biểu trong sự nghiệp trồng người, cũng thường xuyên về viếng mộ cụ Võ, xem đây là một hoạt động nhằm khích lệ tinh thần tôn sư trọng đạo trong xã hội.

Đón đoàn là ông Phan Văn Năm, người trực tiếp chăm sóc khu di tích vẫn khỏe mạnh dù tuổi đã ngoài 70. Mái đầu đã trắng xóa, nhưng ông nhớ như in ngày đầu khó khăn của việc tạo lập khu di tích của Hội cựu học sinh và thầy trò Trường Võ Trường Toản cũng như đóng góp thường xuyên của Báo SGGP. Ông nhắc đến thầy hiệu trưởng Trần Văn Lộc, Chủ tịch Hội PHHS Lê Quang Phú, luật sư Nhan Thành Quế đã có nhiều công sức đóng góp cho khu di tích nay đã mất. Tội nghiệp già Năm, nghe tin thầy Lộc mất, từ xa xôi cũng lặn lội lên thành phố đi đám tang.

Nghĩa tình thầy trò

Các em học sinh sau giây phút thắp nhang tưởng niệm, tham quan khu di tích đã chia nhau ra sơn lại 3 ngôi mộ. Người đông, công việc ít, mỗi lớp chỉ cử 2 em tham gia. Nam nữ thi nhau quét sơn lại trên mộ cụ, những giọt mồ hôi đã đổ dưới nắng nóng nhưng vẫn không ngăn được tấm lòng của những học sinh dưới mái trường mang tên người thầy nổi danh đất Gia Định.

Thầy Vưu Bửu Nam, Hiệu phó Trường THCS Võ Trường Toản, cho biết: “Hàng năm cứ đến dịp 20-11, nhà trường tổ chức cho các em học sinh lớp 9 đi tham quan khu di tích, xem như một hoạt động ngoại khóa, nhằm giáo dục tinh thần tôn sư trọng đạo, kết hợp tham quan cảnh đẹp của Bến Tre, Tiền Giang…”. Đến nay, khu di tích đã là nơi thăm viếng thường kỳ của các trường ở TPHCM có mang tên cụ như Trường THPT Võ Trường Toản ở quận 12. Các đơn vị du lịch cũng đã đưa thêm các khu di tích cụ Đồ Chiểu, cụ Võ Trường Toản, cụ Phan Thanh Giản vào danh sách những địa chỉ tham quan di tích lịch sử ở Bến Tre, thu hút rất đông khách tham quan trong và ngoài nước khi đến xứ dừa.

Lòng đầy cảm khái khi đọc lại bài văn bia của cụ Phan viết về cụ Võ vào năm 1867, có đoạn: “Từ khi tiên sinh dùng nghĩa lý dạy học trò, không những đào tạo nhiều nhân tài lúc ấy, mà phương pháp giảng dạy đó còn truyền đến đời sau. Cho đến nay lòng trung nghĩa của nhân dân lục tỉnh, hăng hái vì nước quên mình, tuy nhờ ân đức cao dày của nhà vua đã giữ vững lòng người, nhưng nếu chẳng nhờ công khai hóa của tiên sinh để lại từ trước thì làm sao có được như vậy ?”.

Đứng ngay khu di tích như cảm thấy hào khí của các sĩ phu Nam bộ khi 3 tỉnh miền Đông vào tay giặc Pháp. Thề không đội trời chung với giặc, các cụ đã  phát động phong trào tỵ địa, đi đến 3 tỉnh miền Tây. Khi đi suy nghĩ, không thể để mộ thầy nằm trên đất giặc, họ đã cải táng  cả gia đình cụ Võ về đây. Cụ Võ mất đến nay đã được 222 năm. Một khoảng thời gian khá dài, nhưng hình ảnh cụ, nhân cách của người thầy đất Gia Định xưa vẫn còn đậm trong lòng nhiều thế hệ người Việt Nam, đúng như 2 câu đối của các học trò viếng khi cụ mất:

Sinh tiền giáo huấn đắc nhân, vô tử nhi hữu tử
Một hậu thanh danh tại thế, tuy vong giả bất vong

(Dịch nghĩa: Sống dạy dỗ được người, không con như có. Chết tên còn lưu lại, dẫu mất mà còn)

* Đồng chí NGUYỄN TẤN PHONG, Thành ủy viên, Tổng Biên tập Báo SGGP: Người thầy giỏi, nền giáo dục tốt, quốc gia hưng thịnh

Ở mọi thời đại, người thầy luôn để lại dấu ấn trong sự phát triển của các thế hệ tiếp nối. Cách đây hơn 200 năm, người thầy đầu tiên của đất Nam bộ - Võ Trường Toản đã nói đến trách nhiệm và đóng góp của các nhà giáo, đó là đạo lý “Lương sư, hưng quốc”, nghĩa là quốc gia có những người thầy giỏi và có một nền giáo dục tốt thì sẽ hưng thịnh. “Lương sư, hưng quốc” vừa nhắc nhở trọng trách, vừa ngợi ca những người thầy vừa có tầm, vừa có tâm và có đạo hạnh. Trong tinh thần đó, vinh danh công lao của nhà giáo chính là bày tỏ lòng tri ân đối với những người đã dạy mình, đồng thời thể hiện niềm tôn quý đối với truyền thống giáo dục, truyền thống văn hóa dân tộc. Trong quá trình phát triển đi lên của sự nghiệp giáo dục không thể thiếu vai trò của người thầy nói chung và mỗi cá nhân nhà giáo nói riêng. Không chỉ vậy, đội ngũ nhà giáo còn có vai trò vô cùng to lớn đối với sự phát triển và tương lai của đất nước nói chung.

* Đồng chí LÊ HỒNG SƠN, Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM: Vinh danh gương sáng hơn 400 thầy cô giáo

Với sự đồng hành của Báo SGGP, qua 17 năm tổ chức, giải thưởng Võ Trường Toản đã vinh danh hơn 400 thầy, cô giáo vượt qua nhiều khó khăn trong công tác lẫn cuộc sống đời thường, trở thành những tấm gương sáng cho đồng nghiệp học tập, các bậc phụ huynh yêu quý và học sinh noi theo. Quý thầy cô đã góp phần to lớn vào sự phát triển của ngành giáo dục và đào tạo TPHCM, là những chiến sĩ thầm lặng mà đầy vinh quang trên mặt trận giáo dục. Nghị quyết 29, Hội nghị lần thứ 8 - khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, ra đời đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục. Tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo TPHCM quyết tâm phát huy truyền thống để tiếp tục vượt qua thử thách, kiên trì với mục đích xây dựng mỗi nhà trường tại TPHCM thành một trung tâm văn hóa giáo dục, trường học tiên tiến, hiện đại, coi trọng giáo dục truyền thống, lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; phát huy năng lực sáng tạo của học sinh, đào tạo ra những con người Việt Nam phù hợp với yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế của thành phố.

* Ông WILFRED BLACKBURN, Tổng Giám đốc Công ty BHNT Prudential VN, Chủ tịch Quỹ Prudence VN: Tự hào đồng hành trao tặng giải thưởng hàng năm

Người Việt Nam có câu “Không thầy đố mày làm nên”. Chúng ta đều nhận rõ vai trò quan trọng của nghề giáo trong việc đào tạo các thế hệ tương lai của đất nước. Không chỉ truyền lại những kiến thức cho nhiều thế hệ học sinh, các thầy cô còn chia sẻ những kinh nghiệm thực tế, hướng dẫn các em hình thành nhân cách và trở thành những công dân có ích khi trưởng thành. Đánh giá cao vai trò của đội ngũ thầy cô giáo, từ năm đầu tiên Prudential hoạt động tại VN, mỗi năm, Quỹ Prudence VN lại tự hào đồng hành cùng Báo SGGP và Sở GD-ĐT TPHCM trao tặng giải thưởng Võ Trường Toản cho những thầy cô giáo có nhiều đóng góp và nhiệt huyết trong công cuộc đào tạo nên những thế hệ tương lai cho nước nhà. Giải thưởng này đã được tổ chức hàng năm và vinh danh 30 giáo viên xuất sắc nhận được giải thưởng mỗi năm vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11). Chúng tôi rất vui khi giải thưởng Võ Trường Toản đã luôn được đón nhận và đánh giá cao bởi chính các thầy cô ngay từ lần đầu tổ chức.

TÙNG THƯ (ghi)

QUỐC ANH

Tin cùng chuyên mục